Tạo lực đẩy mới cho công nghiệp - thương mại Quảng Trị
(QT) - Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, sức mua giảm, thị trường bị thu hẹp, nên nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, các dự án đầu tư do thiếu vốn phải giãn tiến độ đã gây ảnh hưởng đến năng lực sản xuất, kinh doanh của ngành Công thương tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hai khu công nghiệp (KCN), một khu kinh tế (KKT) và àng chục cụm CN-TTCN tại các địa phương trên địa ...

Tạo lực đẩy mới cho công nghiệp - thương mại Quảng Trị

(QT) - Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, sức mua giảm, thị trường bị thu hẹp, nên nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, các dự án đầu tư do thiếu vốn phải giãn tiến độ đã gây ảnh hưởng đến năng lực sản xuất, kinh doanh của ngành Công thương tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hai khu công nghiệp (KCN), một khu kinh tế (KKT) và àng chục cụm CN-TTCN tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, chính sách khuyến công phù hợp, đồng thời chú trọng quy hoạch, xây dựng các vùng nguyên liệu như sắn, gỗ rừng trồng…để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp phát triển. Đặc biệt một số công trình, dự án như thủy lợi-thủy điện Quảng Trị, Nhà máy gỗ ván MDF VRG, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, Nhà máy nghiền zircon siêu mịn, Công ty may Hòa Thọ-Đông Hà đã và đang hoạt động có hiệu quả góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng đối với ngành công nghiệp Quảng Trị. Một số sản phẩm như gỗ MDF, nhựa thông, săm lốp, nước tăng lực đã tạo được uy tín về chất lượng nên không chỉ cung ứng thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Ngoài các sản phẩm truyền thống như tấm lợp, xăm lốp xe máy, phân bón NPK, xi măng…có không ít sản phẩm của một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nhưng bước đầu đã khẳng định được uy tín và thương hiệu trên thị trường như que hàn Xuyên Á, xi măng PC30, may xuất khẩu, sản phẩm cơ khí, dầu thông...

Đóng gói sản phẩm gỗ xuất khẩu ở Công ty CP gỗ MDF VRG Quảng Trị

Nhìn chung trong năm 2012, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh duy trì được sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ ổn định, có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2011 như: Tinh bột sắn ước đạt 69.000 tấn, tăng 48,06%; dầu nhựa thông đạt 865 tấn, tăng 36,01%; nước hoa quả đạt 6,57 triệu lít, tăng 27,33%; quặng zircon và tinh quặng zircon đạt 5.45 ngàn tấn, tăng 27,04%...Các sản phẩm có mức tăng trưởng ổn định như điện sản xuất đạt 309 triệu kwh, tăng 3,34%; gỗ MDF đạt 78,84 ngàn m3, tăng 0,44%; phân bón NPK đạt 28,5 ngàn tấn, tăng 0,4%. Trên lĩnh vực thương mại, năm 2012 kinh doanh thương mại duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 15.545 tỷ đồng, tăng 23,26% so với năm 2011 và ước đạt 99,65% so với kế hoạch năm 2012. Trong đó, thương nghiệp đạt 13.339,13 tỷ đồng, tăng 28,31%; doanh thu khách sạn nhà hàng đạt 1.518,29 tỷ đồng, tăng 21,08%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 27,1 tỷ đồng, giảm 15,13%; doanh thu dịch vụ đạt 661,3 tỷ đồng, tăng 10,28% so với cùng kỳ năm trước. Năm qua tỉnh Quảng Trị đã tổ chức thành công Hội chợ Công Thương miền Trung- Tây Nguyên - Nhịp cầu xuyên Á năm 2012 với quy mô gần 500 gian hàng của trên 280 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước tham dự, thu hút hơn 70.000 lượt khách tham quan mua sắm, tổng giá trị giao dịch tại hội chợ trên 20 tỷ đồng. Triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu, thông qua hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, thương mại. Mặc dù tốc độ tăng trưởng về công nghiệp thương mại trong những năm qua khá rõ nét nhưng tỷ trọng công nghiệp trong GDP của tỉnh vẫn còn thấp. Trước hết là do quy mô sản xuất của các doanh nghiệp còn nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, khả năng huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển còn ít; chưa có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại và các sản phẩm có sức cạnh tranh cao; chất lượng quy hoạch, kế hoạch chưa cao, thiếu tính dự báo. Một số dự án lớn đề ra trong chương trình phát triển triển khai chậm hoặc không thực hiện được...ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành công nghiệp.

Gian hàng trưng bày sản phẩm CN-TTCN Quảng Trị tại Hội chợ thương mại miền Trung-Tây Nguyên 2012

Do đó, tỉnh Quảng Trị cần có những định hướng cơ bản trong giai đoạn tới là tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng nhiều lao động và bảo vệ môi trường. Chú trọng các ngành mà Quảng Trị có lợi thế như chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống, sản xuất vật liệu xây dựng và xi măng, khai thác chế biến khoáng sản, nước khoáng và khí đốt, hóa chất phân bón, cơ khí và sản xuất sản phẩm từ kim loại, cấp điện và năng lượng, các ngành may mặc, giày da, lắp ráp điện, điện tử, điện lạnh. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư lớn để tạo ra các cơ sở công nghiệp chiến lược trong tỉnh. Đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ mới, hiện đại, cải tiến máy móc thiết bị, tạo sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Kết hợp phát triển công nghiệp qui mô lớn, vừa và nhỏ, phát triển ngành nghề nông thôn. Tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm kêu gọi, xúc tiến các dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị như các dự án Nhà máy Nhiệt điện than 1.200MW (EGATi), Nhà máy xử lý khí và hóa dầu (Công ty One Asean Development Co.Ltd), phát triển hạ tầng Cảng biển Mỹ Thủy.

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2012 ước đạt 5.033,56 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2011 và ước đạt 93,7% so với kế hoạch năm. Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ ước đạt 390,2 tỷ đồng, tăng 9,16%; công nghiệp chế biến ước đạt 4.071,2 tỷ đồng, tăng 13,51%; sản xuất tập trung và phân phối điện ước đạt 492,56 tỷ đồng, tăng 6,04%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác, nước thải ước đạt 79,6 tỷ đồng, tăng 14,11%.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Lê Quang Vĩnh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm: “Ngoài chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm, ngành tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư, BQL Khu kinh tế và UBND các huyện, thị, thành phố đôn đốc triển khai các dự án quan trọng trên địa bàn như: Dự án nhà máy gỗ MDF công suất 120.000 m3 tại KCN Quán Ngang; Nhà máy sản xuất bột giấy của Công ty Cổ phần Giấy V tại KCN Tây bắc Hồ Xá; dự án Tổng kho xăng dầu Cửa Việt của Công ty TNHH Hưng Phát và các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, nắm tình hình đề xuất tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, Chỉ thị số 13/CT-BCT của Bộ Công Thương. Phối hợp với các ngành liên quan rà soát, đánh giá các dự án đầu tư vào các KCN, KKT; rà soát và báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công thương tình hình hoạt động các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp trên địa bàn; tổ chức đoàn doanh nghiệp khảo sát nguyên liệu tre nứa, gỗ rừng trồng tại các tỉnh Khăm Muộn, Savannakhet, Salavan-CHDCND Lào, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp tác đầu tư vào các dự án sản xuất bột giấy, chế biến gỗ tại Quảng Trị...” Việc chú trọng tạo ra lực đẩy mới đối với phát triển công nghiệp- thương mại là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới nhưng trước hết cần chú trọng phát triển công nghiệp gắn với tăng trưởng bền vững; quan tâm đến mối liên kết vùng trong bối cảnh hội nhập và tự do hóa thương mại. Có như vậy mới tạo ra chỗ đứng công nghiệp-thương mại Quảng Trị trong không gian chung, đặc biệt là trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên và trên Hành lang kinh tế Đông-Tây. Bài, ảnh: Hồ Nguyên Kha