QĐND - Đứng trước nguy cơ leo thang bạo lực tại khu vực đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Giê-ru-xa-lem, ngày 27-7, theo hãng tin AFP (Pháp), I-xra-en đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp an ninh mới gây tranh cãi được triển khai tại khu vực cổng ra vào đền thờ. Đây được xem là bước xuống thang của chính quyền Ten A-víp nhằm tránh cho tình hình Giê-ru-xa-lem vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Cụ thể I-xra-en đã cho dỡ bỏ các hàng rào gắn camera tại khu vực lối vào Quần thể Haram al-Sharif mà phía I-xra-en gọi là Núi Đền. Trước đó, ngày 25-7, I-xra-en cũng đã tháo bỏ các máy dò kim loại tại đây.
Ngày 27-7, Các giáo sĩ Hồi giáo cấp cao tại Giê-ru-xa-lem cho biết các tín đồ có thể hành lễ trở lại bên trong khu quần thể Haram al-Sharif. Kênh 2 TV đưa tin giáo sĩ Mô-ham-mét Hút-xen (Mohammed Hussein) và tổ chức Waqf (của Gioóc-đa-ni) quản lý khu đền thông báo hiện trạng tại khu đền al-Sharif đã được khôi phục và các tín đồ có thể quay lại cầu nguyện trong đền từ ngày 27-7. Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áb-bát (Mahmud Abbas) cũng kêu gọi người Pa-le-xtin trở lại hành lễ tại đền al-Sharif sau khi lực lượng an ninh I-xra-en dỡ bỏ các biện pháp an ninh cuối cùng tại đây. Tuy nhiên, nhiều tín đồ Hồi giáo tiếp tục từ chối vào khu vực này. Đã có nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ bạo lực sẽ bùng phát trở lại vào thời điểm diễn ra lễ cầu nguyện ngày thứ sáu. Giám đốc đền Sếch Ô-ma Ki-xoa-ni (Sheikh Omar Kiswani) cũng bày tỏ thận trọng khi kêu gọi các tín đồ chưa nên vào đền cho tới khi có xác nhận của ban kỹ thuật - một tổ chức các quan chức Hồi giáo phụ trách giám sát khu đền.
Lực lượng an ninh I-xra-en dỡ bỏ các máy dò kim loại mới được lắp đặt tại khu vực đền thờ Al-Aqsa. Ảnh: Reuters
Quần thể Haram al-Sharif, trong đó có đền thờ Al-Aqsa và đền thờ Mái Vòm đá, là một trong những địa điểm linh thiêng nhạy cảm ở Đông Giê-ru-xa-lem, hiện do Gioóc-đa-ni quản lý nhưng I-xra-en kiểm soát lối vào. Cảnh sát I-xra-en đã lắp đặt máy dò kim loại tại quần thể Haram al-Sharif sau khi 2 cảnh sát I-xra-en thiệt mạng trong một vụ tấn công bên ngoài đền thờ Al-Aqsa ngày 14-7. Động thái này đã dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình của người Pa-le-xtin Hồi giáo bên ngoài thánh đường. Đồng thời, chính quyền Pa-le-xtin cũng tuyên bố ngừng mọi liên lạc chính thức với I-xra-en, cho đến khi các biện pháp an ninh nói trên được dỡ bỏ. Vòng xoáy bạo lực giữa người Pa-le-xtin và cảnh sát I-xra-en đã leo thang hôm 21-7 vừa qua khi cảnh sát I-xra-en bắn chết 3 người biểu tình Pa-le-xtin bên ngoài đền thờ Al-Aqsa, trong khi cùng ngày 1 người Pa-le-xtin đã đâm 3 người I-xra-en tại khu vực Bờ Tây nhằm phản đối các biện pháp an ninh mà I-xra-en áp đặt tại khu đền thờ.
Động thái dỡ bỏ tất cả các biện pháp an ninh mới được triển khai tại khu vực cổng ra vào đền thờ của I-xra-en được cho là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan (Recep Tayyip Erdogan), quyết định dỡ bỏ máy dò kim loại tại quần thể Haram al-Sharif chưa đủ để hạ nhiệt căng thẳng. Phát biểu tại Văn phòng tổng thống ở An-ca-ra, Tổng thống Éc-đô-gan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ "không thể chấp nhận" việc I-xra-en triển khai các biện pháp ngăn cản người Hồi giáo vào khu vực đền thờ trong các buổi cầu nguyện hàng tuần. Đáp lại, Bộ Ngoại giao I-xra-en đã ra một tuyên bố cho rằng việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích I-xra-en trong vấn đề này là "vô lý".
Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) An-tô-ni-ô Gu-tơ-rết (Antonio Guterres) đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ leo thang bạo lực ở Thành cổ Giê-ru-xa-lem. Ông Gu-tơ-rết kêu gọi các chính trị gia, các lãnh tụ tôn giáo và lãnh đạo cộng đồng kiềm chế, tôn trọng đầy đủ hiện trạng tại các địa điểm linh thiêng như trước ngày 14-7.
Trong một động thái được xem như làm căng thẳng thêm cuộc khủng hoảng hiện nay tại khu vực, Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) tối 26-7 thông báo ý định trục xuất kênh truyền hình Al Jazeera của Ca-ta ra khỏi nước này, với cáo buộc kích động bạo lực xung quanh vấn đề Núi Đền. Trong tuyên bố đăng tải trên tài khoản facebook cá nhân, nhà lãnh đạo này cho biết ông đã nhiều lần đề nghị các cơ quan hành pháp ra lệnh đóng cửa văn phòng của Al-Jazeera tại Giê-ru-xa-lem. Nếu các đề nghị này không được chấp thuận do rào cản về pháp lý, ông sẽ tìm cách thông qua các quy định mới để chấm dứt hoạt động của kênh truyền hình này tại I-xra-en.
HÙNG HÀ