(QT) - Quảng Trị là địa bàn có vị trí quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây, có 206 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào với 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, 4 cửa khẩu phụ, thuận lợi cho hoạt động giao thương, xuất nhập cảnh, xuất nhập biên. Lợi dụng điều kiện địa bàn vùng biên giới rừng núi đa dạng, phức tạp, cùng với hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, nên tình hình tội phạm ma túy hoạt động hết sức phức tạp, nhất là tội phạm xuyên quốc gia.
![]() |
Tuyên truyền trực quan về phòng, chống ma túy tại địa bàn dân cư |
Trên tuyến biên giới, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào và các nước trong khu vực vào Việt Nam qua tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây ngày càng gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất mức độ phạm tội. Trong nội địa, đã hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ các tỉnh phía Bắc về Quảng Trị tiêu thụ. Hoạt động của các đối tượng phạm tội ma túy rất tinh vi, manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh số ngươi nghiện ma túy tăng qua từng năm, từ 652 người nghiện năm 2011 đến nay đã tăng lên 1.281 người, bình quân mỗi năm có thêm trên 100 người nghiện ma túy. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy từ 44/ 141 đơn vị năm 2011 tăng lên 74/ 141 đơn vị vào năm 2017, bình quân mỗi năm có thêm 5 đơn vị xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy. Số vụ tội phạm ma túy được các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ cũng tăng liên tục. Năm 2011 các lực lượng chức năng bắt giữ 11 vụ/ 46 đối tượng, năm 2016 bắt giữ 66 vụ/ 133 đối tượng và 10 tháng của năm 2017 bắt giữ 75 vụ/153 đối tượng. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, kiềm chế tình hình ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào Quảng Trị để tiêu thụ và đưa đi nước thứ ba; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy.
Tính từ năm 2011 đến nay, các lực lượng chức năng phòng, chống ma túy của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 273 vụ/ 468 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ 6 kg ma túy đá, 3,33 kg heroin, 70,7 kg cần sa, 116.295 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tài sản có giá trị. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục gia tăng theo chiều hướng phức tạp, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực, chủ động tham gia vào nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và tê nạn ma túy, nhằm kiểm soát, kiềm hãm, ngăn chặn và từng bước tiến tới đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, nhất là ở vùng biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã báo cáo tham mưu Thường trực Tỉnh ủy triển khai kế hoạch giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn xã Tân Thành và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, qua đó nhân rộng ra toàn tuyến biên giới đất liền huyện Hướng Hóa và Đakrông. Ngày 5/4/2016, UBND tỉnh Quảng Trị và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đồng phê duyệt Kế hoạch 357/ KH-BCH giải quyết tình hình phức tạp về ma túy địa bàn xã Tân Thành và thị trấn Lao Bảo (gọi tắt Kế hoạch 357). Đồng thời, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tham gia.
Sau hơn một năm thực hiện Kế hoạch 357, đến nay, các tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn xã Tân Thành và thị trấn Lao Bảo đều bị triệt phá. Đặc biệt, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương nên bước đầu đã đánh mạnh, đánh trúng và bóc gỡ được các đường dây mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy trên địa bàn, qua đó giáo dục, cảm hóa đối tượng thay đổi hành vi tiếp tay cho tội phạm ma túy. Từ công tác tuyên truyền vận động, đến tổ chức kiểm điểm các đối tượng và đấu tranh trấn áp tội phạm đều được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực. Đây là kinh nghiệm quý để nhân rộng mô hình Kế hoạch 357 ra toàn tuyến biên giới đất liền hai huyện Hướng Hóa, Đakrông trong thời gian tới, góp phần kiềm chế, ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào nội địa.
Vấn đề nhức nhối hiện nay là số người nghiện ma túy ngày càng gia tăng cần nhu cầu lớn về chất ma túy để sử dụng, là điều kiện cho tội phạm ma túy triệt để lợi dụng thu lợi bất chính và làm phát sinh các loại tội phạm khác, gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Địa bàn có tệ nạn ma túy ngày càng lan rộng nhanh chóng, nhưng lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy (gồm Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an) rất mỏng nên cuộc chiến phòng, chống ma túy gặp rất nhiều khó khăn. Thực tiễn từ việc triển khai thực hiện Kế hoạch 357 tại xã Tân Thành và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa cho thấy, nếu nhân rộng mô hình này ra toàn tuyến biên giới đất liền của tỉnh thì lực lương chức năng trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy sẽ thiếu hụt rất lớn. Do đó, để kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới làm giảm tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn cần phải triển khai đồng bộ các biện pháp công tác kết hợp giữa vận động tuyên truyền với tiến hành các biện pháp nghiệp vụ xác lập đấu tranh các chuyên án, vụ án; trong đó, lấy vận động tuyên truyền làm cơ bản, xuyên suốt để nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhằm chuyển hóa địa bàn một cách toàn diện. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nòng cốt là lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan trong công tác phòng, chống ma túy. Chú trọng tăng cường lực lượng cho các địa bàn, tuyến trọng điểm, ưu tiên trang bị phương tiện nghiệp vụ cần thiết cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, bảo đảm đủ điều kiện đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong mọi tình huống.
Hàng năm, phấn đấu để mọi người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; 100% người nghiện được cai nghiện dưới mọi hình thức; 100% người nghiện có nguy cơ tái nghiện được quản lý sau cai, nhằm giúp cho người dân nhận thức đúng, nâng cao ý thức, trách nhiệm về phòng, chống ma túy, từ đó tích cực, tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho người nghiện ma túy đã cai nghiện thành công; khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở cai nghiện tự nguyện và tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc thay thế trên địa bàn để người nghiện được tiếp cận các hình thức cai nghiện hiệu quả.
Tệ nạn ma túy là hiểm họa của các quốc gia, dân tộc, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh các loại tội phạm khác, làm băng hoại đạo đức xã hội, hủy hoại sức khỏe, nhân cách con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội và an ninh trật tự của đất nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội quê hương, đất nước.
Khánh Ngọc