Ý Đảng- lòng dân nơi miền tây Hướng Hóa: Bài 2: Phòng chống tệ nạn ma túy ở Hướng Hóa, đảng viên đi trước
> Ý Đảng- lòng dân nơi miền tây Hướng Hóa. Bài 1: “Chuẩn hóa” và “trẻ hóa”, những cách làm hay trong công tác cán bộ của Đảng bộ huyện Hướng Hóa

Ý Đảng- lòng dân nơi miền tây Hướng Hóa: Bài 2: Phòng chống tệ nạn ma túy ở Hướng Hóa, đảng viên đi trước

> Ý Đảng- lòng dân nơi miền tây Hướng Hóa. Bài 1: “Chuẩn hóa” và “trẻ hóa”, những cách làm hay trong công tác cán bộ của Đảng bộ huyện Hướng Hóa

(QT) - Kể từ khi đứng trước thách thức bị tệ nạn ma túy xâm nhập, nhiều bản làng ở vùng cao Hướng Hóa không còn bình yên. Ma túy đã đẩy nhiều người vào vòng lao lý, gây nên cảnh tan cửa nát nhà và hủy hoại sức khỏe của nhiều thanh niên trai tráng trong vùng. Trước thực trạng đó, nhiều năm nay, cùng với việc phối hợp với các cơ quan chức năng, cấp ủy và chính quyền địa phương các xã dọc biên giới Việt-Lào trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã triển khai quyết liệt các giải pháp để ma túy không lấn sâu thêm vào các bản làng…

Những con số biết nói

Là một huyện giáp biên, nhiều năm nay Hướng Hóa trở thành điểm nóng về tệ nạn ma túy của tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 1.100 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tập trung nhiều ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, trong đó riêng huyện Hướng Hóa có hơn 500 người sử dụng trái phép chất ma túy, chủ yếu là ma túy tổng hợp (hồng phiến hiệu WY). Như vậy, từ địa bàn “trắng về ma túy”, chỉ trong 5 năm trở lại đây, số người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy ở huyện Hướng Hóa tăng nhanh, trong đó có một số địa bàn trọng điểm, phức tạp như thị trấn Lao Bảo, các xã Tân Long, Tân Thành.

Thôn Nam Xuân Đức phát động xây dựng mô hình “Thôn không có tội phạm và tệ nạn ma túy”

Do đặc thù địa bàn biên giới, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, nghề nghiệp không ổn định, thường xuyên qua lại biên giới làm ăn, vận chuyển, bốc vác gỗ, hàng hóa các loại nên các đối tượng thường sử dụng ma túy để tạo hưng phấn, liều lĩnh trong hoạt động bốc vác, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, tránh sự phát hiện, truy bắt của lực lượng chức năng. Số đối tượng này khi trở về địa phương tiếp tục sử dụng ma túy, lôi kéo bạn bè, anh em cùng sử dụng, nhất là số con em các gia đình có điều kiện kinh tế, thiếu sự quản lý, giáo dục tại các địa bàn Lao Bảo, Tân Thành, Tân Long...

Đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy hình thành nên các băng nhóm, lợi dụng điều kiện giao thương, làm ăn và địa hình phức tạp của khu vực biên giới để qua lại nước bạn mua ma túy sử dụng tại chỗ, sau đó đưa về Việt Nam vừa sử dụng, vừa bán lại cho các con nghiện với số lượng tính chất nhỏ lẻ. Thực trạng trên làm cho tình hình ANTT ở địa bàn huyện Hướng Hóa diễn biến phức tạp, đan xen tác động giữa tệ nạn, tội phạm ma túy và các loại tệ nạn xã hội, tội phạm khác.

Ngoài hoạt động sử dụng, buôn bán chất ma túy mang tính chất nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu các đối tượng nghiện trên địa bàn, Hướng Hóa được xác định là địa bàn trung chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam để tiêu thụ hoặc đưa sang nước thứ ba. Năm 2016, lực lượng chức năng tỉnh phát hiện, bắt giữ 66 vụ, 133 đối tượng về hành vi sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; đấu tranh thành công 7 chuyên án và 39 vụ án, bắt giữ 96 đối tượng. Hàng năm, trong các vụ án buôn bán trái phép chất ma túy được đưa ra xét xử có không ít vụ án mà bị cáo là người dân tộc thiểu số.

Điểm chung dễ nhận thấy trong các vụ án đó là sự thiếu hiểu biết của bị cáo về tác hại của ma túy cũng như khung hình phạt về tội danh này. Có bị cáo vừa nhận bản án 9 tháng tù của Tòa tuyên về tội trộm cắp tài sản, trong thời gian cho về nhà chuẩn bị đồ đạc để thi hành án lại tranh thủ mua bán ma túy; có gia đình ở thị trấn Khe Sanh gồm bảy người và hai người khác đến ở chung đều nghiện ma túy và mua bán ma túy, bị lực lượng chức năng bắt khởi tố và đưa ra xét xử, tuyên phạt tổng cộng 65 năm tù...

“Góp gió thành bão”

Trong vai một người mẹ có con sử dụng ma túy, tôi có dịp theo chân anh Lê Bá Minh, Chủ tịch UBND xã Tân Thành đến nhà một thanh niên ở thôn Nại Cửu đã cai nghiện thành công. Câu chuyện diễn ra không mấy cởi mở bởi thái độ dè chừng của T., cho dù thời điểm hiện tại T. đã cai nghiện thành công tại gia đình. Là một người được Đảng ủy xã phân công vận động nhiều đối tượng trên địa bàn cai nghiện thành công, anh Minh rất hiểu tâm lý của những thanh niên này. Đến bây giờ T. vẫn khẳng định: “Thứ đó (ma túy tổng hợp-PV) dùng không nghiện, thích thì dùng, không thì thôi. Giờ em không dùng, đơn giản vì không thích, thế thôi”.

Xuất phát từ nhận thức đó nên T. và nhiều thanh niên khác bị cuốn vào vòng xoáy ma túy lúc nào không hay. Anh Minh khuyên T.: “Bây giờ không nói đến chuyện thích hay không mà phải biết là mình may mắn hơn những người khác khi không còn lệ thuộc vào “thói quen” chết người đó. Ai cũng ghi nhận nỗ lực của T. nên bản thân cần tiếp tục phấn đấu”. Nhiều năm trước, T. thường xuyên sang Lào làm ăn, tiếp xúc với các đối tượng nghiện nên bị lôi kéo lúc nào không hay. Vì thường xuyên vắng nhà, khi về không có biểu hiện gì đáng nghi nên hơn một năm sau, gia đình T. vẫn không biết chuyện.

Sau khi được cấp ủy phân công giúp đỡ, anh Minh tìm cách tiếp cận với T., tuy nhiên để gặp được rất khó bởi T. ít khi có mặt ở nhà và luôn tránh gặp mọi người. Anh Minh thông báo với gia đình để bàn cách cùng phối hợp giúp đỡ T. Qua những cuộc gặp “tình cờ”, với những câu chuyện đời thường đã giúp anh Minh gần gũi T. hơn, từ đó tìm cách khuyên nhủ T. nên từ bỏ ma túy để có tương lai tốt đẹp. May mắn là T. đã nhận ra sai lầm của mình nên quyết tâm cai nghiện.

Hôm đi cùng chúng tôi đến gặp T., anh Minh thông tin về một địa chỉ đang có nhu cầu tuyển công nhân vào làm việc với mức lương ổn định và hứa sẽ giúp T. tìm kiếm việc làm. Vận động cai nghiện chỉ là bước đầu, duy trì được kết quả đó mới là việc khó khăn, vì thế tách đối tượng ra khỏi môi trường xấu bằng cách giúp họ tìm được việc làm phù hợp là một biện pháp hữu hiệu được xã Tân Thành triển khai. Không chỉ với riêng T., một số trường hợp sau cai nghiện đều có chung suy nghĩ nếu ở nhà, tránh tối đa các cuộc tiếp xúc là cách tối ưu để chấm dứt hẳn với ma túy. Tuy nhiên, biện pháp mà họ cứ ngỡ an toàn đó lại rất bấp bênh.

Anh Lê Bá Minh cho biết: “Ở Tân Thành đã cảm hóa 8 đối tượng sử dụng ma túy cai nghiện tại gia đình, hiện có 2 người đăng kí xuất khẩu lao động tại Đài Loan, một trường hợp vào Đắk Lắk làm cho người thân, quá trình làm ăn thường xuyên gửi tiền về cho gia đình”. Tân Thành là địa bàn trọng điểm về ma túy của huyện Hướng Hóa. Nếu như năm 2005-2010 trên địa bàn xã có 6 đối tượng nghiện và sử dụng ma túy thì đến tháng 2/2017, con số đó tăng lên 105 đối tượng. Nhận thức được tác hại của ma túy, trước khi Kế hoạch 357 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc “Phối hợp các lực lượng giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm ma túy” chọn Tân Thành và Lao Bảo triển khai thí điểm, xã đã xây dựng mô hình “Thôn không có tội phạm Nam Xuân Đức” vào năm 2004, phân công Bí thư Chi bộ thôn làm trưởng ban điều hành để quá trình triển khai công việc sâu sát hơn.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, sử dụng người có uy tín trong họ tộc đứng ra vận động, đến nay Chi bộ Nam Xuân Đức đã vận động được 4 đối tượng cai nghiện ma túy thành công. Bà Hồ Thị Lệ Hằng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành, cho biết: “Quán triệt phương châm phòng ngừa là chính, thời gian qua chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng chống ma túy. Cấp ủy xác định trong “cuộc chiến” với ma túy, phải lấy gia đình làm hạt nhân và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên có vai trò nòng cốt”.

Xã Tân Long cũng là một trong những địa bàn trọng điểm về ma túy của huyện Hướng Hóa. Hiện xã đang quản lý 43 đối tượng. Để phòng chống ma túy, Đảng ủy xã đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình, lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị điều tra, nắm bắt; phân công đảng viên giúp đỡ đối tượng cai nghiện. Trong số những người được giúp đỡ cai nghiện thành công, anh Lê Trọng T. ở thôn Long Quy, người đã có thâm niên hơn 10 năm nghiện ma túy và Nguyễn Hữu N., thôn Long Phụng đã trở thành tấm gương để người khác noi theo. Anh T. hiện được tín nhiệm bầu làm Chi hội phó Hội CCB Long Quy, còn anh N. đầu tư phát triển trang trại, nuôi gần 40 con lợn nái, khoảng 150 con lợn thịt, trại gà có gần 1.000 con, loại gà lai chọi lấy thịt đã cho thu nhập ổn định.

Trên hành trình cai nghiện đầy khó khăn của mình, ngoài sự nỗ lực của bản thân các anh còn có sự động viên, tiếp sức của những đảng viên được phân công giúp đỡ như anh Đỗ Thiên Hoàng, Võ Văn Huy. Ông Đỗ Văn Hóa, Bí thư Chi bộ thôn Long Quy, cho biết: “Không phải cứ nói hay, làm giỏi là vận động tốt được. Quan trọng mình phải là người đồng hành, tiếp sức cùng họ, mà làm được điều đó thì phải làm cho người ta tin mình”. Tạo được sự tin tưởng đối với đối tượng được mình giúp đỡ, đó chính là bí quyết thành công của nhiều đảng viên ở Tân Long khi được giao nhiệm vụ cảm hóa, vận động các đối tượng cai nghiện.

Tân Long còn được biết đến với việc xây dựng mô hình “Thôn bản không có tội phạm và tệ nạn ma túy”, tiêu biểu là thôn Xi Núc. Nhắc đến thôn Xi Núc là nhắc đến trưởng thôn Ai Xa Phiên, một đảng viên tiên phong trong cuộc chiến với tệ nạn xã hội để bảo vệ bản làng mình. Là một thôn có 80% người đồng bào dân tộc thiểu số, nói và làm thế nào để thanh niên trong thôn học theo, cùng xây dựng bản làng văn minh và nói không với ma túy là điều không dễ. Nhiều năm nay, Ai Xa Phiên đã làm được điều đó, với một cách làm thật giản dị: Phải sống gương mẫu, phải gần gũi với thanh niên trong bản, phải nói ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào về tác hại của ma túy.

Ai Xa Phiên chia sẻ rằng: “Miềng làm không phải chỉ vì trách nhiệm của người đảng viên mà còn vì trách nhiệm của một người con của bản làng. Miềng tìm hiểu thấy nhiều thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số sa vào tệ nạn, có người còn bị tù tội nên đau lòng lắm. Với một thôn có 80% người dân tộc thiểu số, muốn tuyên truyền phải chọn biện pháp phù hợp, có khi miềng tổ chức các buổi nói chuyện nghiêm túc, nhưng có khi chỉ thông qua một câu chuyện kể trong một cuộc vui nào đó có đông đủ thanh niên: “Ở bản A. mới có người đi tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Vợ con bơ vơ. Gia đình tan tác. Ma túy không thương dân bản miềng mô, không thương gia đình miềng mô, vì thế phải tránh xa nó”.

Người dân bản phần đông rất sợ cảnh gia đình ly tán nên miềng bám vào đó mà tuyên truyền”. Cách làm của người đảng viên này tuy đơn giản nhưng thông điệp chuyển tải lại rất lớn. Đó là lý do từ khi phát động vào năm 2012 đến nay thôn Xi Núc vẫn duy trì mô hình rất tốt. Hàng năm cá nhân Ai Xa Phiên và thôn được UBND tỉnh và các ngành chức năng tặng giấy khen, bằng khen. Từ cách làm trên của Đảng ủy xã Tân Long, Tân Thành đặt ra hai vấn đề, đó là giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn và nhân rộng các thôn bản không có tội phạm và tệ nạn xã hội trên toàn địa bàn. Bởi lẽ, trong cuộc chiến chống lại sự xâm nhập của ma túy vào các bản làng, rất cần những “địa bàn bình yên” như thôn Làng Vây, thôn Xi Núc...

Và để giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn cần xây dựng đề án cụ thể căn cứ vào nhu cầu thực tế ở địa phương thay vì mỗi đảng viên, chi bộ tự tìm việc cho thanh niên sau cai nghiện một cách đơn lẻ. Có thể sẽ rất khập khễnh khi so sánh về con số người nghiện với những người cai nghiện thành công vì “cuộc chiến” với ma túy vốn rất cam go, lâu dài. Nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong “cuộc chiến” cam go này cũng là để thổi bùng lên ngọn lửa trách nhiệm trong mỗi cán bộ, đảng viên và bản thân mỗi cá nhân, gia đình.

(còn nữa)

Hoài Nam