Quảng Trị - nơi bắt đầu từ mùa xuân
(QT Xuân) - Một ngày áp Tết Tân Mão, ba anh em làng báo chúng tôi, một là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, một là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam và một làm công tác biên tập ở xưởng phim Quân đội lại có dịp về thăm Quảng Trị- nơi mà trong những năm chiến tranh ác liệt, mỗi chúng tôi đều gửi lại một phần máu thịt của mình. Giờ đây mỗi đoạn đường đi qua, mỗi tên đất, tên làng đều gợi lại bao kỷ niệm.  Đông Hà- một quân trấn nhỏ bé nhưng dày đặc lô cốt, ngổn ngang công sự và chằng chịt dây ...

Quảng Trị - nơi bắt đầu từ mùa xuân

(QT Xuân) - Một ngày áp Tết Tân Mão, ba anh em làng báo chúng tôi, một là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, một là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam và một làm công tác biên tập ở xưởng phim Quân đội lại có dịp về thăm Quảng Trị- nơi mà trong những năm chiến tranh ác liệt, mỗi chúng tôi đều gửi lại một phần máu thịt của mình. Giờ đây mỗi đoạn đường đi qua, mỗi tên đất, tên làng đều gợi lại bao kỷ niệm. Đông Hà- một quân trấn nhỏ bé nhưng dày đặc lô cốt, ngổn ngang công sự và chằng chịt dây thép gai trước đây, giờ đã là thành phố tỉnh lỵ, một thành phố non trẻ đang vươn mình đứng dậy trong bộn bề xây dựng, tuy chưa bằng chị, bằng em nhưng đã có vóc dáng của một đô thị lớn, đường phố dẫu còn chật hẹp nhưng đã được chia thành những ô ngang dọc. Hội trường lớn, khách sạn, công viên, chợ Đông Hà, Trung tâm thương mại và những công sở khang trang đã mọc lên bên cạnh một số nhà dân kiến trúc thật tân kỳ.

Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo không ngừng phát triển. Ảnh: M.H
Có lẽ dấu tích xưa chỉ còn lại cái xe tăng cũ nát nằm ở góc khuất nơi ngã năm đường Lê Quý Đôn- Trần Hưng Đạo với đại lộ Hùng Vương. Mới đó mà đã 39 năm Quảng Trị được giải phóng, một chiếc áo màu xanh đã phủ kín chiến trường xưa, cây xanh đã làm biến đổi một phần khí hậu, làm cho Quảng Trị đỡ phải chịu những đợt gió Tây Nam khô nóng. Ở đây cây tràm hoa vàng được trồng nhiều hơn cả, những hàng cây đều đặn lá xanh rười rượi mang dáng dấp của những cánh rừng xứ lạnh. Ba mươi chín năm, Quảng Trị đã trải qua một chặng đường dài với bao biến đổi lớn lao, trong đó mỗi chặng đường đều có cái mốc lịch sử của nó, như: Ngày 14 tháng 2 năm 1973, cầu phao Đông Hà bắc qua sông Hiếu thông xe lúc 21 giờ. Ngày 12 tháng 3 năm 1973, cảng Đông Hà bắt đầu hoạt động. Ngày 24 tháng 3 năm 1973, chợ Đông Hà họp phiên đầu tiên... Tôi còn nhớ rất rõ phiên chợ đầu tiên ấy, chỉ có 3 dãy quán lợp mái tôn cũ và giấy dầu, bày bán các loại hàng như bàn chải đánh răng, khăn mặt, xà phòng, thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo, thuốc lào Tiên Lãng, lương khô của bộ đội và một số mặt hàng nhu yếu phẩm khác, mà tất cả đều là hàng từ miền Bắc đưa vào. Còn đặc sản của chợ Đông Hà ngày ấy, ngoài rau má, cau khô, sắn khoai, tôm cá ra thì hầu như chỉ có những mặt hàng đều xuất phát từ một nguồn nguyên liệu duy nhất, đó là phế liệu chiến tranh, như các loại đinh lấy từ pháo đinh của Mỹ, bi xe đạp lấy từ bom bi, rồi các loại rèm cửa, làn dỏ xách tay làm bằng loại dây điện nhỏ nhiều màu sắc trông thật đẹp mắt. Những mặt hàng thủ công được làm ra từ vật liệu chiến tranh ấy vừa là mặt hàng hấp dẫn đối với khách trong và ngoài nước khi đến thăm vùng giải phóng, vừa hé mở một nhân tố, một khả năng mới cho Quảng Trị trong việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp sau này. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, Quảng Trị như một chiếc áo vá, trong lúc mọi thứ đều bắt đầu từ con số không, mà sự kiện sau ngày giải phóng đã chứng minh: Hàng vạn người dân hội tụ về quê cũ, người thì vừa thoát khỏi cảnh cá chậu, chim lồng; người thì từ lòng đất lên; người sơ tán ra miền Bắc trở về chỉ có đôi gánh trên vai với mớ hạt giống, cái cuốc, rồi người từ các khu tập trung Rừng Le, Suối Nghệ về cũng chỉ đôi gánh trên vai và thêm nữa, những người lính bên kia chiến tuyến trở về chỉ có bộ quần áo rằn ri che thân... Tất cả đều hỏi chính quyền cách mạng: “Phải làm gì và ăn gì để sống”? Vậy mà bây giờ, sau gần bốn mươi năm bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, họ đã trở thành lực lượng chính trên các địa bàn sản xuất để đến hôm nay cuộc sống ở nông thôn đã được ổn định, còn khu vực thị dân đã có trên 90% tìm thấy công ăn việc làm trong sản xuất, kinh doanh và các ngành nghề dịch vụ khác. Và tuy còn non trẻ, nhưng các cơ sở công nghiệp như thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí, điện tử, chế biến nông -lâm -thủy hải sản, các mặt hàng rượu bia, nước giải khát... trên địa bàn đã hình thành và hoạt động có hiệu quả.

Sắc xuân Đông Hà. Ảnh: HỒ CẦU

Giá trị sản phẩm công nghiệp đã chiếm tỷ trọng trên 35% trong nền kinh tế quốc dân, sản lượng lương thực và tổng đàn gia súc tăng đáng kể, bình quân lương thực đầu người từ 160 kg lên 750kg/năm, thu nhập bình quân đã đạt 16 triệu đồng/người/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước. Và, có thể nói ba mươi chín năm với Quảng Trị là một cuộc chuyển biến lớn lao như sự vận động tự thân của cơ thể trưởng thành. Hơn ba mươi năm trước, ai có dịp qua đây chắc sẽ thấy mặt đất nhẹ hẫng đi trong ngọn gió lùa lay lắt thổi qua ngọn cỏ tranh và những con đường ngập hút giữa lau lách và các loại dây bìm, dây leo mọc đùn lên như thiên hình vạn trạng. Vậy mà giờ đây, ngay trên mảnh đất này, mảnh đất mà người ta nghĩ rằng chỉ còn là một di chỉ buồn bã của sự hủy diệt, những cánh rừng đã mọc lên, sống lại, tươi non, biếc xanh lớp lớp dàn khắp mặt đất như một thế hệ trẻ đang đứng dậy. Tôi yêu đến nao lòng những cán bộ, đảng viên trung kiên đã từng vùi mình trong hầm cát để bám dân, bám đất nay đang cùng lớp trẻ đi những bước vững vàng trên con đường xây dựng kinh tế. Có thể nói, ở Quảng Trị giờ đây mọi cái đang còn đan xen, song đã thấy rõ sự vươn mình đi lên trong khó khăn bề bộn, bởi sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2011- 2015, các guồng máy đã quay đều. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, Quảng Trị coi trọng phát triển toàn diện với việc thay đổi cơ cấu bộ giống và chú trọng thâm canh có chiều sâu, nhờ vậy mà một số huyện đã đưa năng suất lúa bình quân từ 15 tạ một héc ta lên 55 rồi 65 tạ một héc ta/ vụ, đã giải quyết được cơ bản vấn đề lương thực trên địa bàn. 65 tạ một héc ta/vụ chưa phải đã là kỳ tích, nhưng vẫn đọng lại trong câu ca: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Cùng với cây lúa, Quảng Trị còn chú trọng phát triển mạnh cây công nghiệp xuất khẩu, như cao su, hồ tiêu, cà phê... tập trung chủ yếu vào các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và miền tây Triệu Phong. Với kinh tế biển cũng được quan tâm đầu tư đúng hướng nên đã có những khởi sắc đáng kể. Nghề biển của ngư dân bây giờ không chỉ dừng lại với những nghề truyền thống như xăm bãi, lưới rê, mà đã có tàu trung bờ, xa bờ với đầy đủ phương tiện đánh bắt hiện đại, có thiết bị định vị tầm ngư và có khả năng đi biển dài ngày, nhờ vậy mà sản lượng hải sản đánh bắt hàng năm đều tăng, nhất là hải sản xuất khẩu, đã góp phần đưa giá trị GDP bình quân hàng năm của tỉnh lên hai con số. Cuối năm, trời rét ngọt và mưa rả rích, chúng tôi ngược đường số 9 để lên Lao Bảo, nơi mà: “Xe lên đường Chín cheo leo/ hố bom đỏ mắt trắng đèo bông lau”, nay đã trù phú xanh tươi, nhịp sống đã trở lại với bàn tay lao động. Đường số 9 ngoằn ngoèo, chật hẹp trước đây giờ đã thênh thang và êm thuận, bởi nó được mang thêm một tên mới-đường xuyên Á. Lao Bảo trong trí tưởng tượng của mọi người như vầng trán tuyệt đẹp của một con rồng cường tráng đang nâng đỡ khát vọng bình yên, giàu đẹp và hạnh phúc. Đây chính là cửa ngõ khai mở kinh tế vùng lưu vực sông Mê kông, còn cán bộ địa phương vẫn gọi là “khu kinh tế động lực”, là một mô hình kinh tế mở có nội lực như một khối nam châm cực lớn đủ sức thu hút ngoại lực cho Quảng Trị rời đường băng, cất cánh. Tuy nhiên, do những ràng buộc bất hợp lý và cũng có thể là do sự “chặt chẽ trên mức cần thiết” nên Trung tâm thương mại Lao Bảo và con đường xuyên Á chưa thực sự phát huy được tác dụng như mong muốn. Chính vì vậy mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV vừa rồi đã đề ra một chiến lược tổng thể để vừa khai thác có hiệu quả các thế mạnh tiềm năng của địa phương, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và các Bộ, ngành vừa có chính sách ưu đãi để kêu gọi, thu hút đầu tư và liên doanh liên kết với bên ngoài, đồng thời phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn Đảng bộ nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn bố trí lại nhóm ngành nghề, nhóm sản phẩm để khai thác và phát huy mạnh mẽ mọi yếu tố, mọi tiềm năng của tỉnh và sức mạnh tổng hợp của nhân dân... Có thể nói, trong mọi chiều của thời gian và không gian ở Quảng Trị đều rộn lên ước vọng về những mùa vàng. Qua mỗi thời kỳ quật khởi của dân tộc, Quảng Trị luôn biết cách chuyển hóa năng lượng của mình thành sức mạnh để đi tới. Và rồi, sau những cản trở và mò mẫm, sau những tìm tòi và khám phá, tầm nhìn của người dân đã vượt ra khỏi lũy tre làng, nhiều người dân đã mạnh dạn vay vốn, góp vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và vì vậy mà hàng ngàn hộ nông dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú chân đất ngay trên quê hương của mình. Mới thấy cái hoài bão thường rất mãnh liệt, nhưng cái trăn trở lo toan lại phải thật cụ thể. Giống cây cũng như con người vậy, người đặt đúng chỗ thì nên nghiệp, thành thân, cây trồng đắc thổ thì quả sai, trái ngọt. Mỗi thế hệ đều đứng trước mỗi thử thách khắc nghiệt và dĩ nhiên gương mặt của thế hệ chỉ ngời sáng khi biết chấp nhận thử thách để vượt qua, để đứng vững và sáng tạo nên những chiến công bất diệt. Trên mảnh đất này, cơ ngơi chưa có gì gọi là nhiều, nhưng không phải không có cái để mà tâm đắc: Công trình thuỷ điện- thủy lợi trên sông Rào Quán, cầu Cửa Tùng, cầu Cửa Việt đã nối những bờ vui; các khu công nghiệp tập trung, những trang trại vườn đồi với hàng ngàn héc ta cao su đang tuôn dòng nhựa trắng; hàng trăm héc ta hồ tiêu mỗi năm mang về hàng chục tỷ đồng, rồi những cánh rừng đã khép tán; những vườn cây ăn quả đã cho trái ngọt mùa đầu và thêm nữa những hồ nuôi tôm, những ao thả cá; những tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông và nhựa hóa, những ánh điện lung linh; những tiếng máy chạy đều trong các cơ sở sản xuất công nghiệp đang giục giã những bước đi trên con đường hội nhập. Và những câu chuyện tôi nghe, những ánh mắt nụ cười tôi gặp đã bớt đi vẻ hoài nghi khi chính sách, chủ trương của Đảng đã đi vào cuộc sống, khi tiến trình dân chủ hóa đã cởi mở, tiến trình cải cách hành chính đã về tận nông thôn... Dẫu hôm nay vẫn còn chút gió lạnh mùa đông, nhưng cây đời đã nhú lộc đón xuân sang, mùa xuân mà tôi cảm nhận được ở đây từ kích thước của bao cuộc đời được tạo dựng. Qua bao nắng lửa mưa dầm, cái kích thước ấy cứ mãi lớn cao lên vời vợi giữa mênh mông trời đất. Để những lứa đôi, sáng nay trên hướng xuất hành bỗng thấy hương sắc của một mùa xuân vĩnh cửu thơm ngát nụ hôn đầu, hẹn cùng nỗ lực mùa sau khi Đại hội XI của Đảng mở hướng những chân trời dẫn dắt ta đi trong rét ngọt mưa bay, trong bộn bề thử thách, để mùa xuân sáng đẹp mãi tuổi xuân. Phan Sáu