Trên cơ sở Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân (Quy định 11), thời gian qua, người đứng đầu cấp ủy các cấp của tỉnh Quảng Trị đã tích cực thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Để triển khai hiệu quả Quy định 11, ngày 9/8/2019, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành Quy định 33-QĐi/TU về trách nhiệm của bí thư tỉnh ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân (Quy định 33); nội quy tiếp công dân của bí thư tỉnh ủy; thành lập tổ tư vấn, tổ giúp việc cho bí thư tỉnh ủy trong thực hiện nhiệm vụ này; Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy ban hành quy định về việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, tiếp đảng viên và công dân; Ban Nội chính Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn để cấp ủy các cấp triển khai thực hiện thống nhất. Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để phổ biến, quán triệt Quy định 33, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm túc quy định này gắn với việc thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Quyết định số 764-QĐ/TU, ngày 22/11/2017 của BTV Tỉnh ủy về quy trình chỉ đạo xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân gửi đến Tỉnh ủy. Cùng với đó, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đưa nội dung việc thực hiện Quy định 33 vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của BTV, UBKT; lấy việc thực hiện các quy định này làm tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ, thi đua khen thưởng đối với người đứng đầu cấp ủy. Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy cấp xã xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân của bí thư cấp ủy để triển khai thực hiện...
Bí thư cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Ở cấp tỉnh, bí thư tỉnh ủy tiếp dân định kỳ vào ngày 29 hằng tháng tại Ban Tiếp công dân tỉnh. Ở cấp huyện, bí thư tiếp dân định kỳ 1 lần/tháng, địa điểm tại trụ sở cấp ủy hoặc trụ sở tiếp công dân của huyện. Đối với cấp xã, bí thư đảng ủy tiếp dân định kỳ 1 - 2 lần/tháng tại văn phòng đảng ủy. Từ khi thực hiện Quy định 33 đến hết năm 2020, người đứng đầu cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 671 ngày tiếp dân với 1.391 lượt dân. Thông qua việc tiếp, đối thoại trực tiếp với dân, nhiều vụ việc trên các lĩnh vực đã được người dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Trong đó, cấp huyện tiếp nhận để xử lý theo thẩm quyền 139 vụ việc, cấp xã 400 vụ việc; số vụ việc đã giải quyết xong ở cấp huyện là 110 vụ việc, ở cấp xã 352 vụ việc... Quá trình tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân cũng cho thấy, có khá nhiều vụ việc người dân kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không có cơ sở, không thuộc thẩm quyền giải quyết của bí thư cấp ủy. Đối với những trường hợp này, người dân đều được tuyên truyền, giải thích cặn kẽ và được hướng dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, bí thư cấp ủy các cấp đã thường xuyên đối thoại với người dân, khảo sát thực tế để nắm bắt tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời... Có thể khẳng định, thực hiện nghiêm túc Quy định 33 đã góp phần phát huy tốt hơn quy chế dân chủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp và kéo dài; vận động, thuyết phục Nhân dân chấp hành đúng các quy định pháp luật, không để phát sinh tình hình phức tạp, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy định 33 vẫn còn một số hạn chế. Đó là một số người đứng đầu cấp ủy cơ sở chưa thực sự xem công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm; công tác hòa giải ở cơ sở có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Những vụ việc người dân phản ánh đến người đứng đầu cấp ủy thường là những vụ việc phức tạp hoặc đã được chính quyền cấp dưới giải quyết nhưng người dân chưa đồng thuận, muốn cấp cao hơn giải quyết, vì vậy việc khảo sát, nắm tình hình để giải quyết còn chậm so với thời gian quy định. Nhiều vấn đề do lịch sử để lại hoặc chính sách, pháp luật về các lĩnh vực nhạy cảm như nhà ở, đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng…còn bất cập nên việc chỉ đạo giải quyết, giải thích, trả lời cho dân gặp nhiều khó khăn. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo chưa cao.
Để thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, bám sát chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt Quy định 33 để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm cần chú trọng kiểm tra, giám sát việc chấp hành Quy định 11, Quy định 33. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hằng tháng của bí thư cấp ủy. Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc dự báo, nắm bắt tình hình, dư luận xã hội để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ngăn chặn, giải quyết các vụ việc phức tạp, mới nảy sinh từ cơ sở. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Đổi mới, tăng cường vai trò giám sát của HĐND, mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, chú trọng giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài.
Huy Quân