Khi con biết đòi ăn Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu Mẹ là người thức hát ru con Bầu trời trong con ngày một xanh hơn Là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc Mẹ đã thành hiển nhiên như Trời - Đất Như cuộc đời, không thể thiếu trong con. Nếu con đi một vòng quả đất tròn Người mong con mỏi mòn vẫn không ai ngoài mẹ Cái vòng tay mở ra từ tấm bé Cứ rộng dần khi con trẻ lớn lên Mẹ là người đã cho con cái tên riêng Trước cả khi con bật lên tiếng “Mẹ” Mẹ! Cái tiếng gọi mà từ khi bập bẹ Đến lúc trưởng thành con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu Mẹ! Có nghĩa là bắt đầu Cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc Mẹ! Có nghĩa là duy nhất Một bầu trời Một mặt đất Một vầng trăng Mẹ không sống đủ trăm năm Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát Chỉ có một lần mẹ không ngăn con khóc Là khi mẹ không thể nào lau nước mắt cho con Là khi mẹ không còn Hoa hồng đỏ từ đây hóa trắng.... Rồi những đứa trẻ lại chào đời và lớn lên theo năm tháng Biết bao người được làm mẹ trong ngày Tiếng trẻ con gọi mẹ ngân nga khắp mặt đất này Thành âm thanh không bao giờ vắng lặng Mẹ! Có nghĩa là ánh sáng Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim Cái đốm lửa thiêng liêng cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối Mẹ! Có nghĩa là mãi mãi Là cho – đi – không – đòi lại - bao giờ Cổ tích thường bắt đầu từ “ngày xưa có một công chúa” hay “ngày xưa có một vị vua” Cổ tích còn bắt đầu từ “ngày xưa có mẹ”. THANH NGUYÊN Tôi đọc thơ Thanh Nguyên từ khi còn là nữ sinh. Cái giọng thơ dịu dàng, nữ tính nhưng lại rất triết lý và đau đáu nỗi niềm cứ ám ảnh tôi. Thơ Thanh Nguyên không nhiều nhưng luôn để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Những bài thơ về mẹ của Thanh Nguyên, ít thôi nhưng có lẽ, với tôi là hay nhất! Khi còn trẻ, bắt gặp hình ảnh của mẹ, với Thanh Nguyên:“ Mẹ là áo trắng ngả màu/Dọc ngang nghìn sợi cần lao ố vàng ”. Và khi mẹ không còn, mẹ đã trở thành cổ tích thì với Thanh Nguyên, là một câu chuyện cổ tích đẹp và vô cùng nhân hậu. Những vần thơ trong trẻo nhưng gần gũi, thiêng liêng là những hồi ức chứa chan đưa ta về với những cử chỉ ân cần, yêu thương mà mẹ đã dành hết cho con từ khi con mới sinh ra cho đến lúc con trưởng thành. Mẹ đem tất cả tình yêu, khát vọng, niềm tin đặt vào đứa con yêu dấu. Hồi tưởng và suy ngẫm, Thanh Nguyên nhớ đến mẹ với hoài niệm day dứt về trái tim người mẹ lớn lao như trời, đất: “ Mẹ! có nghĩa là bắt đầu/Cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc/Mẹ!/Có nghĩa là duy nhất/Một bầu trời/Một mặt đất/Một vầng trăng ”. Tôi không biết mình đã đọc đến bao nhiêu lần bài thơ này nhưng cứ mỗi lần đọc đều không kìm nén được cảm xúc. Tôi đọc và lo lắng nếu một ngày nào đó “ khi mẹ không còn lau nước mắt cho con ”. Và tôi không thể trích dẫn, vì câu thơ nào trong bài thơ này Thanh Nguyên viết cũng đều hay, đều dạt dào, sâu đậm cảm xúc và liền mạch như sợ nếu bớt đi một câu, mất đi một ý thì không hiểu hết và gói trọn hết được tấm lòng của mẹ. Bởi vì, đối với con, mẹ là tiếng gọi tha thiết yêu thương, là ngọn nguồn cảm xúc, là điểm tựa của niềm tin và hy vọng...nhưng cho “ Đến lúc trưởng thành con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu ”. Và cũng bởi vậy, cái mục đích sâu xa nhất của tôi khi viết những dòng chữ này thực ra là giới thiệu bài thơ “ Ngày xưa có mẹ ” đến với mọi người, để mỗi người chúng ta cùng đọc và biết yêu mẹ mình hơn! Đọc bài thơ, ta chia sẻ biết bao với những ai không còn mẹ và hạnh phúc biết bao khi ta còn mẹ ở trên đời. Nhận rõ qui luật của tự nhiên và âm thanh của tiếng gọi mẹ không bao giờ tắt trên thế gian này nên cảm xúc của Thanh Nguyên vì thế càng mãnh liệt: “ Mẹ!/Có nghĩa là ánh sáng/Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim/Cái đốm lửa thiêng liêng/cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối ” và “ Mẹ!/Là cho - đi – không - đòi lại - bao giờ ”. Ta hiểu rất rõ rằng, niềm hạnh phúc của Thanh Nguyên là “ Mẹ chưa sống đủ trăm năm/Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát ” - niềm hạnh phúc ấy và cả nỗi đau mất mẹ của tác giả song trùng. Với Thanh Nguyên, trong những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ còn có câu chuyện cổ tích về mẹ. Vì vậy, bài thơ như một lời nhắn nhủ cho những ai còn mẹ trên đời, rằng hãy yêu mẹ để sống sao cho xứng với niềm tin, tấm lòng của mẹ và không phải nghĩ nhiều thêm nữa, bởi khi ta biết yêu mẹ nghĩa là ta đã làm tròn phận sự của một người con ở giữa cõi đời rồi. KHÁNH HÀ