Thông tin từ UBND huyện Hướng Hóa cho biết, ngay sau khi nhận thông tin và ý kiến chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh về việc kiểm tra, xác minh vụ chặt phá cây rừng tái sinh tự nhiên xảy ra tại xã Hướng Sơn, địa phương đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hiện trường.
Nhiều gốc cây rừng tự nhiên tái sinh bị đốn hạ - Ảnh: L.T
Qua kiểm tra cho thấy, việc chặt phá cây rừng tự nhiên tái sinh xảy ra tại Tiểu khu 653 và 671 thuộc thôn Ra Ly Rào, xã Hướng Sơn. Tại hiện trường, phát hiện 20 gốc cây chủ yếu là cây sau sau đã bị đốn hạ. Đường kính gốc bị chặt chủ yếu từ 15-30 cm, có gốc 105 cm. Ngoài ra, phát hiện cạnh các gốc cây bị chặt hạ có 9 lóng gỗ nghi được cưa cắt từ các cây rừng tự nhiên tái sinh.
Được biết, Tiểu khu 653 và 671 thuộc quản lý của UBND huyện Hướng Hóa. Khi địa phương được UBND tỉnh đồng ý chủ trương khai thác, thanh lý diện tích rừng thuộc 2 tiểu khu trên, gần 96 ha có cây rừng đã được đưa ra đấu giá. Ông Phạm Văn Lương, trú tại huyện Vĩnh Linh là người trúng đấu giá và đang khai thác gần 96 ha rừng ở khu vực này.
Quá trình khai thác, cơ quan chức năng yêu cầu ông Lương chỉ được phép khai thác rừng trồng là cây keo tràm và sao đen, còn các cây rừng tự nhiên tái sinh thì không được phép cưa cắt. Tuy nhiên, trong số 20 gốc cây rừng tự nhiên tái sinh bị đốn hạ, ông Phạm Văn Lương thừa nhận, đơn vị khai thác rừng trồng do ông thuê đã cắt 17 cây với khối lượng gỗ hơn 2,3 m3;còn 3 cây còn lại có đường kính lớn, thì chưa xác định đối tượng chặt hạ.
Sau khi xác minh vụ việc phá cây rừng tự nhiên tái sinh, UBND huyện Hướng Hóa đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện xác định chủng loại gỗ, khối lượng và lập hồ sơ đề xuất xử lý theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và công an tiếp tục làm rõ đối tượng đốn hạ 3 cây rừng tự nhiên tái sinh còn lại để xử lý. Ngoài ra, huyện Hướng Hóa yêu cầu rà soát toàn bộ các diện tích và xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Lê Trường