Giấc mơ 4.0 nơi “cổng trời”
(QT) - Sống giữa thâm u đại ngàn, điều đặc biệt là dân bản Cợp, xã Húc Nghì, huyện Đakrông không còn mơ no cơm, ấm áo. Bà con nơi đây đã và đang nuôi một giấc mơ có phần tân tiến hơn là sóng điện thoại, wifi sớm về với bản.

Giấc mơ 4.0 nơi “cổng trời”

(QT) - Sống giữa thâm u đại ngàn, điều đặc biệt là dân bản Cợp, xã Húc Nghì, huyện Đakrông không còn mơ no cơm, ấm áo. Bà con nơi đây đã và đang nuôi một giấc mơ có phần tân tiến hơn là sóng điện thoại, wifi sớm về với bản.

Cuộc sống người dân bản Cợp ngày nay đã khác

Anh Hồ Hồng Mùi (sinh năm 1988), trưởng bản Cợp điện thoại cho tôi hỏi thăm sức khỏe, rồi nhờ mua một số cuốn sách về nông nghiệp. Trước kia, dân bản Cợp nuôi trồng theo kiểu “nhờ trời”. Ngay những ngày đầu về làm rể bản, anh Mùi đã trăn trở trước thực tế ấy nên đã tuyên truyền, vận động, giúp bà con làm quen với những công việc rất nhỏ như: làm đất, bón phân, mua liềm cắt lúa… Thấy anh nói đúng, bà con làm theo và gặt hái những mùa vàng. “Kiến thức mình cũng có hạn nên giờ phải ra “cổng trời” điện cho nhà báo nhờ mua sách về đọc để giúp bà con nhiều hơn”, anh Mùi vui vẻ bật mí.

Địa danh “cổng trời” mà trưởng bản Hồ Hồng Mùi nhắc đến khiến cảm xúc ùa về trong tôi. Tầm một năm trước, hay tin ông Hồ Văn Tư, một người dân bản Cợp được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, tôi liên lạc với chính quyền địa phương để được gặp người nghệ nhân này. Đến trụ sở, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Nghì Trần Minh Huỳnh bắt tay tôi, nhìn lên những đám mây đen kịt trên bầu trời, lo lắng: “Mình đã cử anh Hồ Văn Lương, một cán bộ trẻ của xã đưa nhà báo vào bản Cợp. Vấn đề là thời tiết thế này sợ hai anh em đi không được”. Quả vậy, tầm 10 km đường làm dở dang từ trung tâm xã đến bản là thử thách khắc nghiệt đối với bất cứ ai lên đây. Đi tầm nửa chặng đường, anh Lương dừng xe nói: “Đến “cổng trời” rồi, nhà báo muốn điện thoại cho ai thì gọi ngay nhé! Chỉ mấy vòng xe nữa là không còn sóng điện thoại”. Tôi vừa bấm máy, vừa nhìn con dốc dài, trơn trượt như đâm thẳng vào trời, cảm giác ớn lạnh chạy thẳng xuống sống lưng.

Đón khách miền xuôi từ đầu bản, ông Hồ Văn Tư và anh Hồ Hồng Mùi cho biết nhận được tin nhà báo lên thăm từ hôm qua. “Bà con ra “cổng trời” để liên lạc với lãnh đạo UBND xã nhờ cử người vào hướng dẫn cách bảo vệ vật nuôi trong mùa lạnh. Nhân tiện, anh Huỳnh nhờ họ nhắn tin giúp mình và ông Tư”, anh Mùi hồn hậu nói. Vị trưởng bản trẻ chia sẻ thêm, cách đây khá lâu, sau khi được mùa, một số người dân bản Cợp về xuôi chơi và mua những chiếc điện thoại đầu tiên. Đó là sự kiện lớn đối với người dân bản Cợp. Điều đáng nói là những chiếc điện thoại mới mua về chỉ để… ngắm vì nơi bà con ở không có sóng di động. Sau nhiều tuần dò tìm, dân bản phát hiện ra, những vạch sóng chỉ xuất hiện ở điểm đầu đoạn đường được xem là hiểm trở nhất dẫn vào bản. Từ đó, bà con gọi khu vực này là “cổng trời”, nơi nối bản làng vùng sâu, vùng xa với cuộc sống hiện đại.

Bản Cợp có 80 hộ với 406 khẩu người Vân Kiều. Trước đây, cuộc sống bà con gặp rất nhiều khó khăn. Từ lâu, cái tên “bản năm không” - không điện, đường bê tông, nước sạch sinh hoạt, điểm trường, nơi khám chữa bệnh đã gắn liền với mảnh đất mà bà con chọn để an cư. Giữa cánh rừng già, dân bản Cợp phải làm việc quần quật để duy trì cuộc sống nhưng cái đói, cái nghèo không rời bà con nửa bước. Cũng vì cuộc sống khó khăn nên dân bản Cợp ít được “thụ hưởng” ánh sáng văn minh giống bà con nhiều miền quê khác.

Vài năm trước, thấy mảnh đất mình gắn bó tuy đổi thay nhưng còn rất chậm, người dân bản Cợp đã nhóm họp để tìm cách vươn lên. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã không quản ngại đường sá xa xôi đến những bản làng lân cận để học hỏi kinh nghiệm. Trở về, ai cũng hiểu, điều cần nhất là thay đổi phương thức canh tác; sinh đẻ có kế hoạch; chú trọng đến việc học hành của con cháu…

Với sự đoàn kết, thống nhất cao, dân bản Cợp đã tự tìm được đường đến ngày no ấm. Niềm vui nhân đôi khi tháng 7/2015, điện lưới quốc gia được kéo vào bản. Từ đó, bà con bản Cợp bắt đầu mua sắm ngày càng nhiều hơn các trang thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống. Từ vài chiếc lác đác ban đầu, hiện nay nhiều người đã sắm được điện thoại riêng.

Dân bản Cợp không ngại dẫu mỗi lần muốn điện thoại đếu phải vượt tầm 4 km đường rừng. Bà con suy nghĩ một cách tích cực rằng, những cuộc gọi của mình đến khắp nơi giờ chỉ dài… 4 km, gần hơn rất nhiều so với trước. Từ ngày có điện thoại, mỗi lần ở bản có động tĩnh gì lạ, những người có uy tín ở bản Cợp được nhanh chóng cắt cử lái xe ra “cổng trời” để báo cáo với lãnh đạo xã, huyện. Chiếc điện thoại đã giúp bà con cập nhật nhanh các chủ trương, chính sách; liên lạc để thăm hỏi họ hàng ở xa; gọi tư thương vào mua nông sản… Tay mân mê chiếc điện thoại, trưởng bản Hồ Hồng Mùi cho biết: “Tuần nào, tôi cũng ra “cổng trời” để điện thoại thăm hỏi tình hình nhà nội. Ở xa quê mà chuyện gì cũng biết”. Nói rồi, anh Mùi chỉ tay sang anh Hồ Văn Lưu bảo: “Nhờ chiếc điện thoại mà cậu ấy lấy được vợ ở xã A Túc ấy”. Chuyện là anh Hồ Văn Lưu đem lòng yêu chị Hồ Thị Dên đã lâu nhưng ít có điều kiện gặp gỡ. Khi nghe bà con bảo ở “cổng trời” có sóng điện thoại, anh Lưu liền về xuôi tậu ngay một chiếc di động. Thế rồi, những cuộc điện thoại nhang chóng kết nối hai trái tim yêu thương. Sau gần một năm, anh Hồ Văn Lưu rất vui mừng đưa chị Hồ Thị Dên về làm dâu của bản. Hiện tại, hai vợ chồng đã có một người con 5 tuổi. Cũng nhờ chiếc điện thoại mà vợ anh cũng không còn cảm giác chênh chao nhớ nhà mẹ đẻ như những nàng dâu thời trước.

Trong hằng hà câu chuyện nơi “cổng trời”, dân bản Cợp nhớ nhất vẫn là tình huống vượt cạn nhờ chiếc điện thoại. Tầm 7 năm trước, chị Hồ Thị Thu mang thai cháu Hồ Văn Mau. Cả đêm yên giấc, sáng ra thấy bụng râm ran, chị liền giục chồng, nhờ người đưa ra trạm y tế xã. Khi vừa đến “cổng trời”, nhận thấy chị không thể về kịp trạm, người nhà liền điện thoại cho nữ hộ sinh Hồ Thị Bày để hỏi cách… đỡ đẻ. Con chị Thu ra đời giữa điệp trùng núi đồi, trong những lời chỉ dẫn rõ ràng của chị Bày qua điện thoại. Chị Hồ Thị Thu vuốt tóc con nói: “Nhờ chiếc điện thoại, nhờ sóng di động mà con của mẹ chào đời nhanh như cái tên của mình”. Sau Hồ Văn Mau, cô bé Hồ Thị Rừng và một vài đứa trẻ khác ở bản cũng chào đời ở “cổng trời” với sự “tiếp sức” của những cuộc điện thoại. Đó là kỉ niệm mà có lẽ sau này khó người dân nào ở bản Cợp quên.

Hiện nay, ở khắp nơi, người ta nói với nhau nhiều về cuộc cách mạng 4.0 và những đổi thay mà nó mang lại. Với người dân bản Cợp, bà con nuôi hi vọng một ngày gần nhất, chiếc điện thoại của mình sẽ đầy ắp sóng di động, wifi và con đường dẫn vào bản sẽ không còn dở dang, lầy lội, nguy hiểm. Đó chắc chắn là bước khởi đầu cho cuộc cách mạng 4.0 của những cư dân sống giữa đại ngàn.

Quang Hiệp