Tiếp tục triển khai cứu trợ và giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt
Đồng chí Nguyễn Văn Bài, TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT- Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, sau ảnh hưởng của cơn bão số 9 là trận lũ lớn đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đề nghị đồng chí cho biết tình hình thiệt hại đối với tỉnh Quảng Trị hiện nay?
 |
Đồng chí Nguyễn Văn Bài (Đ/c N.V.B): Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, từ ngày 27-30/9/2009 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa rất to. Gió trong đất liền cấp 7 đến cấp 9, giật cấp 10. Mực nước ở các sông dâng cao với cường suất lớn, vượt mức báo động 3. Mưa lớn trên diện rộng và cường suất lũ trên các sông lên nhanh đã gây ra ngập sâu và làm chia cắt các vùng. Hệ thống Quốc lộ 1 A bị ngập sâu 0,4-0,8 m trên chiều dài gần 30 km từ Hiền Lương đến Ái Tử. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn Đakrông- Tà Rụt bị ngập 8 điểm, sạt lở 30 điểm. Các tuyến tỉnh, huyện lộ, giao thông nông thôn đều bị ngập sâu và ách tắc giao thông. Nghiêm trọng hơn, mưa lũ đã làm cho 6 người chết và 5 người khác mất tích. Hiện nay số người mất tích ở Hải Lăng và Vĩnh Linh vẫn chưa có thông tin chính xác. Tổng số nhà dân bị thiệt hại đến ngày 1/10/2009 là 49.054 nhà. Trong đó sập, xiêu vẹo 150 ngôi nhà, tốc mái 2055 nhà, bị ngập lụt nặng từ 0,1-3 m là 46.849 nhà, 6 trụ sở công cộng bị tốc mái, 44 trường bị thiệt hại, 62 cột điện bị gãy đổ, 610 trạm biến áp bị mất điện, 10.781,1 km đường dây điện bị đứt. Gió lốc xoáy quật gãy, đổ 15.92,6 ha cao su ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hoá và Triệu Phong, 2.250 ha cà phê đang kỳ thu hoạch bị rụng quả, 98 ha tiêu bị xiêu vẹo, gần 15.000 ha cây lâm nghiệp bị hư hại, 1.101 con gia súc, 46.974 con gia cầm, 135.000 cá giống bị nước lũ cuốn trôi, 664 tấn lương thực bị ướt. Về giao thông, tại thôn A Vao xã A Vao (Đakrông) xảy ra sạt lở núi với khối lượng khoảng 70 m3, tuyến đường A Vao- Tân Đi 2, A Vao- Pa Lin bị sạt lở, sụt lún bồi lấp mặt đường khoảng 40 m. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn Tà Long, Đakrông bị sạt lở hơn 30 điểm, cuốn trôi 2 cầu tràn. Các tuyến đường giao thông miền núi bị chia cắt cục bộ do nước sông Sê Pôn, sông Thạch Hãn dâng cao. Các xã như Ba Lòng, Triệu Nguyên, A Vao, Pa Nang bị ngập lụt và cô lập từ ngày 29/9 đến nay. Tuyến đường Lìa đi các xã Thanh, Thuận, A Túc, A Xing (Hướng Hoá) bị ngập lụt, chia cắt cục bộ. Hiện nay các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện, giao thông nông thôn đều bị ngập lụt nặng, nhiều tuyến bị chia cắt không đi lại được. Các công trình thuỷ lợi hiện đang chìm ngập trong nước chưa thể thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại. Có thể nói, thiệt hại do bão lũ gây ra đối với Quảng Trị là hết sức lớn và sẽ ảnh hưởng không những trước mắt mà còn lâu dài đối với nền kinh tế bởi hiện nay các công trình hạ tầng vẫn còn ngập chìm trong nước lũ, nhân dân ở nhiều vùng đang còn sơ tán chưa thể trở về nhà. PV: Một thực tế cho thấy, nếu không tổ chức tốt việc di dời dân tránh bão số 9 thì Quảng Trị còn phải gánh chịu nặng nề hơn thiệt hại về người và tài sản do lũ ập về quá nhanh với cường suất lớn trong đêm. Vì vậy, đồng chí đánh giá như thế nào về công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động sơ tán dân và bảo vệ tài sản? Đ/c: N.V.B: Có thể nói rằng chưa bao giờ công tác chỉ đạo PCLB lại được triển khai nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt như cơn bão số 9 vừa qua. Ngay khi có thông tin bão sẽ đổ bộ vào đất liền ở khu vực miền Trung, Thủ tướng Chính phủ, UBQGPCLB&TKCN đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương triển khai ngay các phương án phòng chống. Đối với Quảng Trị, Ban PCLB tỉnh đã tổ chức ngay phiên họp khẩn cấp để triển khai kế hoạch về cơ sở.
 |
Sơ tán dân ra khỏi vùng ngập lụt. Ảnh: H.N.K |
Vì vậy tính đến chiều ngày 28/9, toàn tỉnh đã sơ tán hơn 5.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có những nơi như Hải Lăng lực lượng PCLB phải tiến hành nhiều biện pháp buộc người dân phải rời khỏi vùng nguy hiểm. Với phương châm ưu tiên việc cứu dân hàng đầu nên các địa phương đã đồng loạt tổ chức sơ tán dân đến nơi trú tránh an toàn. Do vậy, việc di dời dân và tổ chức chằng chống lại nhà cửa, tài sản trong cơn bão số 9 được xem là cuộc diễn tập lớn giúp người dân chủ động hơn khi cơn lũ bất ngờ ập về trong đêm 29/9/2009. Cần phải nói thêm rằng, từ trước đến nay ở Quảng Trị bên cạnh việc phòng chống bão là đi đôi với phòng chống lũ nên người dân luôn nhận thức được mức độ nguy hại của thiên tai để chủ động đối phó. Khi lũ tràn về, công tác cứu hộ, cứu nạn được triển khai đồng bộ, tích cực. Dưới sự chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng đã triển khai các phương án giúp dân phòng chống lũ, kịp thời sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi nước lũ dâng cao. Nhờ phối hợp đồng bộ phương châm “4 tại chỗ’’ nên đã hạn chế được sự đi lại nguy hiểm khi lũ lớn đang xảy ra, đồng thời chính quyền địa phương và người dân đã có sự chủ động ứng phó. Đó chính là những giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế mức độ thiệt hại về người và tài sản ở trong tỉnh. PV: Hiện nay nước lũ đang rút chậm, trên địa bàn vẫn còn một số địa phương vẫn đang chìm ngập trong nước. Để tiếp tục giúp người dân trong vùng ngập lũ chống chọi với cơn lũ, đồng thời giúp các địa phương khác khắc phục hậu quả của bão lụt, xin đồng chí cho biết một số nhiệm vụ trước mắt cần phải triển khai? Đ/c N.V.B: Hiện nay các huyện như Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh nước lũ đã rút, về cơ bản đã kiểm soát được tình hình lũ lụt. Nhưng ngược lại một số huyện như Triệu Phong, Đakrông và Hướng Hoá nhiều địa bàn vẫn còn ngập chìm và chia cắt. Ở Triệu Phong, các xã như Triệu Thành, Triệu Long, Triệu Thượng, Triệu Hoà hiện vẫn đang chìm trong biển nước. Các xã Ba Lòng, Hải Phúc nước lũ vẫn đang ngập và bị cô lập do giao thông bị cắt đứt. Các xã vùng Lìa nước đã rút nhưng việc đi lại vẫn đang còn khó khăn do đường bị hư hại nặng… Chính vì vậy, nhiệm vụ trước mắt là phải tiếp tục huy động lực lượng ứng cứu các vùng đang gặp nguy hiểm nói trên. Lực lượng vũ trang phối hợp với các ngành Giao thông, Hội chữ thập đỏ tìm mọi cách tiếp cận địa bàn để cứu trợ cho dân. Đối với vùng ngập lụt cần tăng cường các phương tiện tàu thuyền chuyên dụng tổ chức cứu trợ và đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh tình trạng dân bị thiếu đói. Bên cạnh những vùng nguy hiểm cần tiếp tục quan tâm đến đời sống cho người dân đang sống tại các điểm trú tránh. Tuyệt đối nghiêm cấm người dân không được tự ý từ nơi sơ tán về nhà khi nước lũ chưa rút hết. Khuyến cáo người dân ở các vùng ven sông suối không chủ quan đi đánh bắt cá, nhặt củi khi nước lũ xuống để phòng ngừa thiệt hại về người. Yêu cầu các ngành như Giao thông phải huy động toàn bộ lực lượng để khai thông các tuyến đường trên địa bàn nhằm đảm bảo việc đi lại thuận lợi. Ngành Điện cần triển khai phương án kiểm tra thiệt hại và xử lý các sự cố về lưới điện để kịp thời cung cấp điện cho dân. Sở Y tế cần chủ động triển khai công tác phòng ngừa dịch bệnh, tập trung xử lý nguồn nước bị ô nhiễm để người dân có nước sinh hoạt, xử lý xác chết động vật, xử lý môi trường và phòng ngừa các loại dịch bệnh sau lũ. Nhiệm vụ trong thời gian tới là vô cùng nặng nề, vì vậy yêu cầu các sở, ban ngành cần có sự phối hợp tích cực với chính quyền các địa phương để triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt giúp, người dân sớm ổn định cuộc sống và tổ chức lại sản xuất. PV: Xin cảm ơn đồng chí. Tân Nguyên (thực hiện)