> Ý Đảng- lòng dân nơi miền tây Hướng Hóa. Bài 1: “Chuẩn hóa” và “trẻ hóa”, những cách làm hay trong công tác cán bộ của Đảng bộ huyện Hướng Hóa
>> Ý Đảng- lòng dân nơi miền tây Hướng Hóa. Bài 2: Phòng chống tệ nạn ma túy ở Hướng Hóa, đảng viên đi trước
(QT) - Chuyện làm mô hình kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa bây giờ đã trở nên thuận lợi hơn nhiều, bởi ngày càng có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của nhà nước cũng như các kênh thông tin để học tập kinh nghiệm. Nhưng cách đây hàng chục năm, để thay đổi nếp nghĩ, tập tục và bắt tay làm mô hình kinh tế, không mấy người nghĩ ra được cách làm như những đảng viên người dân tộc thiểu số mà chúng tôi đã gặp.
![]() |
Nỗ lực trong phát triển kinh tế đã mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình anh Hồ A Dỏ (thôn A Ho, xã Thanh, Hướng Hóa) |
Bà Y Dơ, ở thôn A Cha, xã A Xing (Hướng Hóa) dẫn chúng tôi băng qua mấy con đập được vợ chồng bà cực nhọc khuân từng tảng đá làm bờ kè dẫn ra khu vực nuôi cá. Hai hồ cá này được ông bà bỏ công đào đất, be bờ, thả giống nuôi từ những năm 80 của thế kỷ trước, vốn là nguồn thực phẩm quan trọng giúp ông bà nuôi năm người con qua giai đoạn khó khăn. Hỏi chuyện bắt đầu “làm kinh tế” từ bao giờ, ông Hồ Việt, chồng bà Y Dơ cứ một mực mà rằng: “Tôi chỉ làm theo lời bà ấy, mọi việc đều do một tay bà ấy sắp xếp hết”. Ấy là ông đang nói đến ý tưởng táo bạo của bà Y Dơ cách nay mấy chục năm, khi hầu hết người dân bản chỉ biết phụ thuộc vào lá rau, củ sắn trên nương thì bà Y Dơ đã quyết tâm đào ao nuôi cá, nuôi bò, lợn, gà để tăng thu nhập cho gia đình.
Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng vốn là cán bộ làm công tác phụ nữ của xã lâu năm, sớm tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nguồn hỗ trợ vốn vay cho đồng bào dân tộc thiểu số, bà Y Dơ đã đi đầu làm gương cho mọi người. Bằng tiền vốn được vay, ban đầu bà đầu tư nuôi lợn, sau nhận thấy nuôi bò có giá trị kinh tế cao hơn nên bà chuyển sang nuôi thêm bò. Từ việc chỉ mua được một con bò giống về chăm nuôi, qua nhiều lần bò sinh sôi, mua đi bán lại bò mẹ lẫn bò con, giờ bà Y Dơn duy trì đàn bò từ 8-10 con trong chuồng.
![]() |
Kinh tế ổn định giúp vợ chồng anh Hồ Văn Lửa, thôn Cu Rông, xã A Xing, Hướng Hóa có điều kiện nuôi dạy con tốt |
“Đất đai trên nương còn nhiều, tôi bàn với chồng là khai hoang để trồng sắn, cây sắn dễ trồng lại có nguồn thu ổn định khi bán cho nhà máy, nên tôi vận động các hộ trong thôn tích cực trồng sắn. Quan trọng nhất là làm bất cứ cái gì, từ nuôi cá, nuôi lợn, bò hay trồng cây sắn cũng phải học hỏi, tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ thì mới đạt hiệu quả, chất lượng tốt”, bà Y Dơ cho hay. Là một đảng viên gương mẫu với 21 năm tuổi đảng, 11 năm là Chủ tịch Hội LHPN xã A Xing, điều đặc biệt hơn khiến chúng tôi thấy nể phục người phụ nữ nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn này chính bởi bà Y Dơ là người phụ nữ hiếm hoi dám mạnh dạn gây dựng mô hình kinh tế tổng hợp vốn còn nhiều mới mẻ ở vùng Lìa này.
“Người phụ nữ vùng đồng bào mình còn nhiều vất vả lắm, quanh năm chỉ biết bán mặt cho nương rẫy, sinh con đẻ cái. Mình là đảng viên thì phải cố gắng đi đầu trong các phong trào, làm cho có hiệu quả thì nói bà con mới tin, mới nghe và học làm theo”, bà Y Dơ chia sẻ thêm. Với mô hình hiện tại cá - bò- sắn, cộng với lúa nương vẫn duy trì để đảm bảo nguồn lương thực tự cấp tự túc cho cả gia đình, vợ chồng bà Y Dơn đã nuôi năm người con khôn lớn, dựng vợ gả chồng, xây dựng nhà cửa khang trang cho các con quây quần bên bố mẹ.
![]() |
Mô hình vườn - ao - chuồng mang lại thu nhập cao cho gia đình bà Y Dơ (A Xing - Hướng Hóa) |
Theo lời bà Y Dơ, mỗi năm, từ nuôi cá mang lại cho gia đình bà 50 triệu đồng, mỗi mùa sắn thu khoảng 150 triệu đồng, cộng với nguồn thu từ bò, lợn, gà….đã giúp bà đảm bảo cuộc sống khá ổn định. Cái quý của người đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, của những đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số mà chúng tôi gặp, ấy là không chỉ biết làm cho cuộc sống của gia đình mình khấm khá mà còn nhiệt tình đem cái hay, cái tốt chia sẻ cho nhiều người khác học theo, làm theo.
Cách mà đảng viên trẻ Hồ Văn Lửa, Thôn trưởng thôn Cu Rông, xã A Xing đã làm chính là tấm gương để nhiều người trong thôn học theo. Vừa tròn ba mươi tuổi, Hồ Văn Lửa đã có ba mặt con, trong đó con trai út bị khuyết tật, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhận thấy đất đai trên rẫy trồng sắn không mang lại lợi nhuận nhiều, bỏ công trỉa lúa trên nương mỗi vụ cũng chỉ thu được ba thúng, mỗi thúng đong được mười gùi, không đủ lương thực cho cả nhà, trong khi đó, xã có chủ trương khuyến khích người dân đầu tư trồng chuối, Hồ Văn Lửa quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Anh gom góp số tiền vay mượn được mua 600 gốc chuối để trồng.
“Thu nhập từ chuối mang lại cho gia đình tôi một năm 60 triệu đồng, đồng tiền thu nhập chính đáng từ trồng chuối nên nói bà con mới tin. Mình là trưởng thôn, phải biết vận động người dân làm theo để vực dậy cuộc sống của nhiều người còn vất vả. Bây giờ thôn Cu Rông này có khoảng gần chục hộ có thu nhập từ 60 triệu đồng mỗi năm trở lên, tất cả là nhờ thay đổi tập quán canh tác sản xuất”, Hồ Văn Lửa phấn khởi cho biết. “No ấm hay không cũng từ bàn tay, từ suy nghĩ và quyết tâm của mình”, ý nghĩ này cũng đã thôi thúc Hồ A Dỏ, ở thôn A Ho, xã Thanh nuôi chí làm kinh tế để thoát nghèo.
Tài sản hiện có của Hồ A Dỏ là 3 ha sắn, 2 ha chuối, đàn lợn 30 con giống lợn bản chuyên bán cho các nhà hàng và hệ thống máy xay xát phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Để có được như ngày hôm nay, hành trình thoát nghèo vươn lên của vợ chồng Hồ A Dỏ không hề bằng phẳng. “Mới lập gia đình, bố mẹ cho ra ở riêng, tài sản hầu như chẳng có gì đáng giá. May mắn là tôi được chính quyền xã tạo điều kiện cho đi học các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, rồi tiếp tục được tạo điều kiện cho đi học lớp trung cấp chính trị nên được mở mang rất nhiều kiến thức bổ ích.
Tôi vay số vốn ban đầu 30 triệu đồng để mua máy xay xát về làm nghề, mua thêm 4 con lợn giống bắt đầu cho việc khởi nghiệp, nhưng khởi đầu đã thất bại”, anh Hồ A Dỏ nhớ lại câu chuyện “vạn sự khởi đầu nan” của mình. Bốn con lợn giống nuôi được một thời gian thì chết cả, máy xay cũng hoạt động cầm chừng vì thói quen tự giã lúa bằng tay của người dân vẫn còn phổ biến, chăm bẵm mấy héc ta sắn nhưng trúng thời điểm giá cả bấp bênh nên thu nhập chẳng đáng là bao. Không nản lòng, A Dỏ mượn lại của bà con từng ít một, gom góp được 10 triệu đồng mua 800 cây chuối về trồng. Chất đất vùng Lìa vốn dĩ thích hợp với cây chuối nên đã mang về mùa quả ngọt có giá trị kinh tế cho người dân vùng khó.
“Cây chuối đã thay đổi cuộc đời tôi, mùa đầu tiên thắng lợi vì chuối được mùa được giá, phấn khởi lắm. Tôi trả bớt nợ một phần, tiếp tục mua thêm giống chuối về trồng, vận động bà con cùng triển khai trồng giống cây mới như mình để tăng thu nhập”, A Dỏ chia sẻ thêm. Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, thì cứ theo cách của Hồ A Dỏ, nói ít, làm nhiều, làm hiệu quả để bà con nhìn thấy ắt sẽ nghe theo. Anh Vỗ Khắc Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh khi giới thiệu về gương làm kinh tế hiệu quả của đảng viên Hồ A Dỏ đã chia sẻ thêm, từ một người đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo, nay A Dỏ đã là tấm gương làm giàu được người dân tin tưởng học theo.
Đi dọc các xã vùng Lìa, hỏi về những đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế hiệu quả, chúng tôi được giới thiệu nhiều mô hình, cách làm hay đã góp phần không chỉ thay đổi cuộc sống của chính những gia đình đó, mà còn có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đó là đảng viên trẻ Hồ Văn Hinh, Bí thư Chi bộ thôn A Máy; Hồ Văn Ương, Bí thư Chi bộ thôn Ky Rỵ, xã Thuận cũng chọn cây sắn, cây chuối là giống cây chủ lực của địa phương hoặc tìm một hướng đi mới đột phá với giống cây bời lời vốn mang lại giá trị kinh tế cao để làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương.
Đảng viên Hồ Văn Bường, bản 8, xã Thanh từ một hộ nghèo đã tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hay như tấm gương tiêu biểu của đảng viên Hồ Văn Đơ, ở bản 4, xã Thanh, không những làm mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn hiến tặng hơn 500 m2 đất cho xã xây dựng trường mầm non, đồng thời là thành viên tích cực tham gia tổ bảo vệ đường biên, cột mốc… Để phát triển kinh tế - xã hội đối với địa bàn các xã vùng sâu vùng xa, từng địa phương đã xác định thế mạnh, cây con chủ lực để định hướng, khuyến khích các cá nhân làm mô hình kinh tế. Trong quá trình này, đội ngũ đảng viên luôn đi đầu làm gương cho người dân học tập làm theo.
(còn nữa)
Thanh Trúc