Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) được chú trọng. Mặc dù về lâu dài định hướng của tỉnh lấy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp năng lượng làm khâu đột phá, phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn xác định nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, vì hiện tại tỉnh còn 70% dân số sinh sống ở khu vực này. Do đó đòi hỏi phải tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nhằm giúp người dân ở khu vực này có điều kiện sống ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh chuyển biến tích cực, đạt được kết quả đáng kể. Đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, các vùng lúa chất lượng cao, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng; cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp tăng khá nhanh. Giá trị toàn ngành tăng bình quân gần 3,82%/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 27,5 vạn tấn/năm, vượt 2,5-3 vạn tấn so với kế hoạch. Chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, thâm canh bán công nghiệp gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, liên kết theo chuỗi giá trị. Lâm nghiệp từng bước phát huy lợi thế; trồng rừng kinh tế, nhất là trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC phát triển mạnh, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước (đến nay toàn tỉnh có 23.429 ha có chứng chỉ FSC). Độ che phủ của rừng đạt 50,1%, vượt chỉ tiêu đề ra (kế hoạch 49,5%). Tổng sản lượng thủy hải sản năm 2020 đạt 37.129 tấn, tăng bình quân hằng năm 1,1%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đạt được kết quả nổi bật (toàn tỉnh có 57/101 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỉ lệ 56,4%, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn NTM).
Có thể nói, kinh tế nông nghiệp của tỉnh những năm qua sẽ còn đạt kết quả cao hơn nếu không bị tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi; gần đây đại dịch COVID-19 làm tăng thêm khó khăn, thách thức. Định hướng của tỉnh trong giai đoạn tới tập trung khắc phục tác động của dịch bệnh và thiệt hại do thiên tai gây ra; nhanh chóng phục hồi nền kinh tế trong những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025; tận dụng các cơ hội mới để bứt phá, phát triển trong những năm cuối của kế hoạch. Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại các ngành kinh tế; tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hiệu quả, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương. Chú trọng hỗ trợ, nhân rộng diện tích lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên. Duy trì sản lượng lương thực có hạt ổn định 25-26 vạn tấn/năm. Trồng mới, tái canh cây cà phê; ổn định diện tích cao su hiện có; trồng mới và thâm canh cây hồ tiêu theo quy hoạch. Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi để phát huy tối đa năng lực thiết kế, đảm bảo tưới chủ động trên 90% diện tích đất trồng lúa hai vụ.
Cùng với đó, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại tập trung; chú trọng phát triển chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ. Phát triển tổng đàn lợn, tổng đàn bò và tiếp tục chương trình Zebu hóa đạt 70% tổng đàn trở lên. Thực hiện đồng bộ việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng, ưu tiên và chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC, gắn doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi giá trị. Hằng năm, trồng mới rừng tập trung đạt 6.500-7.000 ha. Chuyển đổi mạnh mẽ khai thác thủy sản xa bờ, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại với các thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc, máy định vị, tầm ngư… để nâng cao năng lực đánh bắt. Tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất giá trị nuôi tôm trên một đơn vị diện tích. Duy trì vững chắc kết quả của các xã đạt chuẩn NTM; đẩy mạnh thi đua xây dựng NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến cuối năm 2025 có 3 huyện đạt chuẩn NTM; có 75,2% số xã đạt chuẩn NTM; 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Phương Minh