Hương vị quê nhà: Dẻo thơm bánh ít lá gai
(QT) -Ngày nhỏ, chị em tôi cứ háo hức chờ tới tết, hay dịp giỗ chạp, đám cưới để được ăn món bánh ít lá gai của mẹ. Chiếc bánh nhỏ xinh, chưa cần thử cũng đã hình dung cảm giác ngọt ngào đầu lưỡi. Nhớ dáng gầy gò của mẹ, tay thoăn thoắt trộn bột, không quên bày vẽ cho các chị cách làm bánh. Mà tuổi nhỏ, có mấy đứa nhập tâm để nhớ, trừ chị Hai lớn nhất nhà phải chuyên tâm học để còn phụ mẹ. Tôi chỉ ấn tượng bởi câu ca dao mẹ thường ngâm: Bánh thật nhiều, sao kêu bánh ít/ Trầu có đầy sao gọi trầu ...

Hương vị quê nhà: Dẻo thơm bánh ít lá gai

(QT) - Ngày nhỏ, chị em tôi cứ háo hức chờ tới tết, hay dịp giỗ chạp, đám cưới để được ăn món bánh ít lá gai của mẹ. Chiếc bánh nhỏ xinh, chưa cần thử cũng đã hình dung cảm giác ngọt ngào đầu lưỡi. Nhớ dáng gầy gò của mẹ, tay thoăn thoắt trộn bột, không quên bày vẽ cho các chị cách làm bánh. Mà tuổi nhỏ, có mấy đứa nhập tâm để nhớ, trừ chị Hai lớn nhất nhà phải chuyên tâm học để còn phụ mẹ. Tôi chỉ ấn tượng bởi câu ca dao mẹ thường ngâm: Bánh thật nhiều, sao kêu bánh ít/ Trầu có đầy sao gọi trầu không?

Bánh ít lá gai đậm hương vị quê nhà

Bọn trẻ con chúng tôi cắc cớ hỏi mẹ làm sao người ta gọi nó là bánh ít, mẹ chỉ cười bảo các con phải đọc nhiều sách rồi sẽ biết được sự tích chiếc bánh ít. Làng tôi có nhiều người chuyên gói bánh ít lá gai đem bán ở chợ, nhưng món bánh ít của mẹ lại được rất nhiều người muốn đặt hàng gửi đi xa, dù mẹ không làm để bán. Chiếc bánh của mẹ ngon bởi sự kỹ lưỡng, khéo léo trong từng công đoạn làm bánh. Đầu tiên, mẹ chọn loại nếp thơm, có độ dẻo vừa rồi vo thật kỹ, ngâm với nước mấy canh giờ, sau đó vớt ra rổ để thật ráo nước rồi đem xay nhuyễn. Ngày xưa chỉ có thể xay bằng cối thủ công, không sẵn máy móc tiện lợi như bây giờ. Đến công đoạn khá quan trọng là “khoác áo” cho chiếc bánh, mẹ hái lá gai non đem về rửa thật sạch, cho vào cái soong thật to bắc lên bếp củi luộc lá chín, sau đó đem vắt khô, trộn với bột nếp thật đều tay rồi cho vào cối giã. Bánh gai mẹ làm có công thức hẳn hoi, mẹ cứ ước lượng tỷ lệ một cân bột nếp trộn với hai cân lá gai đã luộc chín vắt khô, cộng một cân đường cát. Công đoạn giã khối bột này cho nhuyễn mới thật tốn sức, cha tôi thường giành phần giã bột dưới sự “giám sát” của mẹ, giã đều tay đến lúc bột dẻo, có độ đàn hồi, không dính tay mới được coi là đạt yêu cầu. Nhân bánh là công đoạn không quá cầu kỳ, đậu xanh đem xay bửa đôi rồi ngâm và đãi cho sạch vỏ trước khi luộc chín, trộn đường, thêm chút gừng tươi giã nhỏ xào trên lửa liu riu cho đến khi nào đường chín tới, nhân có màu vàng sẫm, dẻo quánh, mùi thơm bốc lên ngào ngạt là vừa. Sau khi xào nhân xong, ngắt một miếng bột vo đều rồi nắn thành hình tròn, cho một nhúm nhân vào giữa, túm bốn bên lại cho khít, sau đó tiếp tục vo tròn trong lòng bàn tay. Lúc này bột nếp đã bọc toàn bộ nhân bánh thành một khối tròn. Để cho bánh khỏi dính, mẹ chấm một chút dầu phụng, xoa đều trên tấm lá chuối xanh, sau đó bọc bánh lại theo hình tháp xếp gọn gàng ra rổ chuẩn bị hấp. Mẹ chỉ soạn việc gói bánh mỗi khi nhà có việc hay ngày tết, nhưng mỗi lần gói thể nào cũng có vài người đặt thêm vài chục, thậm chí vài trăm cái gửi đi làm quà cho người thân xa quê. Mấy dì, mấy thím bảo, ăn bánh ít lá gai của mẹ có kiểu ngon rất đặc trưng, vị thơm của lá gai, dẻo bùi của gạo nếp, vị ngọt của đậu xanh, cay cay chút gừng tan từ từ đầu lưỡi. Cứ mỗi bận xuân về, nhận món quà quê bánh ít lá gai từ Quảng Trị, con cháu mấy dì, mấy thím lại thắc thỏm kêu nhớ quê, muốn về... Bài, ảnh: BẢO BÌNH