Các địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030
QTO - Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) tổ chức vào cuối tuần qua. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

Các địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) tổ chức vào cuối tuần qua. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: L.T

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Công thương, đến năm 2020 cả nước có 968 CCN được thành lập với tổng diện tích 30.912 ha, trong đó có 730 CCN có dự án thứ cấp trong CCN hoạt động, thu hút 13.468 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tỉ lệ lấp đầy đạt 63%; tạo việc làm cho trên 580 ngàn lao động. Nhìn chung, các địa phương thực hiện nghiêm công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN theo trình tự, quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã rà soát xây dựng, ban hành quy chế quản lý CCN theo quy định; cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản xuất trong CCN.

Thông qua hoạt động sản xuất các doanh nghiệp trong CCN đã thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Các CCN làng nghề đã góp phần tích cực di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, góp phần xây dựng NTM.

Khó khăn, tồn tại lớn nhất trong quản lý, phát triển CCN là việc việc chấp hành một số nội dung Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN ở một số địa phương chưa nghiêm túc, đầy đủ dẫn đến việc phê duyệt bổ sung quy hoạch, thành lập CCN không đúng thủ tục, thẩm quyền quy định; tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các CCN còn chậm; CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào vận hành còn ít, chỉ chiếm 19,3%. Nhiều địa phương lúng túng trong chuyển đổi mô hình chủ đầu tư xây dựng kỹ thuật CCN từ đơn vị sự nghiệp quản lý nhà nước sang chủ đầu tư là doanh nghiệp…

Tại tỉnh Quảng Trị, đến nay có 17 CCN, trong đó có 14 CNN đã đi vào hoạt động và đang thu hút đầu tư, tỉ lệ lấp đầy đạt 60,9%. Năm 2020, các doanh nghiệp tại các CCN đã khắc phục nhiều khó khăn, tích cực hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổng doanh thu đạt khoảng 1.412 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 2.800 lao động, nộp ngân sách 42,1 tỉ đồng.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng trách nhiệm, vai trò của ngành công thương địa phương trong quản lý CCN hiện còn mờ nhạt, lỏng lẻo. Yêu cầu thời gian tới, các địa phương thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế địa phương, hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ theo quy định pháp luật, nhất là pháp luật bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng.

Chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ các CCN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; chấm dứt tiếp nhận, bố trí các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ngoài CCN, khu công nghiệp. Khi thành lập CCN phải xem xét, tính toán kỹ nhu cầu thực tế, nguồn vốn, năng lực, kinh nghiệm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, hiệu quả đầu tư và tiến độ thu hút lấp đầy CCN. Tập trung xây dựng, hoàn thành đầu tư xây dựng các CCN hiện có, phát huy hiệu quả, đặc biệt là hoàn thành đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung các CCN đã đi vào hoạt động trước ngày 1/1/2024 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Lâm Thanh