Báo động về tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện
(QT) - Tháng 7/2012, một vụ phóng điện cao áp gây chết người ở xã Tân Thành (Hướng Hóa, Quảng Trị) mà nguyên nhân là do xây dựng nhà trái phép vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ). Mặc dù đã có tai nạn chết người xảy ra nhưng tình trạng vi phạm HLATLĐ tại huyện Hướng Hóa vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, chiếm gần 50% tổng số vi phạm trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Trị, hiện tại đường dây 22 kV Khe Sanh-Lao Bảo cấp điện cho các xã Tân Liên, Tân Lập, Tân ...

Báo động về tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện

(QT) - Tháng 7/2012, một vụ phóng điện cao áp gây chết người ở xã Tân Thành (Hướng Hóa, Quảng Trị) mà nguyên nhân là do xây dựng nhà trái phép vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ). Mặc dù đã có tai nạn chết người xảy ra nhưng tình trạng vi phạm HLATLĐ tại huyện Hướng Hóa vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, chiếm gần 50% tổng số vi phạm trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Trị, hiện tại đường dây 22 kV Khe Sanh-Lao Bảo cấp điện cho các xã Tân Liên, Tân Lập, Tân Long, Tân Thành, Tân Phước với chiều dài hơn 17,8 km có 23 hộ vi phạm HLATLĐ cao áp. Vi phạm phổ biến là xây dựng các công trình nhà ở, công trình phụ trong HLATLĐ, kết cấu nhà và công trình không đủ điều kiện tồn tại trong HLATLĐ. Việc tổ chức thi công các công trình nằm trên hệ thống điện như tuyến đường Tân Long- Lìa đang vi phạm đến HLATLĐ. Đây là hệ thống đường dây cấp điện cho các xã biên giới gồm Tân Long, Thuận, Thanh, A Ngo, A Túc, A Dơi... thuộc đường dây 22 kV XT 472 Trạm cắt Khe Sanh do UBND huyện Hướng Hóa và Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) đầu tư xây dựng trước năm 2000.

Tình trạng trồng cây lấn chiếm HLATLĐ xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh

Vậy nhưng hiện nay trong quá trình thi công tuyến đường, đơn vị thi công đã liên tục vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Gần đây nhất, vào lúc 17 giờ ngày 29/5/2013, xe ô tô mang biển số 74K- 9106 của Công ty CP xây lắp dầu khí I do ông Trần Viết Ích điều khiển thi công đoạn đường đã làm gãy cột điện đường dây cao thế tại vị trí 89 đường dây 22 kV gây mất điện ở 5 xã vùng Lìa. Trước đó, đơn vị thi công cũng đã nhiều lần san ủi mặt bằng làm đổ gãy nhiều trụ điện, đặc biệt là việc nâng cao mặt đường làm cho khoảng cách pha-đất của đường dây 22kV đoạn cấp điện cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa và các tuyến đường dây hạ áp dọc theo tuyến Lìa không còn đảm bảo đúng theo quy phạm của ngành điện, gây nguy hiểm cho tính mạng người dân khi qua lại tuyến đường này… Bảo vệ an toàn hành lang lưới điện là yêu cầu quan trọng nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng của con người, đồng thời đảm bảo cấp điện liên tục trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống điện. Tuy nhiên, việc vi phạm HLATLĐ, đặc biệt là lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Sự cố mất điện do vi phạm HLATLĐ gây ra không chỉ gây tổn thất đến tài sản ngành điện mà làm thiệt hại kinh tế cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng điện, tác động trực tiếp đến nhu cầu sử dụng điện thiết yếu của người dân... Có một thực tế là hầu hết các đường dây điện được xây dựng theo các trục đường và đi qua các vùng đất hoang hóa để đến với các địa phương. Từ khi có điện, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, các cơ sở sản xuất, các dịch vụ phát triển, các vùng đất hoang hóa được hồi sinh. Nhờ có điện nhân dân có điều kiện phát triển trang trại, tổ chức trồng rừng, trồng cây lâm nghiệp, công nghiệp, cao su tiểu điền chủ yếu trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hướng Hóa. Việc phát triển mạnh cây cao su đã mang lại nguồn thu nhập cao cho hàng ngàn hộ dân ở các địa phương. Tuy nhiên sau khi được giao đất, nhiều hộ dân đã trồng cây ngay trong khu vực HLATLĐ, đặc biệt là các loại cây phát triển chiều cao và tán tỏa rộng. Nhiều công trình điện khi triển khai xây dựng, chủ đầu tư đã tiến hành đền bù giải tỏa theo tuyến đường dây điện đi ngang qua, nhưng khi công trình điện đi vào vận hành được vài năm thì việc xây dựng nhà cửa, trồng cây lại xảy ra. Khi phát hiện, ngành điện tiến hành lập biên bản vi phạm HLATLĐ thì người dân không chấp nhận. Bởi lý do mà họ đưa ra là đất đai, nhà cửa, vườn cây có đầy đủ cơ sở pháp lý, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép đăng ký xây dựng... Riêng đối với cây cao su, mặc dù đã được người dân trồng ngoài hành lang lưới điện, nhưng nhánh và cành của cây cao su vươn rộng nên mỗi khi có gió to cành cây gãy, đổ, đập, va quệt vào lưới điện gây nên sự cố làm cháy hỏng thiết bị và gián đoạn cung cấp điện. Trên thực tế bình quân mỗi năm đã có hàng trăm vụ cây va quệt, gãy đổ vào đường dây gây gián đoạn việc cung cấp điện trên địa bàn tỉnh. Mặc dù hàng năm Công ty Điện lực Quảng Trị đã cử cán bộ, công nhân kỹ thuật kiểm tra phát quang cây cối trong hành lang tuyến điện và chặt tỉa nhành cây ngoài hành lang có nguy cơ đổ vào đường dây. Tuy nhiên, khi tiến hành công việc chặt, tỉa cây lại gặp sự cản trở quyết liệt từ phía người dân. Mặt khác sau khi hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với gần 900 km đường dây hạ áp, phần lớn lưới điện hạáp nông thôn được xây dựng đưa vào vận hành đã lâu, không đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường dây và an toàn, đường dây dài, dây dẫn tiết diện nhỏ, nhiều chủng loại…Vì vậy, Công ty Điện lực Quảng Trị đã tập trung nhân lực, bố trí nguồn vốn để sửa chữa lưới điện. Theo kế hoạch từ năm 2012- 2015 công ty sẽ tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn cho 34 xã, kinh phí mỗi năm 14 tỷ đồng. Hiện tại công ty đang triển khai 2 dự án cải tạo và nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn bằng nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) với khoảng 296 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn lưới điện 0,4 kV, 0,2 kV nông thôn trước đây do địa phương xây dựng với cột điện thấp, dây trần tiết diện nhỏ, chạy len lỏi trong vườn nhà dân. Từ khi giao cho ngành điện quản lý, việc kiểm tra và phát quang để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn là cực kỳ khó khăn, bởi phải vào tận vườn nhà dân chặt tỉa cây (nhiều cây có giá trị kinh tế) nên các chủ vườn cây không chấp thuận, thiếu hợp tác và gây khó khăn cho công việc phát quang, đảm bảo HLATLĐ. Sau khi dẫn chúng tôi đi khảo sát thực trạng vi phạm HLATLĐ vùng Tây Triệu Phong, anh Đặng Hoài Nam, Giám đốc Điện lực Triệu Phong cho biết: “Triệu Phong là một trong những địa bàn nổi cộm về tình trạng vi phạm HLATLĐ. Hình thức vi phạm phổ biến đó là trồng cây trên hành lang đảm bảo an toàn lưới điện. Cả một vùng đồi núi Tây Triệu Phong bây giờ rất khó quản lý, bảo vệ HLATLĐ. Ngoài việc trồng mới cây công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện trong tương lai thì tình trạng khai thác gỗ rừng trồng nằm trong HLATLĐ, rất nhiều trường hợp các đơn vị khai thác gỗ làm đổ vào đường dây gây ra mất điện trên toàn tuyến. Khi chúng tôi đến hiện trường thì mọi việc đâu đã vào đó. Dân khai thác gỗ mặc nhiên chở gỗ đi, bỏ lại hiện trường mất điện, buộc chúng tôi phải xử lý hậu quả”. Để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm HLATLĐ theo đúng quy định rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự đồng thuận của người dân. Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn điện, tuyên truyền Nghị định 106/ NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp đất sản xuất cần tính toán khi giao đất và hướng dẫn việc trồng cây để về lâu dài khỏi trở ngại cho ngành điện và thiệt hại cho người dân. Việc bảo đảm HLATLĐ là trách nhiệm của toàn xã hội. Bởi một khi các cấp chính quyền địa phương còn buông lỏng, “khoán trắng” cho ngành điện thì các sự cố về điện gây thiệt hại tài sản, tính mạng vẫn còn xảy ra. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA