Nồi cháo đượm tình thương
(QT) - Gần 30 năm làm việc ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Triệu Hải (Quảng Trị), thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Lưu Văn Hiền, Giám đốc bệnh viện chứng kiến nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Gia đình quá nghèo, không có tiền ăn uống, bồi dưỡng nên bệnh nhân chậm hồi phục. Bác sĩ Hiền cho biết: “Nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo không có tiền mua thức ăn, phải nhịn ăn từng bữa ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân nghèo bỏ điều trị trốn về nhà... Thông cảm ...

Nồi cháo đượm tình thương

(QT) - Gần 30 năm làm việc ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Triệu Hải (Quảng Trị), thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Lưu Văn Hiền, Giám đốc bệnh viện chứng kiến nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Gia đình quá nghèo, không có tiền ăn uống, bồi dưỡng nên bệnh nhân chậm hồi phục. Bác sĩ Hiền cho biết: “Nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo không có tiền mua thức ăn, phải nhịn ăn từng bữa ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân nghèo bỏ điều trị trốn về nhà... Thông cảm với hoàn cảnh của bệnh nhân, nhiều cán bộ, nhân viên trích một phần tiền lương ít ỏi của mình mua từng chiếc bánh mỳ, bát cháo, động viên người bệnh yên tâm điều trị. Nồi cháo tình thương của BVĐK khu vực Triệu Hải ra đời cũng xuất phát từ lý do đó”.

Nhân viên BVĐK khu vực Triệu Hải và phật tử phát cháo cho bệnh nhân

Ngày 16/3/2005, nồi cháo tình thương đầu tiên được đưa đến bệnh nhân nghèo ở BVĐK khu vực Triệu Hải với đầy đủ chất dinh dưỡng, được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía người bệnh, tạo động lực để bệnh viện tiếp tục duy trì mô hình này. Do nguồn quỹ ít ỏi nên mỗi tháng chỉ nấu được một nồi cháo phục vụ cho 30- 50 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân nghèo, bệnh nhi và những bệnh nhân nặng. Mô hình nồi cháo tình thương tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, được cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện xem là một trong những việc làm thiết thực để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ban giám đốc giao cho Khoa Điều dưỡng của bệnh viện đảm nhiệm việc điều hành từ gây quỹ, nấu cháo đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phân phát cho các bệnh nhân, không ngừng cải thiện chất lượng nồi cháo và số lượng bệnh nhân hưởng lợi. Bên cạnh đó, phía bệnh viện còn nhận được sự “trợ sức” của các nhà hảo tâm và các chùa trên địa bàn. Một phật tử chùa Hải Quang cho biết: “Bệnh tật không trừ một ai cả. Đối với bệnh nhân nghèo phải nằm điều trị ở bệnh viện gặp khó khăn hơn nhiều so với người khác. Chính sự quan tâm, động viên kịp thời về tinh thần sẽ tạo động lực để họ chiến thắng bệnh tật”. Trước ngày nấu cháo, nhân viên Khoa Điều dưỡng đều cập nhật số lượng bệnh nhân để điều chỉnh lượng gạo, thịt, rau… đảm bảo nồi cháo đủ phát cho tất cả người bệnh, tránh thừa gây lãng phí. Hiện nay, trung bình mỗi tuần nồi cháo tình thương của bệnh viện phục vụ miễn phí cho từ 250 đến 300 bệnh nhân. Công việc phân phát cháo cho người bệnh do phật tử và các điều dưỡng bệnh viện thay nhau phụ trách. Y sĩ Văn Thị Mai Ánh, Trưởng Khoa điều dưỡng BVĐK khu vực Triệu Hải cho biết: “Đến nay bệnh viện không những phục vụ miễn phí cháo ăn sáng cho bệnh nhân 7 ngày trong tuần mà còn phục vụ thêm cơm bữa trưa, tối ở một số ngày. Như ngày mùng 1, 8, 14, 15, 30 âm lịch hàng tháng, bệnh nhân được phật tử các chùa: Hải Quang, Lệ Xuyên, Mỹ Lợi, Chánh Giai, Hội từ thiện Long Hưng đảm nhận phát cháo buổi sáng, cơm chay bữa trưa. Ngày 26/2/2016, Câu lạc bộ xe máy 67 ký cam kết với bệnh viện hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng nấu 400 suất cháo cho bệnh nhân. Trước đây, mỗi năm bệnh viện nấu khoảng 25 nghìn suất cháo nhưng 3 năm trở lại đây tăng lên 35 nghìn suất. Hầu hết bệnh nhân điều trị nội trú và một số thân nhân có hoàn cảnh khó khăn đều được phát cháo, cơm miễn phí”. Hôm có mặt tại BVĐK khu vực Triệu Hải, nhìn ánh mắt biết ơn và nụ cười của bệnh nhân khi bưng bát cháo nóng hổi, chúng tôi như cũng vui lây. Đa số bệnh nhân đến đây điều trị đều là người dân lao động nghèo từ các xã thuộc huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Một cụ bà 78 tuổi, quê ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng cho biết: “Mệ sống đơn thân, lại bị bệnh nặng phải điều trị hơn 2 tháng tại bệnh viện này. Nhà nghèo, ở quê phải chạy ăn từng bữa, hàng xóm thường giúp đỡ từng bát gạo, con mắm. Nay nhập viện được các y, bác sĩ chăm sóc sức khỏe tận tình, hàng ngày được phát cháo, cơm miễn phí khiến mệ yên tâm điều trị”. Những bát cháo tại BVĐK khu vực Triệu Hải đã phần nào làm cho bệnh nhân nghèo ấm lòng, có thêm niềm tin, nghị lực trong quá trình chữa trị. Điều này thể hiện trách nhiệm, tình cảm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, như lời Bác Hồ dạy “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Bài, ảnh: MINH TRÍ