(QT) - Những năm qua, đội ngũ nhà giáo trên địa bàn tỉnh được quan tâm về nhiều mặt như chế độ tiền lương, tiền phụ cấp thâm niên, phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đầu tư xây dựng trường, lớp học khang trang đảm bảo cho việc dạy và học tốt hơn… Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận giáo viên trên địa bàn, đặc biệt là giáo viên ở địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp không ít khó khăn trong vấn đề nhà công vụ.
Tự khắc phục khó khăn!
Trường Tiểu học và THCS A Dơi (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa) có 40 cán bộ, giáo viên. Hầu hết cán bộ, giáo viên nhà trường đều sống cách xa trường từ 30 - 45 km, đường đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Do đó, phần lớn giáo viên trong trường đều có nhu cầu ở lại để đảm bảo sức khỏe phục vụ dạy học. Hiện nhà trường chỉ có 9 phòng công vụ giáo viên (điểm trường chính 6 phòng, điểm trường lẻ 3 phòng) nên cán bộ, giáo viên tự thỏa thuận ưu tiên cho những giáo viên đã lập gia đình chưa có điều kiện xây dựng nhà ở hoặc những giáo viên từ vùng đồng bằng lên công tác. Số giáo viên còn lại ngày nào cũng phải chạy xe máy từ nhà vào đến trường và ngược lại mất gần 100 km. Đoạn đường từ Tân Long vào vùng Lìa tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
![]() |
Không gian chật hẹp của một phòng ở cho giáo viên miền núi |
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Dơi, cho biết: “Giáo viên của trường đa số còn trẻ tuổi, chưa có điều kiện xây dựng nhà ở, một số người còn ở với bố mẹ hoặc nếu từ đồng bằng lên thì thuê nhà tại thị trấn Khe Sanh. Nhiều năm qua, nhà trường rất khó khăn trong việc bố trí nơi ở lại cho giáo viên. Trường chỉ có 9 phòng ở do đó chỉ bố trí được cho 18 người ở lại, còn lại thì tự túc. Có trường hợp gia đình cô giáo Trịnh Thị Mỹ Dung đề nghị nhà trường cho mượn đất trong khuôn viên tập thể, tự bỏ kinh phí để xây dựng phòng ở. Để động viên giáo viên, nhà trường cũng đã hỗ trợ cô Dung bộ cửa. Nhờ có nơi ở lại, vợ chồng cô yên tâm công tác tại trường trong nhiều năm. Vừa qua, khi được thuyên chuyển công tác ra vùng thuận lợi, họ đã nhường lại phòng đó cho cặp vợ chồng giáo viên khác trong trường”.
Trường Mầm non Ba Tầng có đến 7 điểm trường với 27 cán bộ, giáo viên nhưng chỉ có 3 phòng công vụ giáo viên, gồm: 1 phòng tại điểm trường chính được kê 4 giường, mỗi giường 2 - 3 cô giáo; 2 phòng dùng để nấu ăn cho học sinh và cũng là nơi ở của 6 giáo viên tại điểm trường Măng Song và Cu Tiêng, cách điểm trường chính 18 km. Để đảm bảo cho cán bộ, giáo viên có nơi ăn, chốn ở, nhà trường phải mượn 2 phòng ở của Đồn Biên phòng Ba Tầng cho 3 giáo viên. Ngoài ra, có 3 nhân viên nam là cán bộ y tế, văn phòng trường phải mượn phòng y tế của nhà trường để ở lại.
Cô giáo Đỗ Thị Diễm Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Tầng, chia sẻ: “Ở trường chúng tôi chỉ có duy nhất 1 giáo viên lập gia đình và làm nhà gần trường, số cán bộ, giáo viên còn lại đều có nhà ở thị trấn Khe Sanh hoặc các xã trong và ngoài huyện. Do đó, ai cũng có nhu cầu ở lại để tiện cho việc dạy học. Tuy nhiên, việc ở lại trường cũng gặp nhiều khó khăn vì nhà công vụ cho giáo viên quá thiếu. Ở điểm trường chính được 1 phòng công vụ giáo viên chưa đầy 16 m2 nhưng có đến 12 - 14 cô giáo ở lại. Nhìn thấy cán bộ, giáo viên của mình ở lại trường trong điều kiện thiếu thốn đủ đường chúng tôi thương lắm nhưng đành phải động viên họ cố gắng khắc phục vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mong muốn lớn nhất của nhà trường là sớm được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng nhà công vụ, giúp giáo viên yên tâm công tác lâu dài ở địa bàn vùng khó”.
Cần ưu tiên xây nhà công vụ
Do điều kiện công tác nên nhiều cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh có nhu cầu ở lại trường để tiện cho việc dạy học, nhất là đối với những người công tác ở các xã vùng khó. Tuy nhiên, nhà công vụ giáo viên trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu trầm trọng. Điển hình như ở Hướng Hóa, hiện nay, toàn huyện chỉ có 213 phòng công vụ giáo viên, phần lớn trong số đó là phòng bán kiên cố và tạm bợ.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, cho biết: “Trước tình hình nhiều giáo viên công tác ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn chưa có nhà công vụ để ở lại, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã kiến nghị, đề xuất với các cấp, các ngành quan tâm ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn nên tập trung đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên tại các xã đặc biệt khó khăn, giúp cho giáo viên có điều kiện ở lại tại trường, để yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở đơn vị nói riêng và địa phương nói chung”.
![]() |
Nhà công vụ điểm Trường mầm non và Trường Tiểu học Ba Ngày không đáp ứng nhu cầu ở lại của giáo viên |
Sau khi có Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg, ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1275/QĐ-UBND ngày 3/7/2008 về phê duyệt đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà ở công vụ giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 với mục tiêu xây dựng 1.805 phòng học và 1.100 phòng ở giáo viên, với tổng dự toán phê duyệt là 552,457 tỷ đồng. Kết quả, trong giai đoạn 2008 - 2012, tỉnh đã xây dựng được 1.182 phòng học (đạt 65,6% kế hoạch) và 533 phòng ở công vụ giáo viên (đạt 46,5% kế hoạch).
Sau khi đề án này kết thúc, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tiếp tục huy động các nhà tài trợ, các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là sự hỗ trợ của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam, công đoàn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Hiện nay, toàn tỉnh có 663 phòng công vụ giáo viên, trong đó: Vĩnh Linh 43 phòng, Gio Linh 26 phòng, Cam Lộ 44 phòng, Đakrông 222 phòng, Hướng Hóa 213 phòng, Hải Lăng 90 phòng và Triệu Phong 24 phòng. Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay tổng số phòng công vụ giáo viên còn thiếu 882 phòng, trong đó những địa phương có nhu cầu bức thiết như Đakrông 380 phòng, Hướng Hóa 280 phòng, Vĩnh Linh 130 phòng...
play mutemax volume previousplaystopnext repeatshufflefull screen Update RequiredTo play the media you will need to either update your browser to a recent version or update your Flash plugin .Nguyên nhân dẫn đến thiếu nhà công vụ là do trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhà công vụ, kinh phí hỗ trợ của Trung ương từ nguồn Trái phiếu Chính phủ quy định mức đầu tư trên mỗi phòng học và phòng ở giáo viên thấp hơn nhiều so với thực tế triển khai, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu và nhân công tăng nên tổng mức đầu tư các công trình tăng, vì thế không thể thực hiện đủ số lượng công trình đã được dự kiến đầu tư của đề án.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành còn thiếu quan tâm trong việc tích cực kêu gọi các chương trình, dự án đầu tư xây dựng nhà công vụ giáo viên. Đời sống của đa phần người dân trên địa bàn tỉnh còn khó khăn nên công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng nhà công vụ giáo viên không được thuận lợi. Ngoài ra, nhiều phòng công vụ ở vùng khó hiện xuống cấp, không an toàn, nhất là vào mùa mưa gió...
Từ thực trạng nói trên, thiết nghĩ, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần chung tay góp sức để đầu tư cho giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng nhà công vụ, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên công tác ở địa bàn vùng khó. Một khi đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà công vụ, tin rằng nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh sẽ yên tâm gắn bó với nghề, với trường lâu dài; có động lực để nâng cao trình độ, chuyên môn; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của ngành, của địa phương, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của địa phương trong thời kỳ đổi mới.
Kô Kăn Sương