Tham vọng sau một cuộc điều chỉnh
QĐND - Cuộc đua giữa các cường quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng khốc liệt. Những dự án khổng lồ của các cường quốc đang khiến những biến động về an ninh, chính trị, quốc phòng ở khu vực này thêm sâu sắc.

Tham vọng sau một cuộc điều chỉnh

QĐND - Cuộc đua giữa các cường quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng khốc liệt. Những dự án khổng lồ của các cường quốc đang khiến những biến động về an ninh, chính trị, quốc phòng ở khu vực này thêm sâu sắc.

Việc Mỹ quyết định chuyển Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) thành Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là diễn biến mới nhất trong những thay đổi đang diễn ra tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là sự điều chỉnh có tính chiến lược nhằm cân bằng sức mạnh cả về kinh tế và quân sự đang ngày càng gia tăng giữa Mỹ với các cường quốc khu vực. Việc đổi tên trên không chỉ có ý nghĩa bề ngoài, Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “ra đời” cho thấy đang có những thay đổi nhận thức về chiến lược an ninh biển; tác chiến trong không gian mới rộng lớn hơn; hợp thức hóa các hoạt động trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn… trong khu vực, tạo ra khả năng tương tác tốt hơn với các đối tác trong và ngoài liên minh quân sự của Mỹ ở khu vực này. Suy cho cùng đó cũng là cách Mỹ lôi kéo thêm đồng minh tham dự vào chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Mỹ mới vạch ra, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh khu vực, tự do hàng hải, đến hợp tác quốc phòng…

Bộ trưởng Mattis tại buổi lễ mãn nhiệm tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Đô đốc Harry Harris tại Hawaii ngày 30-5. Ảnh: REUTERS

Câu hỏi đặt ra là tại sao cần đổi tên và nhiệm vụ mới của Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ có gì đặc biệt? Cần hiểu rõ rằng, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng, có ý nghĩa cấp bách hiện nay mà Mỹ phải đối mặt là sự cần thiết phải khẳng định cam kết duy trì vị trí dẫn đầu với ưu thế vượt trội của Washington tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Kể từ khi lên nhậm chức, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump đã gây cho các đồng minh của Mỹ sự bất an. Do vậy, Mỹ phải trả lời câu hỏi liệu có tiếp tục cam kết bảo vệ vị thế của nước này trong hệ thống quốc tế và bảo vệ các thể chế quốc tế đang giúp khẳng định vai trò dẫn dắt toàn cầu của Mỹ. Chính quyền của ông Donald Trump vẫn chưa có câu trả lời khẳng định rằng Mỹ sẽ kiên quyết bảo vệ những thành tố cơ bản của tầm ảnh hưởng toàn cầu của nước này tại khu vực hay không.

Việc hình thành Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy đây là sự bảo đảm lợi thế của Mỹ trong cán cân quyền lực với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Điều này giúp Mỹ kiểm soát những mối đe dọa ở xa lãnh thổ; duy trì được trật tự, quy tắc, thông lệ và những thể chế giúp Mỹ duy trì vị thế cường quốc toàn cầu, bắt kịp các bước tiến hiện đại hóa nhanh chóng của các cường quốc khu vực. Việc ra đời bộ chỉ huy mới này cũng cho thấy Mỹ muốn dùng sức mạnh quân sự cùng cách bố trí lực lượng, thiết lập đồng minh để thực hiện chiến lược phòng ngừa đối với các cường quốc mới nổi có tiềm lực cạnh tranh chiến lược.

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng như thế nào mà được Mỹ đặc biệt quan tâm như vậy? Ngược dòng thời gian, khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành một thuật ngữ khi được nhắc tới trong chiến lược an ninh quốc gia và sau đó là chiến lược quốc phòng Mỹ năm 2017. Các văn bản này đều coi “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở và tự do” là một trong những mục tiêu cuối cùng của việc quản trị các vấn đề quốc tế trong khu vực từ Ấn Độ Dương cho tới Tây Thái Bình Dương. Trái ngược với khái niệm truyền thống “châu Á-Thái Bình Dương” quá tập trung vào Mỹ và các đồng minh Đông Á, cấu trúc địa chiến lược mới dịch chuyển trung tâm của khu vực lệch sang phía Tây, phản ánh sự trỗi dậy của các nhân tố mới và các xu hướng mới định hình môi trường chiến lược khu vực.

Chính vì lý do này, không lâu sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump tuyên bố chấm dứt chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" mà cựu Tổng thống B.Obama đã xây dựng. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông B.Obama cũng đã mở rộng chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” sang cả Nam Á, manh nha cho sự định hình của chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Như vậy có thể thấy, chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của chính quyền Tổng thống Donald Trump phần nào là sự tiếp nối và mở rộng của chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”.

Nếu nhìn vào các số liệu, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao trùm hơn châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này tập trung nhiều kênh giao thông đường thủy quan trọng trên thế giới, dầu thô, các hải cảng… với dòng chảy thương mại chỉ riêng Ấn Độ Dương đã đạt gần 1.000 tỷ USD/năm. Khu vực này cũng chiếm gần một nửa dân số thế giới bao gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á đầy năng động, cùng với Trung Đông và châu Phi có tài nguyên phong phú. Thêm vào đó, con số thống kê với 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 7 trong số 8 thị trường phát triển nhanh nhất… cho thấy tầm quan trọng của khu vực rộng lớn này mà bất cứ nước lớn nào cũng muốn chiếm vị thế dẫn dắt. Nước Mỹ tất nhiên không phải là ngoại lệ.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump chính thức khẳng định quan điểm của mình với chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và trong suốt chuyến công du châu Á dài gần hai tuần của mình sau đó, ông Donald Trump liên tục sử dụng thuật ngữ này với hàm ý lợi ích của nước Mỹ đã gắn chặt với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc tại khu vực này vốn đã căng thẳng sẽ ngày càng khốc liệt.

NGUYỄN HÒA