Phát triển mạng lưới chợ
(QT) - Những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn huy động, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mạng lưới chợ nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với thị trường, trao đổi, lưu thông các mặt hàng nông sản góp phần chuyển dịch sản xuất theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế sự đầu tư ấy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Những khởi động tích cực Tháng 12/2013, chợ Sãi mới sạch đẹp, khang trang trên địa bàn xã Triệu Thành (Triệu Phong, Quảng Trị) chính thức đi vào hoạt động thay cho ngôi chợ tạm nằm sát ngay bên đường trước đây. Nhờ vậy, thời gian họp chợ kéo dài từ sáng sớm đến gần trưa, tạo thuận lợi cho cả người bán lẫn người mua. Từ ngày vào chợ mới số lượng và quy mô hàng hóa của chợ Sãi đa dạng, phong phú hơn trước rất nhiều. Ngoài những mặt hàng nông sản, cây nhà lá vườn như mớ rau, con cá, hạt gạo, củ khoai… được xem là đặc sản địa phương như bao chợ quê khác, chợ Sãi còn có đầy đủ mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng, trở thành nơi phân phối, cung cấp hàng hóa cho người dân trong xã và một số xã lân cận, vì vậy thu hút tiểu thương, tư thương các vùng đến tham gia mua bán, trao đổi, lưu thông các sản phẩm nông sản cho nông dân ở đây.
 |
Chợ đóng vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh |
Theo ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch UBND xã Triệu Thành, đặc điểm của chợ cũ họp sát ngay bên tỉnh lộ vừa tạm bợ, nhếch nhác vừa mất an toàn giao thông. Trước nhu cầu bức thiết cần di dời và đầu tư xây dựng chợ kiên cố, chính quyền xã đã sử dụng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới (NTM) và quỹ tiền đấu giá đất của địa phương để đầu tư xây dựng chợ Sãi với tổng vốn 3 tỷ đồng. Cuối năm 2013, chợ mới chính thức đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu mua sắm tết của bà con nên tấp nập người bán người mua; sản phẩm hàng hóa dồi dào, phong phú. Chính quyền và nhân dân xã rất phấn khởi vì có một ngôi chợ khang trang, sạch đẹp và hoạt động hiệu quả. Những năm qua, mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh được các cấp chính quyền địa phương quan tâm tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để xây dựng mới cũng như nâng cấp sửa chữa. Tính từ năm 2007 đến nay, tỉnh đã đầu tư 67,844 tỷ đồng cho hạ tầng chợ, trung bình mỗi chợ được hỗ trợ từ 2,5 – 6 tỷ đồng (tùy quy mô từng chợ). Nhờ đó, nhiều chợ mới đã được xây dựng và chính thức đi vào hoat động như: Chợ đầu mối nông sản Tân Long (Hướng Hóa); các chợ: Diên Sanh, Hải Phú, Phương Lang, Hải An, Hải Khê (Hải Lăng); chợ Phiên, chợ Sòng (Cam Lộ); chợ Do, chợ trung tâm xã Vĩnh Ô, chợ Bến Quan (Vĩnh Linh); chợ Thuận, chợ Ái Tử, chợ Sãi, chợ Triệu Lăng (Triệu Phong)… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng thêm một số chợ từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: Chợ thị trấn Cửa Việt (chợ loại 2) với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng; 2 chợ loại 3 đó là chợ Nam Đông (Gio Linh) và chợ Chùa (Triệu Phong). Phát triển mạng lưới chợ là nhu cầu khách quan Quảng Trị hiện có 81 chợ, trong đó có 32 chợ kiên cố; 16 chợ bán kiên cố còn lại là chợ tạm. Ngoài ra trên địa bàn các huyện, thị, thành phố còn có khá nhiều chợ tự phát đóng vai trò là nơi tập trung bán buôn hàng hóa nông sản, thủy sản. Tuy nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật phần lớn các chợ còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hoá của dân cư. Với tổng số 81 chợ trên 141 xã, phường, thị trấn, Quảng Trị có mật độ chợ tính theo đơn vị hành chính xã, phường là 0,57 chợ/ xã, phường, thị trấn, (thấp hơn mức bình quân cả nước là 0,71 chợ/xã, phường, thị trấn). Diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh 4.739,8 km2, như vậy, bán kính phục vụ bình quân của 1 chợ là 4 km. Lực lượng tham gia kinh doanh ở chợ chủ yếu kinh doanh bán buôn, bán lẻ và người sản xuất nhỏ trực tiếp bán sản phẩm. Quy mô của phần lớn các chợ trên địa bàn tỉnh ở mức trung bình. Tuy nhiên, do phần lớn các chợ nông thôn được hình thành từ lâu; suất đầu tư thấp; diện tích nhỏ hẹp đến nay đã xuống cấp, quá tải, không đảm bảo vệ sinh môi trường trong khi mật độ chợ thấp, phân bố chưa phù hợp nên hạn chế khả năng khai thác các lợi thế về thương mại của tỉnh. Có thể thấy, hoạt động kinh doanh, thương mại ngày càng phát triển mạnh, vì thế việc hình thành mạng lưới chợ là nhu cầu khách quan. Mạng lưới chợ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề lưu thông, phân phối hàng hóa; tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp phục vụ sản xuất, tiêu dùng góp phần nâng cao đời sống dân sinh. Theo Quy hoạch phát triển thương mại Quảng Trị đến năm 2020, sẽ giảm bán kính phục vụ bình quân một chợ từ 4 km/chợ hiện nay xuống còn khoảng 3,5 km/chợ. Đồng thời, để tránh quá tải đối với năng lực phục vụ của chợ; giảm số lượng dân cư phục vụ bình quân từ khoảng 8 ngàn dân/chợ xuống còn khoảng 5 ngàn dân/chợ. Tăng diện tích bình quân của hộ kinh doanh cố định trên chợ từ 3,8 m 2 /hộ hiện nay lên 6 m 2 /hộ vào năm 2015 và 10 m 2 /hộ vào năm 2020. Khuyến khích các hộ có vị trí kinh doanh cố định trong chợ, phấn đấu nâng số hộ kinh doanh cố định trong chợ từ mức 41 hộ/chợ lên mức 65 - 80 hộ/chợ vào năm 2015. Trong thời kỳ từ sau năm 2015 đến 2020, tuỳ theo xu hướng phát triển thực tế có thể tăng thêm số hộ kinh doanh cố định trên chợ nhằm giải quyết việc làm. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, số lượng chợ cần qui hoạch phát triển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 129 chợ (7 chợ hạng I; 11 chợ hạng II và 111 chợ hạng III). Trong đó cải tạo, nâng cấp, mở rộng 52 chợ; xây dựng mới 77 chợ tại các huyện, thị xã, thành phố. Bài, ảnh: LÂM THANH