> “Nghe Đảng khuyên, bỗng thấy mình giàu” *. Bài 1: Phục sinh chất lượng và danh tiếng tiêu Cùa từ một nghị quyết
(QT) - Đã gần năm mươi năm sau ngày giải phóng 9/7 (1968-2017) và hơn ba mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, một quãng thời gian dài đủ để huyện miền núi Hướng Hóa cởi bỏ nét hoang sơ, đìu hiu, nước độc, rừng thiêng, hóa thân thành những thị tứ miền sơn cước, một “miền đất quả vàng” trong cuộc chiến đấu mới mẻ và không kém phần khốc liệt là vượt qua đói nghèo, lạc hậu, vươn lên ấm no, giàu có, tạo lập cuộc sống mới đàng hoàng hơn, văn minh hơn.
![]() |
Người dân Hướng Hóa thu hoạch cà phê |
Để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững, ngay sau ngày hòa bình, Hướng Hóa bắt tay vào việc đẩy mạnh cuộc vận động định canh định cư gắn với thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo. Coi trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, từ đó xác định ba tiểu vùng kinh tế: Vùng kinh tế phía Bắc phát triển cây cà phê, hồ tiêu, trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc; vùng kinh tế đường 9 phát triển cây cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và phát triển thương mại - dịch vụ; vùng kinh tế phía Nam phát triển cây cao su, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Do điều kiện thiên nhiên ưu đãi nên giữa miền đất nắng gió khắc nghiệt như Quảng Trị, riêng Khe Sanh, Hướng Hóa lại đứng được ra ngoài sự hoành hành của thiên tai để dịu mát quanh năm. Bởi vậy, các loại cây ăn trái được xem là đặc sản các vùng, miền của đất nước đều có thể trồng được tại Khe Sanh. Từ xoài, bơ, nhãn lồng, mít mật đến chôm chôm, sầu riêng… đều có thể ra hoa kết trái trên đất này. Riêng ba loại cây chủ lực là cà phê, cao su, hồ tiêu liên tục được nhân dân đầu tư mở rộng diện tích. Đặc biệt từ trăm năm trước, sau một thời gian tồn tại những đồn điền trồng cà phê của người Pháp trên miền biên viễn Hướng Hóa, chất lượng và danh tiếng cà phê Khe Sanh đã được người tiêu dùng biết đến, nhất là khách hàng phương Tây.
![]() |
Sản phẩm cà phê Khe Sanh |
Tuy nhiên, sự tàn phá của chiến tranh và một giai đoạn dài tập trung phát triển cây lương thực, cây cà phê ở Hướng Hóa không được chú trọng đầu tư. Khi nền kinh tế đã bắt đầu có chiều hướng ổn định, đời sống người dân đã cải thiện một bước, việc làm thế nào để phục dựng lại thương hiệu, uy tín, sức vóc, vị thế của cây cà phê, biểu tượng của vùng đất nơi miền Tây Quảng Trị này luôn là nỗi trăn trở thường trực đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hướng Hóa.
Một dấu ấn trong bước khởi đầu tập trung chăm lo cho cây cà phê, đó là vào ngày 18/7/1996, Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hóa (khóa XII) đã ra Nghị quyết số: 2BNQ/HU về đẩy mạnh phát triển sản xuất cây công nghiệp (chủ yếu là cây cà phê) đến năm 2000. Nghị quyết đã xác định phát triển cây công nghiệp (chủ yếu là cây cà phê) sẽ khai thác triệt để thế mạnh về điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu) của địa phương, vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa giải quyết được chính sách xã hội, tạo điều kiện để Hướng Hóa thực hiện công tác xoá đói, giảm nghèo, ổn định định canh, định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Huyện cũng đã xác định cây cà phê chè catimo là loại cây đặc sản của địa phương, vì cây cà phê này vừa có giá trị kinh tế cao, nhanh thu hoạch, tuổi thọ cây khá lâu (từ 15 - 20 năm), thích nghi với các điều kiện tự nhiên. Đây là cây có ý nghĩa chiến lược quan trọng, giúp người dân có thu nhập cao, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, việc trồng cây cà phê mít sẽ tận dụng hết diện tích những nơi không thể phát triển được cà phê chè catimo. Coi việc phát triển cây cà phê mít như là loại cây đa tác dụng vì dễ trồng, vốn đầu tư ít, kỹ thuật thâm canh không đòi hỏi khắt khe. Khi cây từ 5 năm tuổi trở lên sẽ tăng độ che phủ của hệ thảm thực vật.
Như vậy trồng cà phê mít vừa có giá trị kinh tế, vừa có ý nghĩa như cây lâm nghiệp, do đó có thể huy động vốn trồng rừng của chương trình 327 và các chương trình tài trợ khác. Trên địa bàn Hướng Hóa, năm 1995 trở đi là thời điểm cây cà phê chè catimo bắt đầu có sự đầu tư phát triển khá nhanh và tương đối đều ở các tiểu vùng phù hợp như tiểu vùng Tà Cơn - Hướng Phùng, Tân Hợp kéo dài đến Tân Lập và vào xã Húc. Bình quân hàng năm (trong 3 năm) phát triển thêm từ 350 - 400 ha. Đưa tổng diện tích cà phê catimo trong toàn huyện lên gần 1.200 ha vào cuối năm 1995, mỗi năm trồng thêm từ 400 - 500 ha.
Phong trào trồng cà phê chè catimo được xã hội hoá khá rộng, nhiều doanh nghiệp, đơn vị tập thể và các hộ gia đình đều có đầu tư để trồng cà phê catimo. Qua trồng thử nghiệm cà phê chè catimo không chỉ phát triển trên đất đỏ ba dan mà còn phát triển ở một số vùng đất khác. Trên một diện tích đất trồng trọt thì trồng cà phê chè catimo cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, cây cà phê mít cũng được duy trì số diện tích, đồng thời cũng đẩy mạnh trồng mới ở một số vùng có độ dốc cao, đất bạc màu không thích hợp với cây cà phê chè catimo.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ huyện Hướng Hóa đã xác định cơ cấu kinh tế của huyện từ giai đoạn 1996- 2000 là: “Nông - lâm nghiệp, sản xuất dịch vụ thương mại”, trong đó đặc biệt coi trọng việc phát triển cây công nghiệp, chủ yếu là cây cà phê. Quan điểm chỉ đạo là tập trung mọi nguồn lực để phát triển cây cà phê chè catimo ở những nơi có điều kiện phù hợp, nhằm khai thác có hiệu quả thế mạnh của đất đỏ ba dan. Mở rộng việc phát triển cây cà phê mít ở những vùng không thể phát triển được cà phê chè catimo. Tận dụng những vùng có đất xấu để trồng cà phê mít nhằm tăng độ che phủ của hệ thảm thực vật, góp phần cải tạo và bảo vệ môi trường sinh thái.
Trên cơ sở đã được quy hoạch, đa dạng hoá các hình thức liên doanh, liên kết sở hữu của các thành phần kinh tế, nhằm huy động được mọi nguồn lực, kỹ thuật và vốn để phát triển cây cà phê. Xây dựng các điểm sơ chế sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để khuyến khích sản xuất phát triển. Huyện sẽ tiếp tục điều tra, khảo sát chính xác để quy hoạch cụ thể các tiểu vùng trồng các loại cây công nghiệp thích hợp. Khẩn trương giao đất theo Nghị định 64/CP để nhân dân chủ động, an tâm phát triển sản xuất. Phấn đấu đối với tiểu vùng Tà Cơn - Hướng Phùng trồng mới 1.000 ha cà phê chè catimo; tiểu vùng từ Tân Hợp, Khe Sanh, Húc, Tân Liên, Tân Lập trồng mới 1.000 ha cà phê chè catimo.
Những nơi không có điều kiện để phát triển cà phê chè catimo thì phát triển cà phê mít theo chương trình trồng rừng, phấn đấu trồng đạt 1.000 ha. Đảng bộ huyện cũng đã chỉ đạo các cấp uỷ đảng và đảng viên phải thấy rõ đây là chủ trương lớn của Đảng bộ, chính quyền địa phương, do vậy phải xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hoá nghị quyết này ở địa phương, cơ sở mình. Tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, tổ chức hội nghị để sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nghị quyết. Tính đến ngày 31/12/2016 tổng diện tích trồng cà phê của tỉnh Quảng Trị khoảng 5.000 ha, chiếm 1/7 tổng diện tích cà phê chè của cả nước, chiếm 22% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh, tập trung ở địa bàn huyện Hướng Hóa.
Tổng số hộ trồng cà phê là 8.620 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô chiếm gần 50%, hầu hết là hộ nghèo. Giá trị sản lượng cà phê năm 2015 đạt 5.829 tấn, năm 2016 đạt khoảng 7.000 tấn. Tổng giá trị mang lại trên 300 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp và hộ trồng cà phê. Tuy nhiên thời gian qua, cây cà phê Khe Sanh cũng như một số loại cây chiến lược khác đang đứng trước sự sàng lọc khắc nghiệt của quy luật tự nhiên và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Những năm vừa qua, thị trường cà phê biến động liên tục nên người trồng cà phê luôn thấp thỏm lo âu mỗi khi vào vụ thu hoạch.
Như niên vụ năm 2011 giá cà phê quả tươi đạt 11.000-12.000 đồng/kg, người trồng có lãi cao nên phấn khởi đầu tư chăm sóc vườn. Sang niên vụ 2012 cà phê vừa mất mùa, vừa mất giá, bình quân 6.000- 7.000 đồng/kg nên lợi nhuận thấp. Giai đoạn 2013-2015 giá cà phê sụt giảm kỷ lục, chỉ còn khoảng 3.000- 4.000 đồng/kg, thu hoạch không đủ bù đắp chi phí. Niên vụ năm 2016 giá cà phê tăng lên 10.000 đồng/kg, người trồng cà phê lại hy vọng vào những vụ mùa thắng lợi. Một thách thức lớn nhất đối với cà phê ở Hướng Hóa đó là một số diện tích đáng kể đã được trồng từ rất lâu, có diện tích trồng từ khi người dân lên lập vùng kinh tế mới đến nay vẫn còn đứng chân, trở nên hết sức già cỗi, bị sâu bệnh, năng suất thấp.
Trước tình hình đó, ngày 24/4/2017 UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 837/QĐ-UBND phê duyệt đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020, tính đến 2025, trong đó tập trung vào 10 xã, thị trấn trồng cà phê chủ lực trên địa bàn huyện Hướng Hóa gồm: Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng, Húc và thị trấn Khe Sanh. Diện tích tái canh từ năm 2017-2025 là 1.910 ha. Tổng vốn đầu tư cho tái canh cây cà phê giai đoạn 2017-2025 trên 255 tỷ đồng.
Sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, việc tái canh cây cà phê đang được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, hết sức khẩn trương ở Hướng Hóa vào thời điểm này. Với những nỗ lực vượt bậc trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiên trì thực hiện chiến lược phát triển cây cà phê của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Hướng Hóa, hiệu quả bước đầu đem lại rất khả quan. Một trong số đó là vừa qua, sản phẩm cà phê chè Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, mở ra cơ hội giúp sản phẩm cà phê chè Hướng Hóa đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.
Cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa đang được phục dựng lại thương hiệu gắn với danh tiếng bằng những bước đi ban đầu theo hướng chuyển dần từ xuất khẩu hàng thô sang tinh chế, có hàm lượng trí tuệ và công nghệ cao. Hy vọng trong tương lai gần, thương hiệu cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa sẽ vươn xa ra thị trường thế giới, tiếp thêm động lực cho những người trồng cà phê nơi miền Tây Quảng Trị thực hiện khát vọng đổi đời trên bản làng thân yêu của mình. (Còn nữa)
Đan Tâm
* Một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu