Hiện nay, số lượng người trung niên, người cao tuổi có nhu cầu sử dụng internet và tiếp xúc với mạng xã hội ngày càng nhiều. Điều này dẫn đến nguy cơ người lớn tuổi dễ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo qua mạng đang ngày một tinh vi. Vì thế, người trẻ nên chủ động cảnh báo, hướng dẫn cặn kẽ cách sử dụng mạng xã hội cho ông bà, cha mẹ để giảm thiểu những rủi ro và giúp các bậc phụ huynh sử dụng mạng xã hội an toàn.
Điện thoại thông minh mang lại nhiều tiện ích trong công việc, liên lạc và giải trí cho người cao tuổi -Ảnh: M.Đ
Trong vòng 1 năm qua, anh V.T. (35 tuổi) ở phường Đông Lễ, TP. Đông Hà đã phải 3 lần lập lại facebook mới cho ba mình. Nguyên nhân là do ông bị hack nick bởi kẻ xấu lừa nhấn vào link bình chọn giọng hát hay cho cháu của một người bạn. Dù đã nhiều lần cảnh báo và giải thích nhưng vợ chồng anh T. đôi khi bất lực vì ba mẹ quá tin người.
“Anh chị em tôi đều ở riêng, muốn an toàn nên tôi đã lắp wifi, camera đầy đủ trong nhà cho ông bà. Nhưng vài năm trở lại đây, ông bà muốn trò chuyện, nhìn mặt con cháu và kết nối bạn bè, họ hàng ở xa nên đã sử dụng facebook, zalo.
Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề nảy sinh khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Ba tôi thì nhiều lần tin lời kẻ xấu trên mạng nên bị hack nick, mẹ thì hay xem livestream bán hàng và đặt hàng không có chất lượng rồi giao nhận về tận nhà.
Vợ chồng tôi từng cảnh báo nguy cơ lừa đảo, cũng như giảng giải kỹ về cách sử dụng facebook sao cho an toàn nhưng vì ba mẹ đã lớn tuổi, lại có tâm lý tự ái, ngại nhờ vả nên rất khó để hướng dẫn”.
Ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có nhiều trường hợp người trung niên, cao tuổi bị dẫn dụ, lừa đảo và mất tiền oan qua mạng.
Khi được đề nghị truy cập một đường link, cài một ứng dụng hay chuyển tiền cho ai đó, không ít người đã thực hiện, dẫn đến mất thông tin cá nhân, thậm chí là tiền trong tài khoản ngân hàng.
Cách đây không lâu, tại một cửa hàng vàng ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, nhờ sự nhanh nhạy của chủ tiệm đã ngăn cản được một phụ nữ trung tuổi đang có ý định chuyển số tiền vài chục triệu đồng cho người lạ để nhận quà từ nước ngoài gửi về.
Chỉ qua những dòng tin nhắn của một người không hề quen biết trên facebook, người phụ nữ ấy đi vay mượn đủ số tiền đối tượng yêu cầu phải chuyển làm “cước vận chuyển” mong nhận lại món quà giá trị lớn hơn.
Theo khuyến cáo của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, người cao tuổi là đối tượng, mục tiêu “tấn công” của tội phạm mạng. Các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhắm vào đối tượng người cao tuổi hiện nay là lừa đảo “combo du lịch” giá rẻ; giả danh công an, kiểm sát viên, cán bộ tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm ngân hàng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng, dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm, tung tin giả về cuộc gọi mất tiền hay lừa đảo cho số đánh đề…
Thực tế, người trung niên và cao tuổi từ thành thị đến nông thôn đang ngày càng tiếp xúc nhiều với internet và mạng xã hội. Mục đích sử dụng internet của người lớn tuổi xoay quanh việc liên lạc, tìm kiếm thông tin và đọc báo.
Sự xuất hiện của những chiếc smartphone giá rẻ, tiện lợi mang lại niềm vui, nhiều tiện ích giải trí. Tuy nhiên, người già cũng thường là những người ít kinh nghiệm và thiếu kỹ năng trong việc sử dụng công nghệ. Họ là những người ít có nhận thức về những mối nguy hiểm trên mạng hoặc có nhưng không đủ khả năng chống lại.
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, người cao tuổi hiện là đối tượng yếu thế khi tham gia vào không gian mạng. Do vậy, đối tượng này rất cần được tăng cường các giải pháp bảo vệ. Trong đó, con cháu, lớp trẻ là những người có điều kiện và khả năng tiếp cận công nghệ bài bản hơn, vì thế nên chủ động các biện pháp bảo vệ cha mẹ, ông bà trên không gian mạng.
Cụ thể, con cái có thể chủ động tìm hiểu thói quen online của cha mẹ và cài đặt, hướng dẫn cách sử dụng thành thạo các ứng dụng đọc báo, xem phim, nghe nhạc uy tín, đảm bảo người già được tiếp nhận thông tin chính xác.
Đồng thời kiên trì hướng dẫn cha mẹ cách tìm kiếm thông tin trên mạng theo từ khóa và chọn lọc các trang uy tín, thao tác sử dụng các ứng dụng mạng xã hội, các hình thức liên lạc trực tuyến như nhắn tin, gọi video... Người lớn tuổi cũng nên chủ động tìm đến con cháu hỏi han để đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra.
Song song với việc nâng cao nhận thức của người cao tuổi về mạng xã hội, chúng ta có thể chủ động tạo cho họ một môi trường an toàn bằng cách chặn các nguy cơ ngay từ đường truyền internet của gia đình.
Các gia đình có thể tìm đến những cách tiếp cận khác, đó là sự hỗ trợ của các giải pháp bảo mật tự động để bảo vệ người lớn tuổi khi dùng internet.
Hiện nay, một số tập đoàn công nghệ có các giải pháp bảo mật có thể chặn vi rút, mã độc, chặn các website theo dõi, thu thập dữ liệu hành vi lướt web của người dùng và tự động chặn các đường dẫn, website được đánh giá không an toàn.
Đó là những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ toàn bộ thiết bị kết nối internet, tạo môi trường an toàn hơn cho mọi thành viên trong gia đình khi sử dụng mạng xã hội.
Hoài Nhung