Đẩy mạnh chương trình nạc hoá đàn lợn
(QT) - Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh Quảng Trị là 235.000 con. Trong những năm qua, nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi như con giống, chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng, đổi mới quy trình chăn nuôi nên chăn nuôi lợn đã có nhiều bước tiến đáng kể, đã rút ngắn thời gian nuôi, tăng trọng nhanh, tỷ lệ nạc cao hơn, nhiều địa phương đã phát triển chăn nuôi lợn mạnh mẽ, nhiều trang trại, gia trại hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao.  Qua 15 năm thực hiện ...

Đẩy mạnh chương trình nạc hoá đàn lợn

(QT) - Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh Quảng Trị là 235.000 con. Trong những năm qua, nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi như con giống, chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng, đổi mới quy trình chăn nuôi nên chăn nuôi lợn đã có nhiều bước tiến đáng kể, đã rút ngắn thời gian nuôi, tăng trọng nhanh, tỷ lệ nạc cao hơn, nhiều địa phương đã phát triển chăn nuôi lợn mạnh mẽ, nhiều trang trại, gia trại hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua 15 năm thực hiện chương trình nạc hoá đàn lợn đã giúp nông dân trong tỉnh từ chăn nuôi các giống lợn truyền thống chuyển sang chăn nuôi các giống lợn lai, lợn ngoại có tỷ lệ nạc cao, tăng trọng nhanh, trọng lượng xuất chuồng lớn, thời gian chăn nuôi rút ngắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong tổng số đàn lợn của tỉnh, hiện nay đàn nái chiếm trên 20% tổng đàn và có khoảng 100 lợn đực giống của các cơ sở cung cấp tinh lợn giống trên địa bàn. Trong công việc lai tạo đàn lợn giống, nhiều địa phương đã lấy nái Móng Cái làm nền để phối giống với các lợn đực ngoại hoặc lợn đực lai, đây là cách thức lai tạo giống tiến bộ, tạo ra con giống tốt, phục vụ cho công việc chăn nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay con lai tạo ra trên nền lợn mẹ Móng Cái chưa đáp ứng được thị hiếu của người chăn nuôi nên chưa mang tính hàng hoá cao. Để thúc đẩy nông nghiệp ngày càng phát triển và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi đến năm 2015 chiếm 25 -30% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh, năm 2009, tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi, trong đó hỗ trợ chăn nuôi lợn ông bà, bố mẹ (giống lợn ngoại) đối với các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất giống. Sở Nông nghiệp và PTNT đã có hướng dẫn chỉ đạo, khuyến cáo nông dân áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới vào chăn nuôi, đặc biệt là khuyến cáo sử dụng tinh lợn đực giống ngoại 3- 4 máu để lai tạo giống nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường . Cơ sở sản xuất lợn giống của anh Vinh ở xã Triệu Trung năm 2009 đã xây dựng hệ thống chuồng trại và nhập từ miền Nam về nuôi 17 con lợn đực giống ngoại 3 máu (P-L-D), với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng và đã được Hội đồng Giám định chất lượng giống vật nuôi của tỉnh bình tuyển giám định chất lượng. Gần 1 năm qua, cơ sở sản xuất giống của anh Vinh đã cung cấp một lượng tinh đáng kể có chất lượng tốt cho thị trường. Tuy nhiên, do một số nơi nông dân phối giống trên đàn nái nền Móng Cái nên đã tạo ra đàn lợn giống lai không đồng nhất về màu lông, có ngoại hình sọc dưa hoặc đen nên thị trường ít ưa chuộng, mặc dù tỷ lệ nạc và thịt xẻ vẫn đạt cao, nếu phối giống trên nền nái trắng thì cho con lai có màu lông trắng được thị trường ưa chuộng hơn. Hiện nay, nhiều địa phương ở Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng... đã sử dụng tinh lợn 3 máu ngoại P-L-D phối giống cho chất lượng con lai rất tốt, lợn mới sinh trọng lượng cao, thời gian nuôi lợn con theo mẹ được rút ngắn, đặc biệt nuôi lợn sữa rút ngắn được 10 ngày, nuôi lợn thịt chóng lớn, tỷ lệ nạc cao nên giá bán luôn cao hơn 3.000- 4.000 đồng/kg lợn hơi so với việc sử dụng tinh thông thường. Một số nơi bà con cho biết sử dụng con lai của đực giống 3 máu ngoại P-L-D máu vào nuôi thịt theo hướng thâm canh rút ngắn thời gian nuôi từ 5- 6 tháng xuống còn 3- 4 tháng, tăng số lứa trong một năm, giảm chi phí, giảm công lao động, cho nên một hộ có thể nuôi số lượng lớn từ vài chục con đến vài trăm con. Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi bằng các loại thức ăn hỗn hợp, không phải nấu chín, phụ nữ có thời gian nhàn rỗi để chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội, phát triển chăn nuôi kết hợp xây bể khí biogas thì hoàn toàn có lợi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khoẻ cho con người, an toàn dịch bệnh, nhiều địa phương như HTX Mỹ Lệ, thị xã Quảng Trị; HTX Đại an Khê, Hải Phú, Hải Lăng; các xã Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh; các phường Đông Giang, Đông Thanh, thành phố Đông Hà nông dân mở rộng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, hộ ít thì 20- 30 con/lứa, hộ nuôi nhiều từ 100- 150 con/lứa, mỗi năm các hộ nuôi từ 2-3 lứa cho thu nhập hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Việc chăn nuôi tập trung đã tạo ra lượng hàng hóa lớn, tạo điều kiện cho tư thương thu mua và trở thành bạn hàng thường xuyên ổn định đầu ra, giúp người chăn nuôi càng tăng được lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, hiện nay, người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, vì vậy, để chăn nuôi một cách an toàn và bền vững, nông dân cần phải có định hướng chuyển sang chăn nuôi theo quy trình thâm canh đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra, áp dụng các tiến bộ khoa học về con giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng, nhằm bảo vệ và phát triển chăn nuôi, đồng thời cung cấp sản phẩm thịt sạch cho người tiêu dùng. TRẦN ANH MINH