(QT) - Năm nay, người trồng dưa hấu ở xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh rất phấn khởi vì vụ dưa vừa được mùa, vừa được giá. Vui vì sản phẩm làm ra mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng không chỉ dừng lại ở đó, người dân còn mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng vào loại nông sản đã được xây dựng thương hiệu này có thể được bán ra thị trường rộng hơn với giá cả xứng đáng với chất lượng sản phẩm đã được khẳng định.
![]() |
Giống dưa Tiểu Yến trồng trên đất Vĩnh Tú cho chất lượng ngon, sạch |
Vụ vừa qua, gia đình ông Trần Đức Viện, ở thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú trồng 6 sào dưa, thử nghiệm giống dưa hấu Thái Lan. Sau hơn hai tháng đầu tư công chăm sóc, đến nay gia đình ông đã bắt đầu thu hoạch dưa để bán. Ông Viện cho biết: “Năm ngoái giá dưa hấu thấp, chỉ khoảng 7.000 -8.000 đồng/kg nhưng năm nay, thương lái về thu mua tại vườn được giá từ 10.000- 12.000đồng/kg nên người dân rất phấn khởi. Bình quân một sào dưa cho thu hoạch 1 tấn quả, doanh thu mười triệu đồng, trong khi chi phí cho một sào dưa không cao lắm. Như vậy, trồng dưa mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại hoa màu khác trên vùng đất cát này”.
Xã Vĩnh Tú là địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất huyện Vĩnh Linh với khoảng 60 ha. Nghề trồng dưa đã có truyền thống từ lâu đời và những năm trở lại đây, ngoài trồng các loại dưa thông thường, người dân Vĩnh Tú đặc biệt ưu ái giống dưa Tiểu Yến quả dài, mỏng vỏ, ít hạt và có vị ngọt thanh. So với các loại dưa thông thường, giống dưa Tiểu Yến có chất lượng vượt trội, thời gian thu hoạch nhanh, đem lại giá trị kinh tế cao hơn nên được người dân đưa vào trồng đại trà ở các chân ruộng cát. Điểm khác biệt của dưa hấu trồng trên đất Vĩnh Tú là ở khâu phân bón chăm sóc cây. Phân bón dùng để bón cho cây dưa thường được người dân sử dụng phân chuồng hoặc loại phân hữu cơ được ủ từ lá trâm bầu khô đã được đốt thành tro. Chính vì vậy, người trồng dưa Vĩnh Tú vẫn tự hào là sản xuất dưa hấu hoàn toàn sạch, không dùng phân hoá học, chất lượng đảm bảo.
Anh Trần Mai Hưng, Giám đốc HTX Huỳnh Công Tây cho biết: “Lâu nay người dân chỉ trồng được một vụ dưa đông xuân do điều kiện thời tiết về mùa hè nắng nóng, vùng đất cát không có nước tưới nên khó trồng bất cứ loại hoa màu gì khác. Tuy nhiên thời gian tới, nhà nước có chủ trương xây dựng trạm điện gần khu vực này, chúng tôi sẽ đầu tư hệ thống tưới để đưa vào sản xuất vụ hè thu, mở rộng quy mô, diện tích trồng dưa. Cùng với việc dưa hấu Vĩnh Tú đã có chỉ dẫn địa lý và đang được UBND tỉnh đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xem xét cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Dưa hấu Vĩnh Tú”, khi đã có thương hiệu, chúng tôi mong muốn sản phẩm dưa Vĩnh Tú sẽ được bán rộng rãi ra thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Là giám đốc HTX Huỳnh Công Tây nhưng anh Hưng và gia đình cũng trồng mấy sào dưa. Trong câu chuyện đầy tâm huyết với dưa hấu Vĩnh Tú, anh Hưng chia sẻ, vốn có công việc ổn định trong miền Nam nhưng bao năm lăn lộn làm thuê nơi đất khách quê người, trở về quê anh mới nghiệm ra vì sao không thử làm giàu ngay chính đồng đất quê mình với lợi thế nghề trồng dưa truyền thống bao đời. Và khi thử nghiệm trồng giống dưa Tiểu Yến chất lượng với kỹ thuật ủ, bón phân khác biệt hơn cách làm thông thường, cho ra sản phẩm dưa ngọt, ngon, tự anh trực tiếp chở dưa đi bán khắp nơi để quảng bá sản phẩm. “Thấy tôi chở sau xe máy sọt dưa đi bán ở các xã khác, nhiều người rất hoài nghi hỏi dưa Vĩnh Tú có gì khác so với các loại dưa thông thường mà bán giá cao hơn, và chắc gì đây là dưa Vĩnh Tú…Tôi mới nói với bà con rằng, chỉ cần ăn thử dưa thì sẽ hiểu vì sao dưa quê tôi lại khác biệt. Và đúng như vậy, sau khi được ăn thử, bà con đã phải công nhận là dưa rất chất lượng, đáng đồng tiền bát gạo để mua”.
Thời điểm đó giống dưa Tiểu Yến chưa được đưa vào trồng nhiều như bây giờ. Chính cách làm của anh Hưng là chở dưa đi các địa phương bán dạo để giới thiệu, quảng bá sản phẩm quê hương đã góp phần làm cho dưa Vĩnh Tú được biết đến nhiều hơn. Ở cương vị là giám đốc HTX Huỳnh Công Tây, với khoảng 150 thành viên tham gia trồng dưa hấu, anh Hưng rất trăn trở làm thế nào để sản phẩm dưa Vĩnh Tú có được chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm làm ra được tiêu thụ với giá thành cao và ổn định chứ không phải lâm vào cảnh được mùa rớt giá như các loại dưa hấu thông thường của các địa phương trong cả nước trong thời gian qua. “Thời gian tới khi có nguồn nước tưới, tổ chức sản xuất trên quy mô lớn hơn, tăng vụ nhưng chúng tôi vẫn duy trì phương thức canh tác trồng dưa hoàn toàn sạch với việc sử dụng phân chuồng và phân hữu cơ. Làm như vậy chất lượng quả dưa mới đảm bảo được vị ngon, ngọt đặc trưng, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của khách hàng.
Mong muốn một ngày không xa, thương hiệu dưa hấu Vĩnh Tú có mặt ở các cửa hàng, siêu thị, bán ra các địa phương trong nước và tham gia xuất khẩu ra nước ngoài…”, anh Hưng bày tỏ. Tìm hướng phát triển bền vững cho nghề trồng dưa hấu ở Vĩnh Tú chính là trăn trở không chỉ của người trồng dưa mà chính là mục tiêu của chính quyền huyện Vĩnh Linh. Hiện tại, dưa hấu Vĩnh Tú bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, được bán chủ yếu ở trong tỉnh và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, một khi đã hướng đến việc mở rộng quy mô sản xuất thì người nông dân cần tuân thủ theo đúng quy hoạch, có phương án hợp đồng rõ ràng giữa người bán với người mua, đơn vị phân phối để tránh tình trạng bị tư thương ép giá. Đặc biệt phải xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi và liên kết sản xuất bền vững. Cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành để biến quyết tâm phát triển vùng dưa Vĩnh Tú quy mô lớn hơn trở thành hiện thực và đưa sản phẩm vươn ra thị trường rộng lớn hơn.
Thanh Trúc