Phát triển nghề mới để làm giàu
(QT) - Đó chính là anh Trần Minh Thắng chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Thắng ở thôn Đạo Đầu (Triệu Trung, Triệu Phong, Quảng Trị).  Năm 1995, anh Thắng tốt nghiệp cấp 3, rồi lấy vợ. Ngày vợ chồng anh ra ở riêng, gia tài duy nhất chỉ là một ngôi nhà tạm bợ và 3 sào ruộng, bởi cha mẹ anh cũng chẳng giàu có gì để hỗ trợ thêm cho anh. Cuộc sống khó khăn nhưng bù lại, vợ chồng anh rất mực yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, động viên nhau cùng làm việc, không ngại cực khổ.  Anh Thắng cật lực làm việc ...

Phát triển nghề mới để làm giàu

(QT) - Đó chính là anh Trần Minh Thắng chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Thắng ở thôn Đạo Đầu (Triệu Trung, Triệu Phong, Quảng Trị). Năm 1995, anh Thắng tốt nghiệp cấp 3, rồi lấy vợ. Ngày vợ chồng anh ra ở riêng, gia tài duy nhất chỉ là một ngôi nhà tạm bợ và 3 sào ruộng, bởi cha mẹ anh cũng chẳng giàu có gì để hỗ trợ thêm cho anh. Cuộc sống khó khăn nhưng bù lại, vợ chồng anh rất mực yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, động viên nhau cùng làm việc, không ngại cực khổ. Anh Thắng cật lực làm việc trên đồng ruộng, nhưng với một năm hai vụ lúa nên cái nghèo bám riết mãi. Anh trăn trở suy nghĩ mãi, mình còn trẻ, còn khỏe phải tìm một hướng làm ăn mới mới thoát được nghèo. Cuối cùng hai vợ chồng anh quyết tâm đi học thêm nghề làm bánh kẹo với hy vọng sẽ có một cuộc đổi đời trong tương lai gần. Cần cù và sáng tạo nên sau một thời gian ngắn học việc, vợ chồng anh đã thạo nghề làm bánh nhờ đôi bàn tay khéo léo. Ra nghề, vợ chồng anh dắt nhau trở về và bắt đầu lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Năm 1997, những chiếc kẹo thơm ngon do chính bàn tay vợ chồng anh Thắng làm ra bắt đầu “trình diện” với bà con làng xóm. Lúc đó, nhiều người nếm thử những chiếc kẹo của anh Thắng làm ra đều chung một nhận định thơm ngon. Đó là thành công bước đầu của đôi vợ chồng trẻ trên mảnh đất còn lắm gian khó này. Anh Thắng cho biết: “Mặc dù sản phẩm đã ra mắt mọi người nhưng những khó khăn mà tui gặp phải cũng không ít, đó là không có nguồn vốn để mở rộng sản xuất, chưa có thị trường tiêu thụ, làm bằng phương pháp thủ công nên thu nhập rất thấp, lời lãi không được là bao. Với chí cầu tiến, vợ chồng tôi bàn nhau nên tiếp tục đến các cơ sở sản xuất bánh kẹo ở nhiều địa phương khác nhau để học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, phương pháp làm tốt, nâng cao hơn nữa tay nghề, chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ”. Dùng số tiền nhọc nhằn tích cóp được sau bao năm vất vả và số tiền vay mượn, anh Thắng đã mạnh dạn đầu tư mua sắm một số máy móc thiết bị phục vụ việc sản xuất bánh kẹo, mở rộng cơ sở sản xuất lớn hơn. Dần dà, các sản phẩm bánh kẹo của anh Thắng đã khẳng định được “thương hiểu” của mình không chỉ một số địa phương trong tỉnh mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành lớn trong cả nước nhờ chất lượng thơm ngon, mẫu mã đa dạng, phong phú, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, sản phẩm bánh kẹo do chính bàn tay anh làm ra khá đa dạng như kẹo mè xửng, kẹo cau, kẹo chanh, kẹo diệp hà…Tổng thu nhập hàng năm của cơ sở sản xuất Ngọc Thắng trên 500 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí, lãi ròng từ 100- 120 triệu đồng. Cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Thắng giải quyết việc làm ổn định cho 10- 12 người dân ở địa phương với mức thu nhập từ 800.000 - 1.200.000 đồng/tháng. Sau bao năm miệt mài, không ngại gian khó cùng sự năng động sáng tạo, mọi công lao, mồ hôi nước mắt của anh cũng được đền đáp xứng đáng. Cuộc sống gia đình anh Thắng ngày càng khấm khá, nhà cửa được xây dựng khá khang trang, sắm sửa đầy đủ các phương tiện, tiện nghi trong gia đình, con cái được ăn học đàng hoàng. Khi nói về anh Trần Minh Thắng, ông Lê Văn Thiên, Trưởng thôn Đạo Đầu hết lòng ca ngợi: “Anh Thắng là một thanh niên trẻ, giàu khát vọng và có ý chí, quyết tâm vượt khó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Anh còn trực tiếp giúp đỡ mọi người dân địa phương có công ăn, việc làm, góp phần nâng cao mức sống cho nhiều người”. Nhìn cơ ngơi của anh Thắng ở một vùng quê còn lắm gian khó này, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng phải thầm khen ngợi ý chí làm giàu của ông chủ trẻ này. MINH ĐỨC