Giải pháp góp phần tăng năng suất lao động trong quản lý hệ thống đo đếm
(QT) - Lâu nay việc kiểm soát công tơ tại đơn vị được thực hiện bằng phương pháp thủ công, người kiểm soát phải kiểm tra từng công tơ một và ghi lại số serial number (viết tắt là S/N) trên giấy của tất cả các công tơ phục vụ lắp mới; công tơ lắp đặt cho các dự án; công tơ thay thế định kỳ; công tơ đưa đi kiểm định cũng như công tơ cháy, hỏng còn S/N..., sau đó nhập bằng tay các số S/N công tơ này vào chương trình để kiểm soát và báo cáo. Với phương pháp này mất nhiều thời gian và nhân lực do ...

Giải pháp góp phần tăng năng suất lao động trong quản lý hệ thống đo đếm

(QT) - Lâu nay việc kiểm soát công tơ tại đơn vị được thực hiện bằng phương pháp thủ công, người kiểm soát phải kiểm tra từng công tơ một và ghi lại số serial number (viết tắt là S/N) trên giấy của tất cả các công tơ phục vụ lắp mới; công tơ lắp đặt cho các dự án; công tơ thay thế định kỳ; công tơ đưa đi kiểm định cũng như công tơ cháy, hỏng còn S/N..., sau đó nhập bằng tay các số S/N công tơ này vào chương trình để kiểm soát và báo cáo. Với phương pháp này mất nhiều thời gian và nhân lực do một người vừa đọc, vừa ghi ra giấy nên không tránh khỏi sai sót nhầm lẫn số S/N giữa các công tơ. Việc khai báo và kiểm soát công tơ trong kho cũng gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi gửi công tơ đi kiểm định hoặc nhận công tơ từ kho công ty về đều phải ghi lại số S/N ra giấy và cập nhật hồ sơ, sau đó mới thực hiện các bước tiếp theo. Trên chương trình Cmis 2.0 thường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng và tìm số S/N. Nếu tên khách hàng tương ứng với số S/N không trùng khớp thì rất dễ nhầm lẫn khách hàng này với khách hàng khác...Tóm lại, với phương pháp kiểm soát thủ công thì việc quản lý thiết bị đo đếm muốn chính xác phải mất rất nhiều thời gian và nhân lực.

Khởi động phần mềm Lomag trên máy điện thoại thông minh

Để giảm thiểu thời gian, tiết kiệm nhân lực và kiểm soát chính xác công tơ tại kho của đơn vị, anh Lê Đình Đức và Nguyễn Việt Vương ở Điện lực Thành Cổ đã nghiên cứu và xây dựng hoàn thành sáng kiến kinh nghiệm: “Kiểm soát và quản lý công tơ đo đếm” bằng phương pháp quét mã vạch công tơ bằng điện thoại thông minh để cập nhật số serial number công tơ. Các loại công tơ cần kiểm soát bao gồm công tơ điện tử các loại (1 pha; 3 pha); công tơ cơ khí các loại (1 pha; 3 pha). Quá trình tự thực hiện, đối với công tơ điện tử trước tiên là khởi động phần mềm ứng dụng của điện thoại thông minh sau đó thực hiện quét trên điện thoại thông minh; kích hoạt điện thoại vào start\Lomag free\Add file\ Confirm\ xuất hiện màn hình quét tự động nhận biết mã vạch của công tơ được chọn. Sau khi quét tất cả các công tơ cần thực hiện, trên màn hình phía trên bên phải xuất hiện logo hiển thị file exel\kích file exel\ hiển thị số S/N của tất cả các công tơ đã quét. Tiếp tục vào hòm thư phía dưới bên phải xuất hiện/gửi file qua email. Nhận file đã gửi trên email ta có trên file exel tất cả số S/N của các công tơ đã quét. Có được file exel này nhân viên thực hiện treo, tháo trên CMIS được chính xác cũng như lập danh sách các công tơ đưa đi kiểm định... Trường hợp công tơ mất tem, mất mã vạch hoặc mã vạch không đúng thì sẽ có báo lỗi, như vậy đã kiểm soát được khối lượng; chất lượng công tơ...Hiện nay trên lưới của nhiều đơn vị vẫn còn một số công tơ cơ khí, đối với công tơ này không có mã vạch nên không thuận tiện cho việc quét số S/N. Tuy nhiên vẫn kiểm soát được bằng điện thoại thông minh thông qua file ảnh. Với phương pháp này đảm bảo độ chính xác về thông tin của công tơ và lưu trữ được khi kiểm soát, nhưng hiệu quả không cao so với phương pháp quét công tơ điện tử. Điện thoại thông minh chụp dạng ảnh các S/N của tất cả các công tơ, sau đó gửi về máy tính bằng đường thư điện tử email. Máy tính người dùng cài đặt phần mềm Text Fairy chuyển từ file ảnh sang file Word tức là lấy được thông tin từ dạng số (chữ) từ ảnh.Tiếp tục dùng lệnh coppy để lấy số S/N dán vào file exel và ta cũng được kết quả trên file exel như quét công tơ điện tử. Có thể chụp một ảnh gồm nhiều công tơ cùng một lúc để lấy số S/N, miễn sao chữ số của từng công tơ hiển thị rõ bởi vì phần mềm Text Fair lấy được thông tin chữ và số tại vị trí bất kỳ trên file ảnh. Với cách làm này đã giảm áp lực cho nhân viên quản lý đo đếm, đồng thời rất thuận lợi cho công tác cập nhật và báo cáo số liệu. Việc hợp lý hóa ứng dụng này đã đem lại hiệu quả trong việc tăng năng suất lao động và kiểm soát tốt số lượng, chất lượng công tơ tại đơn vị. Thay vì mỗi lần thống kê để gửi đi kiểm định công tơ hay nhận phân bổ công tơ từ công ty về thì phải có 2 người đọc và ghi số S/N nay chỉ cần 1 người cũng làm được và tiết kiệm rất nhiều thời gian (vì quét rất nhanh). Anh Phan Hồng Cẩm, Giám đốc Điện lực Thành Cổ cho biết thêm về những hiệu quả và tiện ích mang lại của sáng kiến kinh nghiệm: “Giải pháp ứng dụng phần mềm Lomag trên điện thoại thông minh để đọc mã vạch và lấy số serial number của công tơ đo đếm đã cải thiện điều kiện làm việc, giảm thời gian và tăng năng suất lao động trong công tác quản lý hệ thống đo đếm. Với ứng dụng này còn giải quyết được một số nội dung công việc khác trong công tác kinh doanh bán điện. Giải pháp này không tốn kém về đầu tư, giảm được nhiều thời gian trong công việc, đặc biệt giải quyết và khắc phục các sai sót về quản lý công tơ. Từ khi có giải pháp đưa ra, việc quản lý thiết bị đo đếm của Điện lực Thành Cổ được chính xác, tiết kiệm thời gian và nhân lực hơn”. Bài, ảnh: TÂN NGUYÊN