Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3- HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI
(QT) - Tại kỳ họp thứ 3- HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI, diễn ra từ ngày 7-9/12/2011, có 49 lượt ý kiến tham gia thảo luận tổ và nhiều ý kiến chất vấn liên quan đến nhiều vấn đề như: Vì sao chưa thực hiện nâng bậc lương cho giáo viên mầm non theo Nghị quyết 3.5 và Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh; trách nhiệm của UBND tỉnh, huyện và các ngành trong việc giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên tại 14 trường mầm non công lập ở vùng bản huyện Hướng Hóa theo Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ; vấn ...

Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3- HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI

(QT) - Tại kỳ họp thứ 3- HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI, diễn ra từ ngày 7-9/12/2011, có 49 lượt ý kiến tham gia thảo luận tổ và nhiều ý kiến chất vấn liên quan đến nhiều vấn đề như: Vì sao chưa thực hiện nâng bậc lương cho giáo viên mầm non theo Nghị quyết 3.5 và Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh; trách nhiệm của UBND tỉnh, huyện và các ngành trong việc giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên tại 14 trường mầm non công lập ở vùng bản huyện Hướng Hóa theo Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ; vấn đề chất lượng các công trình nước sạch đầu tư ở Đakrông hiệu quả thấp; giải pháp chấn chỉnh tình trạng khai thác vàng, khoáng sản trái phép ở sông Đakrông để giải quyết dứt điểm tình trạng xói lở, ô nhiễm môi trường và bồi lấp ở khu vực hạ lưu... Báo Quảng Trị điện tử trích đăng một số ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn được đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm nhất. * Đại biểu Hoàng Đức Cường, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại đơn vị huyện Hướng Hóa chất vấn: Hiện nay, tại các xã vùng bản miền núi khó khăn của huyện Hướng Hóa có 14 trường mầm non công lập, nhưng phần lớn cán bộ giáo viên lại hưởng chế độ chính sách như giáo viên ngoài biên chế ở các trường bán công là không đảm bảo công bằng, gây thiệt thòi quyền lợi chính đáng cho cán bộ giáo viên. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ thực trạng này? Trách nhiệm của UBND tỉnh, UBND huyện Hướng Hóa và các ngành chức năng như thế nào? Về vấn đề này, được sự phân công của UBND tỉnh, ông Hồ Ngọc An, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời: Tại kỳ họp thứ 21- HĐND tỉnh khóa V đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 10/2010/NQ-HĐND ngày 23/7/2010 và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2057/QĐ-UBND về giao quyền tự chủ về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan hành chính và giao quyền tự chủ về biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2011-2015.

Các đại biểu HĐND tỉnh tham gia ý kiến thảo luận tại tổ. - Ảnh: THÀNH DŨNG

Theo Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND tỉnh thì ngành giáo dục huyện Hướng Hóa được bổ sung và giao ổn định giai đoạn 2011-2015 là 1.420 biên chế. Trong đó, biên chế được giao cho 15 trường mầm non công lập của huyện Hướng Hóa là 267 biên chế, tăng so với biên chế hiện có (122 biên chế) là 145 biên chế. Như vậy, biên chế và kinh phí đối với 15 trường mầm non công lập của huyện Hướng Hóa đã được UBND tỉnh tính toán và cân đối đảm bảo từ đầu năm 2011. Số liệu đại biểu nêu chỉ có 109 biên chế và 125 người hợp đồng là chưa chính xác. Theo báo cáo của UBND huyện Hướng Hóa, số giáo viên biên chế hiện nay của 15 trường mầm non đã bố trí là 203 biên chế, biên chế UBND huyện đề nghị tuyển dụng trong năm 2011 (do sửa đổi quy chế xét tuyển nên tạm để lại) là 39 biên chế. Như vậy, sau khi UBND huyện hoàn thành kế hoạch tuyển dụng năm 2011 thì biên chế giáo viên mầm non của 15 trường mầm non vùng khó của huyện Hướng Hóa là 242 biên chế, nhiều hơn so với ý kiến đại biểu nêu 8 biên chế. Số biên chế còn thiếu so với NQ của HĐND tỉnh và QĐ của UBND tỉnh giao là 25 biên chế. Số biên chế này, UBND huyện Hướng Hóa có trách nhiệm rà soát biên chế các bậc học để bổ sung trong thời gian tới.
Tin, bài liên quan:

>>> Khai mạc kỳ họp thứ 3-HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI

>>> Khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra cho năm 2012(*)

>>> Báo cáo tóm tắt tình hình KT-XH, QP -AN năm 2011 và kế hoạch phát triển KT-XH, QP-AN năm 2012

>>> Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri >>> Kết thúc kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khoá VI: Thông qua nhiều nội dung, đề án quan trọng >>> Tích cực triển khai các Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012(*)

Việc 87 giáo viên mầm non huyện tự hợp đồng không nâng bậc lương hàng năm, không được hưởng phụ cấp khu vực, không được tính phụ cấp đứng lớp, không được hưởng phụ cấp đặc biệt (4 không) là do huyên tự thỏa thuận hợp đồng để đáp ứng nhu cầu dạy và học trước mắt, chưa thực hiện việc tuyển dụng theo quy định của Nghị định 116/2003/NĐ-CP của Chính phủ và quy chế tuyển dụng viên chức kèm theo Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND; Quyết định số 16/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh nên chưa thể được hưởng các chế độ như giáo viên trong biên chế (những trường hợp có thời gian hợp đồng trên 10 năm như đại biểu nêu đã được tham gia xét tuyển nhiều lần nhưng không được trúng tuyển). Để đảm bảo quyền lợi cho số giáo viên mầm non đã hợp đồng giảng dạy ở các trường mầm non vùng khó và giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị quyết 3.5 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có Công văn số 2080/ UBND-NC ngày 24/10/2011 chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ xây dựng bổ sung quy chế xét tuyển để có ưu tiên cho đối tượng này trong tuyển dụng. Vì vậy, việc tuyển dụng giáo viên mầm non của các huyện có chậm hơn so với việc tuyển dụng giáo viên các bậc học khác. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Đức Cường bày tỏ ý kiến chưa đồng tình với trả lời giải trình của Sở Nội vụ. Theo đại biểu Hoàng Đức Cường thì số liệu đại biểu cung cấp là hoàn toàn chính xác đến từng trường (nếu Sở Nội vụ cần đối chiếu thì đại biểu sẽ cung cấp cụ thể, chi tiết) và hiện tại số giáo viên biên chế ở 14 trường mầm non vùng bản huyện Hướng Hóa chưa bằng ½ tổng số số giáo viên đang giảng dạy ở đây. Sau gần 10 năm thực hiện Quyết định 161/2002/QĐ- TTg ngày 15/11/2002 và 7 năm thực hiện Nghị quyết 3.5 của HĐND tỉnh, lẽ ra, theo quy định của Nhà nước thì họ phải được biên chế hoặc hợp đồng trong biên chế. * Về nâng lương đối với giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị quyết số 3.5/2004/NQ-HĐND tỉnh ngày 18/12/2004 vì sao thực hiện chậm?. Trả lời vấn đề này, ông Hồ Ngọc An, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, từ năm 2005 đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành hợp đồng 1.500 giáo viên ngoài biên chế làm việc tại các trường mầm non bán công, đáp ứng nhu cầu dạy học bậc học mầm non. Qua khảo sát, hiện nay việc xếp lương, nâng lương đối với số giáo viên này nhiều địa phương chưa thực hiện được. Cụ thể: Huyện Vĩnh Linh xếp lương theo trình độ đào tạo hệ số 1,62 với đại học, cao đẳng và 1,55 đối với trung cấp. Các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Triệu Phong, Hải Lăng, Đakrông xếp lương theo trình độ đào tạo nhưng chưa nâng bậc lương định kỳ. Thành phố Đông Hà đã xếp lương theo trình độ đào tạo và nâng lương định kỳ từ tháng 10/2010. Chỉ có thị xã Quảng Trị đã xếp lương và nâng bậc lương theo niên hạn từ khi có Nghị quyết 3.5 của HĐND tỉnh. Căn cứ các Nghị quyết HĐND tỉnh thì việc nâng lương đối với giáo viên mầm non 3.5 thực hiện kể từ tháng 8/2010 (từ khi Nghị quyết số 13/2010/NQ-HĐND ngày 23/7/2010 có hiệu lực). Nhưng theo Nghị quyết 3.5 “Thực hiện chi trả lương các khoản Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, học tập bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, danh hiệu tôn vinh nhà giáo như giáo viên trong biên chế Nhà nước” thì cũng có nghĩa việc nâng lương được thực hiện từ khi có NQ 3.5 (tháng 1/2005) và thực tế, thị xã Quảng Trị đã thực hiện. Qua tổng hợp ý kiến đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố, liên ngành Nội vụ, Tài chính, GD&ĐT đã trình UBND tỉnh 2 phương án: Phương án 1, thực hiện nâng lên bậc 2 đối với giáo viên mầm non đối tượng điều chỉnh của NQ 3.5 từ ngày 1/8/2010 (tính từ ngày NQ 13 có hiệu lực); Phương án 2, xếp lại lương đối với giáo viên theo thời gian đống BHXH tính từ ngày 1/1/2005 (tính từ khi NQ 3.5 có hiệu lực). Phương án 1 thực hiện đúng theo tinh thần NQ 13/2010/NQ-HĐND nhưng thiệt thòi cho những giáo viên có thời gian công tác lâu năm; mặt khác, việc nâng lương hàng loạt trong cùng một năm ảnh hưởng đến kinh phí chi trả lương, tăng đột biến trong năm khi đến kỳ hạn nâng lương. UBND tỉnh có tờ trình số 3297/TTr- UBND ngày 2/12/2011 trình Thường trực HĐND tỉnh thống nhất chuyển xếp lương đối với giáo viên theo phương án 2 và bố trí ngân sách 3.400 triệu đồng để thực hiện truy đóng bảo hiểm xã hội, tính mức truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phần đơn vị sử dụng lao động phải đóng. Nếu được Thường trực HĐND tỉnh đồng ý thì Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở GD&ĐT phối hợp với BHXH tỉnh sẽ hướng dẫn cho các huyện, thị xã, thành phố ra quyết định xếp lương, tính mức truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị quyết 3.5 trong Quý I/2012. * Vì sao tiến độ xây dựng Nhà văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ chậm? Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về việc Chủ tịch nước đồng ý hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa theo Công văn 1471/VPCTN-KTXH ngày 25/12/2009, vì sao tiến độ thực hiện chậm?, ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở VHTT&DL giải trình: Ngày 26/1/2010, UBND tỉnh có Công văn số 185/UBND-VX về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị giao UBND huyện Hướng Hóa và Đakrông làm chủ đầu tư, Sở VHTT&DL phối hợp với 2 huyện nói trên triển khai nhiệm vụ thực hiện các thủ tục xây dựng 2 nhà văn hóa. Sở VHTT&DL đã làm việc với Vụ văn hóa dân tộc và Cục văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) về thỏa thuận tính chất, quy mô xây dựng 2 nhà văn hóa tại huyện Hướng Hóa và Đakrông. Trên cơ sở đó, Vụ văn hóa dân tộc tham mưu cho Bộ VHTT&DL có công văn đề nghị Văn phòng Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị 30 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ các mục tiêu về văn hóa của Chính phủ để xây dựng “Nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ” tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông (kinh phí mỗi nhà 15 tỷ đồng). Với trách nhiệm được giao là chủ đầu tư 2 công trình trên, UBND huyện Hướng Hóa và Đakrông đã tiến hành các bước khảo sát, lựa chọn mặt bằng địa điểm xây dựng, tư vấn thiết kế. Ngày 23/9/2011, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô huyện Đakrông, thời gian thực hiện từ 2012-2014. Riêng đối với huyện Hướng Hóa, do việc lựa chọn mặt bằng và xác định quy mô của công trình gặp khó khăn nên dự án chưa được UBND tỉnh phê duyệt. Bộ VHTT&DL chỉ thỏa thuân về tính chất và quy mô xây dựng công trình. Việc bố trí vốn 2 công trình nói trên thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. * Vì sao chất lượng các công trình cấp nước sinh hoạt ở Đakrông hiệu quả thấp? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trên địa bàn huyện Đakrông có tổng cộng 59 công trình cấp nước sinh hoạt dạng tự chảy. Do ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2009 và lũ lụt năm 2010 làm thiệt hại một số công trình cấp nước tập trung dạng tự chảy. Trong 2 năm qua các công trình hư hỏng do thiên tai gây ra từng bước được đầu tư khắc phục, sửa chữa đưa vào sử dụng. Thực trạng các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn chỉ có 8,4% đạt 4 tiêu chí (công trình có ban quản lý; công trình hoạt động có hiệu suất đạt ≥ 70% công suất thiết kế; công trình có thu tiền nước; công trình có thất thoát nước ≤ 25%). Trong những năm qua, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư 8 công trình, chiếm 13,6%; UBND huyện làm chủ đầu tư 27 công trình, chiếm 45,8%; các chương trình, dự án khác làm chủ đầu tư 24 công trình, chiếm 40,6%. Thực tế cho thấy, đối với các công trình các chủ đầu tư sau khi hoàn thành được tập huấn quản lý, vận hành, duy tu, bão dưỡng, thành lập Ban quản lý và có thu phí sử dụng nước đang phát huy tác dụng tốt như công trình cấp nước dinh hoạt Vùng Kho, Ba Ngào, thôn KaLu, Chân Rò… Đặc biệt, các công trình cấp nước sinh hoạt thị trấn Krông Klang và các xã Mò Ó, Hướng Hiệp hoàn thành từ năm 2003 được nhà tài trợ ADB đánh giá cao về hiệu quả công trình. Những công trình cấp nước hiệu quả thấp phần lớn do chưa tổ chức Ban quản lý và có cơ chế thu phí từ người sử dụng nước để duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên nên đất cát bồi lắng trước lòng hồ không được nạo vét, bể lọc không súc rửa định kỳ, một số đoạn ống trên các tuyến nhánh bị hư hỏng, vòi nước, van phao bị mất, hư hỏng nhưng không được sửa chữa, thay thế. Trách nhiệm này thuộc về người hưởng lợi từ các dự án cấp nước sinh hoạt. * Giải pháp chấn chỉnh tình trạng khai thác vàng, khoáng sản trái phép ở sông Đakrông để giải quyết dứt điểm tình trạng xói lở, ô nhiễm môi trường và bồi lấp ở khu vực hạ lưu? Liên quan các giải pháp chấn chỉnh tình trạng khai thác vàng trái phép trên sông Đakrông để giải quyết dứt điểm tình trạng xói lở, ô nhiễm môi trường và bồi lấp ở khu vực hạ lưu, ông Võ Trực Linh, Giám đốc Sở TN-MT trả lời: Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, đẩy đuổi các lực lượng để chấn chỉnh, ổn định tình hình. Tuy nhiên, lực lượng mỏng, kinh phí thiếu, địa bàn quản lý phức tạp nên tình hình khai thác vàng, khoáng sản trái phép chưa chấm dứt. Về khai thác vàng ở A Vao, Tà Long (Đakrông), Vĩnh Ô (Vĩnh Linh), khu vực này mới giao cho 2 doanh nghiệp thăm dò nên chưa có chủ quản lý trực tiếp, vùng rừng núi cao nên việc đẩy đuổi càng khó khăn hơn. Vàng sa khoáng chủ yếu ở một số đoạn của sông Đakrông trữ lượng không đáng kể, chủ yếu trộn lẫn trong cát sạn. Tỉnh có cho phép một số doanh nghiệp khai thác cát sỏi tận thu sa khoáng vàng; ngoài ra, nhân dân cũng tự ý tham gia khai thác. Do đó, môi trường nước sinh hoạt bị bẩn đục, an ninh trật tự chưa bảo đảm. UBND tỉnh đã có đoàn công tác liên ngành kiểm tra thực tế, họp thống nhất dừng việc tận thu sa khoáng vàng, nhằm ổn định tình hình và bảo vệ môi trường. Về cát sạn, việc khai thác trái phép thường xảy ra ở hạ lưu hệ thống sông Thạch Hãn, Bến Hải, chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân vi phạm, chứ chưa thấy đơn vị, tổ chức vi phạm. Với yêu cầu phải thăm dò, đánh giá trữ lượng, xin lập hồ sơ cấp phép nên hộ, cá nhân chưa đủ khả năng thực hiện, từ đó phát sinh tự ý khai thác không phép. Tuy lực lượng các ngành, các cấp thường xuyên đẩy đuổi nhưng do hoạt động nhỏ lẻ, về đêm... nên khó ngăn chặn triệt để. Đề nghị Nhà nước có nhiều biện pháp tạo điều kiện cho lực lượng này vào khai thác khu vực được cấp phép theo một quy trình thống nhất để giải quyết dứt điểm tình trạng xói lở, ô nhiễm môi trường và bồi lắp ở khu vực hạ lưu. N.T.H (lược ghi)