(QT) - Trường Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh Quảng Trị là nơi quy tụ học sinh các dân tộc ít người thuộc huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh và bản Chùa của huyện Cam Lộ về đây ăn học, được nhà nước hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng trong suốt 3 năm bậc trung học phổ thông. Trường được thành lập năm 1986, tiền thân là Trường Thanh niên dân tộc Bình Trị Thiên. Trong suốt hơn 30 năm qua đã đào tạo được hàng ngàn học sinh tốt nghiệp ra trường, trở thành nguồn nhân lực có chất lượng, đóng góp tích cực vào sự đổi thay của bản làng, quê hương.
![]() |
Học sinh của trường tập thể dục giữa giờ |
Về quy mô, lâu nay Trường DTNT tỉnh chỉ có 9 lớp, trong năm học 2018- 2019 mới được nâng lên 10 lớp với 347 học sinh, gồm 4 lớp 10; 3 lớp 11 và 3 lớp 12. Sắp tới nếu được cấp trên chấp thuận, trường sẽ mở thêm một lớp nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh trong tỉnh. Trường có 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó cán bộ quản lý và giáo viên đứng lớp đều đạt chuẩn và trên chuẩn.
Tìm hiểu về ngôi trường này, điều mà chúng tôi ấn tượng nhất là chất lượng đào tạo thuộc vào loại tốp đầu của tỉnh. Kết quả thi tốt nghiệp THPT trong 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018 đều đạt 100%. Số học sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng hằng năm đều khá cao, như năm học 2016-2017 có 85/98 học sinh lớp 12 đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Bảng thống kê điểm trung bình các môn thi của các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cho thấy Trường DTNT tỉnh có những nét vượt trội. Điểm trung bình các môn thi của trường là 5,14, xếp thứ 6/31 trường THPT của tỉnh, trong đó một số môn xếp vị thứ cao như Sinh học xếp thứ 1; Lịch sử thứ 2; Giáo dục công dân thứ 3; Hóa học, Địa lý cùng xếp thứ 5; Ngữ văn xếp thứ 8; Vật lý xếp thứ 11. Chỉ có 2 môn Toán và Ngoại ngữ xếp thứ trên 20. Có thể nói kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi đánh giá khách quan chất lượng đào tạo của trường, vì các em được sắp xếp vào nhiều phòng thi khác nhau trên địa bàn thị xã Quảng Trị, không có sự ưu tiên, ưu đãi đối với học sinh dân tộc thiểu số, vậy mà kết quả có 100% đỗ tốt nghiệp. Năm học vừa rồi toàn tỉnh chỉ có 3 trường có học sinh đỗ tốt nghiệp 100% là Trường chuyên Lê Quý Đôn, Trường Trưng Vương (13 học sinh lớp 12) và Trường DTNT tỉnh. Bên cạnh đó, học sinh Trường DTNT tỉnh cũng không ngừng nỗ lực vươn lên đạt được nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, như năm học 2017-2018 có 10/12 học sinh dự thi đạt giải; năm học 2018-2019 có 8/10 học sinh đạt giải, trong đó môn Ngữ văn xếp thứ nhì đồng đội (2/32 trường); Giáo dục công dân xếp thứ 3 đồng đội…
Ai cũng biết rằng việc học sinh dân tộc thiểu số cùng học chung một chương trình như học sinh người Kinh có bất lợi về nhiều mặt, để đạt được kết quả tốt, vượt trội là rất khó. Nhiều em khi mới vào trường phát âm tiếng phổ thông chưa chuẩn, thầy cô giảng bài chưa hiểu, kiến thức các môn học chưa tiếp thu được. Vậy mà sau 3 năm ở trường nội trú, các em đã có những tiến bộ vượt bậc.
Lý giải về vấn đề này, cô Lê Thị Liên, Phó hiệu trưởng cho rằng, nắm bắt được đặc điểm của học sinh dân tộc thiểu số là tiếp thu chậm, có khi bất đồng về ngôn ngữ nên các thầy cô ở đây thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”; giảng giải từ từ, hiểu được bài cũ mới dạy bài mới, ôn luyện, làm bài tập nhiều lần để khắc ghi kiến thức đã học, chỗ nào chưa hiểu thì thầy cô khuyến khích học sinh mạnh dạn trao đổi. Các giáo viên của trường không đi dạy thêm bên ngoài nên có nhiều thời gian để kèm cặp, phụ đạo học sinh yếu. Buổi sáng học trên lớp, buổi chiều, tối tổ chức học thêm, phụ đạo kèm cặp cho học sinh yếu. Do các em đều ở nội trú nên thầy cô rất gần gũi, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của từng em để có giải pháp bồi dưỡng, phụ đạo cho phù hợp. Do học sinh của trường không có thế mạnh về các môn tự nhiên nên tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi các môn xã hội, kết quả là trường vẫn có nhiều học sinh giỏi…
Cũng cần nói rõ hơn là trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm nay về môn Ngữ văn một số học sinh của trường đã đạt giải cao, vượt lên một số trường có tiếng tăm ở thành phố, các thị xã, thị trấn. Đó là thành tích ít người ngờ tới, bởi với những học sinh người Kinh viết bài văn trôi chảy, nội dung phong phú, có cảm xúc đã là khó, huống chi với học sinh người dân tộc thiểu số, tiếng Kinh là ngôn ngữ thứ hai. Vậy mà các em ở Trường DTNT tỉnh đã làm bài tốt, đó là sự nỗ lực, cố gắng vươn lên rất đáng trân trọng.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Chung, Tổ trưởng môn Ngữ văn cho rằng để phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn là một quá trình gian nan, vất vả. Ngay từ lớp 10 khi các em mới vào trường qua những lần làm bài tập, kiểm tra, giáo viên đã chú ý xem những em nào ít sai lỗi chính tả, có kỹ năng diễn đạt tốt, có cảm thụ văn học, rồi vận động, thuyết phục đưa vào đội bồi dưỡng trong một thời gian khá dài. Ngay cả trong những ngày nghỉ hè, khi học sinh trở về với bản làng, thầy cô cũng phải tìm cách giao bài tập để các em làm, rồi sửa chữa, uốn nắn những sai sót, khắc phục những điểm yếu. Qua nhiều lần làm bài, sửa chửa, uốn nắn, cung cấp thêm lượng kiến thức cần thiết mới có được kết quả tốt. Cô Chung nói thêm: “So với học sinh người Kinh thì học sinh người dân tộc thiểu số phản ứng chậm, nhưng bù lại các em rất ngoan, chăm chỉ, có ý thức, kiên trì, nhẫn nại nên được các thầy cô thương yêu, dạy dỗ hết mình”.
Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng văn hóa mà các mặt văn nghệ, thể dục thể thao của Trường DTNT tỉnh cũng đạt kết quả tích cực. Nhiều em có thế mạnh về văn nghệ, thể thao, hát rất hay, biểu diễn tốt, nên khi tham gia vào các hội thi, hội diễn đều đạt kết quả cao. Về thể dục- thể thao trong những năm qua học sinh của trường đã giành được 20 huy chương vàng, 19 huy chương bạc và 35 huy chương đồng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đạt 1 giải A, 2 giải C trong cuộc thi văn hóa học đường năm học 2016-2017 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; giải nhất toàn đoàn và giải phụ nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng ấn tượng nhất trong hội thi tìm hiểu thân thế và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn…
Có được những kết quả trên là nỗ lực, cố gắng của một tập thể sư phạm gồm 34 thầy cô, trong đó nhiều người có kinh nghiệm, rất nhiệt tình, năng nỗ, hết lòng vì học sinh thân yêu. Tiêu biểu là thầy Hoàng Minh Cẩn, giáo viên dạy Toán, tuy lớn tuổi nhưng vẫn tự nguyện kèm cặp, giúp đỡ học sinh, được đồng nghiệp và các thế hệ học sinh kính trọng; cô Hồ Thị Hồng Nhung, giáo viên môn Hóa, có nhiều nỗ lực đạt danh hiệu chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; cô Nguyễn Thị Ngọc Chung, Tổ trưởng môn Ngữ văn luôn gần gũi với học sinh, nắm bắt tâm lý, cảm hóa được học sinh cá biệt, lớp do cô làm chủ nhiệm thường đứng đầu toàn trường, cô cũng có nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi.
Với những thành tích đạt được, Trường DTNT tỉnh đã được UBND tỉnh tặng bằng khen và cờ thi đua. Năm 2016 trường cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển giai đoạn 1986-2016. Nhiều học sinh do nhà trường đào tạo đã và đang đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
NB