Nước mắt đã rơi trên trang giấy ố vàng
(QT) - “ Quảng Trị 11/9/1972. Hôm nay con ngồi đây biên những dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật dưới lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột... Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về ...” . Giọng đọc truyền cảm, ngân rung của anh Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích Thành Cổ cất lên, không gian trong Bảo tàng Thành Cổ dường như ngưng đọng, lắng lại trong từng giọt nước mắt của khách viếng thăm rơi xuống vuông kính chứa hai bức thư ố vàng... Trong số hàng trăm di vật để lại của các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu khốc liệt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 bảo vệ Thành Cổ - Quảng Trị, thì bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (quê xóm Một, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), sinh viên năm thứ tư Khoa Xây dựng, khóa 13 của ĐH Bách khoa - Hà Nội gửi cho gia đình và người vợ mới cưới là chị Đặng Thị Xơ ở quê nhà và bức thư chị Phan Thị Biển Khơi gửi chồng là liệt sĩ Lê Binh Chủng đã lưu lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách khi đến viếng thăm Khu di tích Thành Cổ.
.jpg) |
Nhiều khách viếng thăm Bảo tàng Thành Cổ đã khóc khi nghe đọc bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và của chị Phan Thị Biển Khơi gửi cho chồng là liệt sĩ Lê Binh Chủng |
“Sau khi rút khỏi Thành, đơn vị chiến đấu dọc sông Thạch Hãn. Cuộc chiến đấu rất ác liệt vì địch muốn đẩy quân ta sang bên kia sông, còn ta kiên quyết giữ. Do đặc điểm đơn vị xé lẻ phối thuộc các đơn vị bộ binh. Vì vậy, hai đứa ở hai khu vực khác nhau. Sáng sớm ngày 2/1/1973, sau một đêm đánh nhau ác liệt, pháo địch bắn phá hầu như suốt đêm thì tôi nhận được tin đồng chí chính trị viên và tiểu đội của anh Huỳnh đã trúng pháo của địch và thương vong nặng. Ba đồng chí, trong đó có anh Huỳnh đã hy sinh ngay tại chỗ. Tiểu đội bơi cùng xuồng chỉ còn anh Hữu Luân sống. Sau phút bàng hoàng tôi tới ngay nơi các đồng chí hy sinh. Trước mắt tôi, ba người nằm đó bê bết máu, quần áo tơi tả... Sau khi nắn lại thân hình cho các đồng chí hy sinh được ngay ngắn, chúng tôi tìm lấy những chiếc tăng, võng lành lặn nhất bó cho các đồng chí. Lúc đó, địch vẫn bắn dữ dội, vì vậy phải tranh thủ lúc ngớt pháo địch để đào mộ. Sau khi chọn vật chuẩn, đào ba huyệt mộ và lần lượt chôn ba đồng chí theo hình tam giác. Chôn xong, vì được coi là có chữ đẹp hơn, tôi đi tìm những mảnh tôn rách nát để cắt ra làm bia và dùng mảnh pháo địch để đục tên ba liệt sĩ và cắm lên mộ. Tôi thì thầm: Sau này, ngày chiến thắng, nếu tao còn sống tao sẽ tìm đưa chúng mày về”. (Lời kể của anh Vũ Hồng Sơn, cùng nhập ngũ với liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được trích trong cuốn sách “Theo dấu chân Thành Cổ” của Nguyên Vũ và sách “Một thời hoa lửa” của VTV về trường hợp hy sinh của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh). Trước lúc anh hy sinh đúng 3 tháng 20 ngày (hy sinh ngày 2/1/1973) trong thời gian anh làm nhiệm vụ tiếp vận vào Thành Cổ, khó tin rằng mình có thể sống để trở về và như dự cảm kỳ lạ của người lính, anh ngồi viết bức thư như viết trước di chúc cho đời mình. “Quảng Trị 11/ 9/ 1972. Hôm nay con ngồi đây biên những dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật dưới lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột. Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi... Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...”. Và trước khi hóa thân vào đất đai, sông nước và mãi mãi nằm lại với Thành Cổ - Quảng Trị, anh đã viết cho chị Đặng Thị Xơ, người phụ nữ mới chỉ 6 ngày làm vợ và hơn 30 năm đằng đẵng chờ chồng: “ Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe những người thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn. Thôi nhé, đấy là có điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt rồi.. .”. Lời tiên đoán về cái chết và nơi chôn cất thi thể của anh Lê Văn Huỳnh đã gần đúng với thư anh dặn người vợ. Năm 1973, khi mặt trận đã im tiếng súng, bà Nguyễn Thị Ngân trở về làng cũ tại thôn Thượng Phước (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) làm ăn sinh sống, thấy trong vườn nhà có 3 ngôi mộ liệt sĩ, có khắc tên trên mộ chí, trong đó có tên của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Bà Ngân cũng như bất cứ người dân nào ở vùng này, đã chăm sóc và khói hương chu đáo. Hòa bình lập lại, hai lần địa phương đến qui tập những ngôi mộ đó về nghĩa trang của tỉnh, nhưng đều không tìm thấy hài cốt nên chuyện những ngôi mộ cũng dần bị lãng quên. Rồi một ngày cuối năm 2002, chị Xơ và đồng đội tìm về, lần này thì họ đã tìm được anh, ngay chính cái nền đất mà bao lâu nay ai ai cũng đã tưởng rằng vô vọng. Để lại hậu phương người vợ hiền đảm đang và đứa con thơ dại, tháng 8/1972 trung uý Lê Binh Chủng đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Thành Cổ khi cuộc chiến đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Nhận được giấy báo tử của chồng, chị Khơi lặng người trong đau đớn. Nén nỗi đau vào lòng, chị tần tảo nuôi đứa con thơ khôn lớn với niềm khắc khoải trong tận sâu thẳm đáy lòng về một ngày tìm cho được hài cốt chồng để đưa anh về quê nhà an nghỉ. Và mãi gần 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, hài cốt của liệt sĩ Lê Binh Chủng mới được tìm thấy. Trong những kỷ vật còn lại của anh có lá thư thấm đẫm yêu thương của mối tình đầu trong sáng cùng niềm tự hào, niềm tin vào ngày chiến thắng mà chị gửi cho anh. Chị Phan Thị Biển Khơi viết: “Cầm bút viết thư cho anh trong lúc chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng dậy lên sung sướng. Tự hào thay, trong hàng ngũ những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ... Em bận lắm, vừa thu hoạch mùa vừa huấn luyện quân sự để sẵn sàng đối phó với địch. Em và con gửi lời thăm tới các anh trong đơn vị. Gửi tới anh nhiều cái hôn”... Và 30 năm sau ngày ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị, hài cốt của liệt sĩ Lê Binh Chủng được chị Khơi đưa về Nghệ An, còn những kỷ vật thiêng liêng của anh, chị gửi lại trưng bày ở Bảo tàng Thành Cổ. Chiến tranh lùi vào quá khứ, giờ đây chị Phan Thị Biển Khơi cùng con cháu sống những ngày tháng hạnh phúc trong căn nhà ấm cúng có người chồng từng là đồng đội của liệt sĩ Lê Binh Chủng một thời. Trong thẳm sâu ký ức của chị, kỷ niệm của mối tình đẹp trên tuyến lửa Thành Cổ năm xưa sẽ luôn theo chị đi đến hết cuộc đời. “Tôi cũng như hàng triệu trái tim trên đất nước Việt Nam đã rung động trước bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và của chị Phan Thị Biển Khơi gửi cho chồng là liệt sĩ Lê Binh Chủng khi đến thăm Bảo tàng Thành Cổ. Nội dung thư là những dòng tâm sự đầy tâm huyết để thế hệ hôm nay và cả mai sau cảm nhận đầy đủ khí phách anh hùng của các anh và hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc. Và tôi đã khóc trước những dự cảm kỳ lạ của người lính về sự hy sinh của mình và niềm tin vào ngày hòa bình, thống nhất đất nước”. - Đó là tâm sự của chị Nguyễn Cầm Yến, giáo viên Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội với tôi như vậy trong buổi sáng tháng 4 chị đến thăm Bảo tảng Thành Cổ. Bài, ảnh: TÔN HIỀN