Canh cánh nỗi lo sạt lở đất
(QT) - Sau mỗi trận mưa bão, những cư dân sống dọc sông Sê Pôn lại nơm nớp lo sợ. Từng triền đất mất dần theo con nước đỏ ngầu làm cuộc sống của họ bị xáo trộn. Con đường đất bị nước xé từng mảng dẫn vào thôn Bích La Đông , Tân Long, Hướng Hóa (Quảng Trị). Những người dân trong thôn cố gắng dùng cọc tre để giữ những khoảng đất còn sót lại. Mưa bão đi qua, người dân lại gồng mình khắc phục hậu quả mà nó để lại. Căn nhà của ông Vy Xuân Thủy (sinh năm 1954), thôn Bích La Đông, nằm cách bờ sông Sê Pôn chừng 150 mét, ngay sát nách nhà là con suối Mỹ Yên đổ ra sông cái này. Từng mảng kè bê tông được xây năm 2012 đã bị nước bóc ra từng mảng, nằm tung tóe. Mảnh vườn của ông có diện tích 1.500 m 2 giờ chỉ còn lại rặng tre là nguyên vẹn.
 |
Nhiều điểm sạt lở lớn trên bờ sông Sê Pôn đoạn qua xã Thuận, Hướng Hóa |
Ông Thủy nói: “Sau mỗi đợt mưa to đất lại lở dần, ban đầu thì vài ba mét, giờ thì lên đến vài chục mét. Chỉ còn căn nhà nằm lại trơ trọi thôi chứ cây trồng đã bị cuốn đi sạch rồi”. Suối Mỹ Yên tuy ngắn nhưng có độ dốc rất lớn. Trước năm 2012 khi chưa có hệ thống kè bằng bê tông thì các cư dân sống quanh đây sử dụng cọc gỗ và trồng tre dày để bảo vệ đất. Sau hai năm xây dựng, số kè trên đã có dấu hiệu xuống cấp và đặc biệt trong đợt mưa lũ vừa qua bị cuốn trôi sạch. Nhiều lần các hộ dân trong thôn Bích La Đông đã kiến nghị lên cơ quan chức năng về công trình này nhưng vẫn chưa có câu trả lời thích đáng. Để chống nạn sạt lở, giải pháp duy nhất của ông Thủy là trồng những rặng tre thật dày. Trong suy nghĩ của ông khi những rặng tre này bám rễ và liên kết với nhau thì sẽ hạn chế được việc sạt lở. Đợt mưa bão vừa qua, nước chảy xiết làm xuất hiện hàm ếch sâu trên 10 mét từ phía bờ sông Sê Pôn và suối Mỹ Yên, cuốn theo cả rặng tre liền khối mà gia đình trồng làm lá chắn. Đổ biết bao nhiêu công sức để “be bờ đắp đập”, vậy mà chỉ trong một đêm nó đã bị dòng nước lật tung rồi cuốn phăng đi. Hiện tại căn nhà của ông Thủy đang sống mấp mé bên bờ sạt lở. Hàng rào và nửa sân đã bị nước cuốn trôi, trên tường nhà xuất hiện những vết nứt kéo dài. Ông lo lắng cho căn nhà cấp 4 của mình. “Với đà này thì sạt lở sẽ kéo nhà của tôi xuống đó mất. Nếu mình không có giải pháp thì sau vài trận mưa như trút nước nữa, đất cứ lở dần từng mảng sẽ không chống đỡ được. Lúc đó chỉ còn nước chuyển đi nơi khác mà sống thôi”, ông Thủy cho biết. Nhiều hộ dân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, hộ thì mất đất mất vườn, có hộ nặng hơn thì đất lở đã vào đến tận nhà. Tất cả họ đều có chung một mối lo ngại là mưa bão vẫn diễn biến thất thường, nước sông Sê Pôn mùa này rất hung hãn, sức người làm sao có thể chống đỡ nổi với thiên tai. Đi một chặng nữa về phía thôn Bản 1 Mới thuộc xã Thuận, trưởng thôn Hồ Văn Pâng dẫn chúng tôi đến các địa điểm bị sạt lở. Đa số người dân trong thôn đều dựng nhà quanh bờ sông Sê Pôn, vì vậy việc sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Thôn Bản 1 Mới có 33 hộ với 174 nhân khẩu, đời sống thuần nông. Theo tập tục và để thuận tiện cho việc sinh hoạt, những hộ dân ở đây không ngần ngại dựng nhà cách bờ sông một khoảng không xa. Đó chính là điều mà vị trưởng thôn này lo lắng. Ông Pâng nói: “Thôn Bản 1 Mới thành lập năm 1977, lúc đó đời sống vô cùng khó khăn, nhất là về khoản nước sinh hoạt. Chính vì vậy các hộ dân đã dựng nhà mấp mé bên bờ sông để tận dụng nguồn nước. Họ đâu biết rằng dòng sông đã cho họ nguồn nước và cá tôm cũng có thể nhấn chìm họ trong một đêm”. Vần chiếc ghe ra sông Sê Pôn để đánh cá, Hồ Văn Lia thôn Bản 1 Mới lo lắng: “Sau mỗi đợt mưa to là đất lại lở thêm à. Trước đây còn những rặng tre thì đỡ hơn, giờ những rặng tre đã mất nên không còn gì che chắn nữa. Mảnh vườn của tôi giáp bờ sông bây giờ không còn nữa, chắc một thời gian nữa là đến lượt cái nhà sàn bị đổ xuống. Phải chuyển nhà đi nơi khác mà sinh sống và làm ăn thôi, chứ cái cảnh này thì ăn không ngon ngủ không yên rồi”. Mỗi lần họp thôn bản, nhiều người có ý kiến về sự việc này. Các giải pháp được đưa ra nhưng cuối cùng đi vào bế tắc. Các hộ dân cho biết rằng khi mưa bão thì nước sông dâng lên rất nhanh, sông Sê Pôn đoạn qua thôn Bản 1 Mới có độ dốc rất lớn nên nước chảy xiết, chúng cuốn trôi tất cả những gì trên đường đi. Ông Nguyễn Xuân San, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận, cho biết xã Thuận là một xã có địa hình đặc biệt nên mỗi lần mưa bão là cả xã bị chia cắt ra từng vùng. Nhất là các thôn giáp mặt với sông Sê Pôn, hễ mưa lớn kéo dài là sạt lở lại xuất hiện. Người dân và chính quyền đã tìm mọi cách để khắc phục những đoạn có nguy cơ sạt lở cao, nhưng cuối cùng đành phải bất lực trước những nơi bị nặng. Rất nhiều phương án để phòng chống nguy cơ sạt lở được đưa ra như dùng đất đá bồi lấp vào những hàm ếch, trồng dày tre vào dọc bờ sông. Tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành để xây dựng một hệ thống kè chống xói lở kiên cố, giúp người dân yên tâm sản xuất, sinh sống. Bài, ảnh: BÙI ĐỨC TÚ