(QT) - Có một người phụ nữ nghèo, tần tảo sớm hôm làm thuê làm mướn để nuôi 3 con học đại học đã trở thành tấm gương sáng ở vùng biển bãi ngang. Đó là chị Phan Thị Cúc ở thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Chị kể, vợ chồng chị lấy nhau rồi có 3 mặt con. Mặc dù cuộc sống gặp vô vàn khó khăn nhưng vợ chồng luôn yêu thương, gắn bó bên nhau, cố gắng làm lụng để nuôi các con ăn học. Thế rồi năm 2003, trong một lần đi làm đồng, một tai nạn bất ngờ đã cướp đi người cha thân yêu của các con chị, để lại nỗi đau, sự mất mát về tinh thần cho người phụ nữ tần tảo và 3 đứa con đang tuổi học hành. Sau khi chồng mất, chị Cúc tưởng như gục ngã, nhưng nghĩ đến 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, chị lại gượng dậy và quyết tâm nuôi các con ăn học nên người. Vượt qua nỗi đau, chị Cúc vật lộn, không nề hà bất cứ việc gì để kiếm tiền, mong muốn các con không bị đói và phải bỏ học giữa chừng. Ông Trần Xuân Phong, Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học thôn 5 cho biết: “Chị Phan Thị Cúc là người phụ nữ có ý chí và nghị lực phi thường. Một mình vất vả là thế nhưng vẫn cố gắng nuôi 3 con học đại học”. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình mình và đáp lại công lao trời biển của mẹ, các con của chị đều chăm ngoan học giỏi và lần lượt vào đại học. Năm 2009, con gái đầu của chị đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Hai năm sau, con trai thứ hai của chị cũng đỗ vào Đại học Bình Dương. Và trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay, con gái út của chị đỗ vào Trường Đại học Y Đà Nẵng. Các con vào đại học là niềm vui sướng, tự hào của người làm mẹ. Tuy nhiên, vui sướng tự hào bao nhiêu thì cũng đồng nghĩa với gánh nặng trên đôi vai của chị càng nặng trĩu bấy nhiêu. Ở xã vùng biển bãi ngang người ta trông chờ thu nhập chính từ biển, từ những người chồng, người cha là lao động chính trong gia đình. Nhưng với chị, một người phụ nữ “chân yếu tay mềm” lại đã qua cái tuổi sung sức, không có ruộng để sản xuất thật sự là một thử thách lớn. Chị cho biết, để lo cho các con, chị chưa bao giờ có thời gian để nghỉ ngơi, cứ nghĩ đến việc các con không có tiền ăn, tiền đóng học phí là chị không cầm lòng. Dù trời nắng hay mưa, dù có ốm đau mấy cũng phải cố gắng để lo cho các con. “Mình ở nhà đói còn có khoai sắn mà ăn, chứ các con ở xa nhà cái gì cũng phải mua nên phải có tiền”, chị Cúc chia sẻ. Vất vả là vậy nhưng chị luôn động viên các con phải lo học mới thoát khỏi cảnh lam lũ cơ cực như mẹ. Chị thường dặn dò các con rằng: “Mẹ chịu bao nhiêu khổ cực là mong các con sẽ có cuộc sống khá hơn. Các con thương mẹ thì phải cố mà học”. Dù giờ đây, con gái đầu đã học xong nhưng vẫn còn hai đứa đang học, món nợ của những năm tháng các con đi học giờ đây đã ngót nghét cả trăm triệu đồng. Chị Cúc tâm sự: “Nhiều khi nghĩ đến món nợ tôi chỉ biết khóc một mình, nhưng rồi tự nhủ, mình một đời vất vả, cố chịu khổ thêm vài năm nữa để cho hai đứa sau ra trường ổn định công việc thì mới yên tâm. Còn người còn của, miễn sao các con không thua thiệt với bạn bè”. Chia tay chị lúc hoàng hôn buông xuống, mặc dù còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng trong ánh mắt chị Phan Thị Cúc vẫn sáng lên niềm tự hào, niềm tin ở tương lai. HẢI ĐĂNG