Người khiếm thị “kết bạn” với máy vi tính
(QT) - Tuy không nhìn thấy màn hình nhưng kĩ năng sử dụng máy tính của một số cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh Quảng Trị thành thạo chẳng kém dân sành công nghệ. Chính tin học đã mở ra nhiều vận hội mới cho họ. Gặp thầy trò ông Trần Hữu Lợi, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hải Lăng lần đầu, hầu hết mọi người đều lấy làm lạ, thậm chí không mấy thoải mái khi thấy họ thường đệm từ tiếng Anh vào cuộc nói chuyện. Mỗi lần như thế, ông Lợi lại tươi cười, từ tốn giải thích: “Mình đang giúp các bạn khiếm thị trau dồi vốn tiếng Anh để phục vụ việc học vi tính. Vì không nhìn thấy màn hình nên chúng tôi phải sử dụng phần mềm phát ra âm thanh, trong đó phần lớn là tiếng Anh”.
 |
Tuấn Anh chia sẻ kiến thức vi tính với những hội viên đồng cảnh ngộ |
Được biết, khởi đầu quá trình giảng dạy, ông Lợi thường dày công giúp học viên làm quen với tiếng Anh. Ông nhận thấy phương án hữu hiệu nhất chính là gắn từ vựng với các hoạt động hàng ngày. Từ quen cách phát âm, học viên bắt đầu nhớ mặt chữ, ngữ nghĩa... Việc học vi tính nhờ thế trở nên thuận lợi hơn. Tại Quảng Trị, có thể nói ông Trần Hữu Lợi là lớp người khiếm thị đầu tiên được đào tạo Tin học bài bản. Năm 2006, ông được cử đi học vi tính tại Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng, thuộc Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Trở về, ông Lợi lao vào tự học với tất cả niềm đam mê. Năm 2009, nhận lời mời của Hội Người mù tỉnh, ông tham gia giảng dạy lớp Tin học văn phòng đầu tiên cho 10 cán bộ, hội viên khiếm thị. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng bước đầu các học viên vẫn gặp không ít khó khăn. Họ phải học thuộc lòng toàn bộ lí thuyết, kế đến là làm quen với máy móc. Riêng việc gõ bàn phím đã là một thử thách. Ông Lợi cho biết: “Người sáng mắt có thể thấy từng bộ phận, tổ hợp phím... gắn với nó là chức năng tương ứng của máy vi tính. Thế nên, họ học, nhớ và thực hành rất nhanh. Về phần mình, người khiếm thị chỉ có thể cảm nhận bằng bàn tay. Tôi phải hướng dẫn các học viên nhớ cặn kẽ hình dáng, thứ tự, chức năng, sự kết hợp... của các phím”. Vì không nhìn thấy màn hình, người khiếm thị phải học bằng... tai thông qua các phần mềm hỗ trợ tiếng nói. Trong đó, phần mềm Jaws được sử dụng phổ biến. Jaws có khả năng đọc chính xác hầu hết thông tin trên màn hình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh đó, phần mềm này còn hỗ trợ các câu lệnh dùng phím tắt giúp người khiếm thị có thể cài đặt, hiệu chỉnh và sử dụng hầu hết chức năng của máy tính. Để giúp người khiếm thị Việt Nam thuận lợi hơn khi soạn thảo văn bản, Trung tâm tin học Sao Mai (thành phố Hồ Chí Minh) đã phát triển phần mềm chạy cùng với Jaws. Nhờ thế, người khiếm thị có thể chủ động sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, tính toán, lập bảng biểu, truy cập website, download tài liệu... Trước đây, trong suy nghĩ của phần đông người khiếm thị, việc học vi tính chỉ là giấc mơ vì họ không có đôi mắt sáng. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và nỗ lực của bản thân, ngày có càng nhiều cán bộ, hội viên khiếm thị được tiếp xúc với chiếc máy vi tính. Xác định tầm quan trọng của công nghệ thông tin, nhiệm kỳ qua, Hội Người mù tỉnh đã mở 4 lớp vi tính cho 48 học viên. Ông Trần Hữu Lợi và một số giáo viên đến từ các trung tâm tin học trực tiếp đứng lớp, kiên trì giảng dạy cho từng học viên khiếm thị. Qua đào tạo, phần lớn học viên đã thông thạo các kỹ năng sử dụng máy. Đặc biệt, nhiều người còn được xếp loại khá, giỏi. Lần đầu tiên đến Hội Người mù tỉnh, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy em Trần Tuấn Anh (sinh năm 1984, tại xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh) đang ngồi cần mẫn làm khóa luận tốt nghiệp trên máy vi tính. Chàng sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế vui vẻ cho biết, mình đã gắn bó với chiếc máy vi tính do Tổ chức Y tế Hà Lan tặng được gần 4 năm. Tuấn Anh chia sẻ thêm: “Buổi đầu, riêng việc nhớ bàn phím đã là một sự kỳ công. Em phải căn cứ vào phần gờ nổi trên phím F và J để xác định vị trí các phím khác. Giờ thì khỏe re, em có thể đánh máy bằng 10 ngón tay. Chiếc máy vi tính đã góp phần giúp em vượt qua mọi khó khăn trong học tập và đạt danh hiệu sinh viên giỏi”. Nhờ “kết bạn” với máy vi tính, nhiều người khiếm thị đã làm được những việc tưởng chừng như không thể. Từng phỏng vấn và viết bài về vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (trú tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ), tôi cảm thấy ái ngại trước ý định tặng họ tờ báo làm kỉ niệm. Thế rồi, qua một cuộc điện thoại, tôi khá ngạc nhiên khi chị Huyền nhờ giới thiệu nhan đề bài viết. Sau đó, chị đã chủ động lên mạng tìm kiếm, đọc bài và vui vẻ điện thoại lại để nói lời cảm ơn. “Giờ thì bất cứ thông tin gì cũng nằm trong tay mình rồi, chỉ cần lên mạng tra cứu thôi. Còn nhớ, buổi đầu học vi tính, có lúc mình nản chí, định nghỉ giữa chừng. Nhờ thầy Lợi động viên nên mình đã kiên trì học và có được ngày hôm nay”. Cũng như Tuấn Anh và chị Huyền, phần lớn cán bộ, hội viên khiếm thị đã thuần thục các kỹ năng tin học. Việc gõ bàn phím bằng 10 ngón tay, làm power point, cài đặt phần mềm, tìm kiếm thông tin trên mạng..., thậm chí viết bài gửi báo trở thành... chuyện thường. Chiếc máy tính đã đồng hành cùng nhiều bạn trẻ khiếm thị như Trần Tuấn Anh, Trần Hoàng Hà, Nguyễn Thị Nguyệt... trong quá trình đèn sách tại các trường cao đẳng, đại học. Đối với đội ngũ cán bộ hội, nhờ sử dụng thành thạo máy vi tính họ có thể soạn thảo văn bản, tìm hiểu thông tin về các chủ trương, chính sách... Ông Trần Hữu Lợi chia sẻ: “Trước đây, chữ Braille đã mở ra cánh cửa giúp người khiếm thị bước vào thế giới tri thức. Ngày nay, Tin học cho chúng tôi thêm rất nhiều cơ hội mới. Anh em đã có thể tự tin khẳng định rằng, chúng tôi tàn nhưng không phế”. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3.100 người khiếm thị, trong đó rất nhiều người có chung nguyện vọng được tham gia các lớp vi tính. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên mỗi năm Hội Người mù tỉnh chỉ mở được 1 lớp đào tạo với số lượng cán bộ, hội viên khá ít. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh chia sẻ: “Hầu hết các lớp đào tạo Tin học dành cho người khiếm thị được mở đều dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội và tỉnh. Trong khi đó, khóa đào tạo thường kéo dài, học viên phải ở lại, ăn uống và sinh hoạt ngay tại Hội, vì vậy, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Rất mong các tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay giúp đỡ để ngày càng có nhiều người khiếm thị được tiếp xúc với chiếc máy vi tính”. Bài, ảnh: QUANG HIỆP