(TTO) - Hôm nay (25-8) sẽ diễn ra cuộc họp mặt chính thức chương trình “Nhớ lời di chúc, theo chân Bác” do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Nghệ An. Hôm qua ngày 24-8 những đại biểu từ khắp mọi miền đất nước - các học giả, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ… đã “theo chân Bác” về làng Sen trong niềm biết ơn và xúc động vô bờ...
Đoàn đại biểu bên tượng đài Bác Hồ ở TP Vinh - Ảnh: H.T.VÂN |
Nắng trưa ngày chớm thu như lắng lại, những đại biểu về dự chương trình “Nhớ lời di chúc theo chân Bác” như cũng lắng lại để nghe đồng vọng từ làng Sen câu chuyện về đất, về người chất chứa yêu thương trên từng bờ tre, ngọn cỏ, liếp vườn nơi từ đó Bác đã ra đi...
Chuyến hành hương ý nghĩa
Đây là một chuyến hành hương mang ý nghĩa đặc biệt với nhiều đại biểu, những con người, những tên tuổi đã dành trọn một phần đời mình để nghiên cứu, sáng tác, bảo tồn bảo tàng về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Tiến Hữu tỉ mẩn chụp từng chiếc mắc đầu võng trong ngôi nhà tranh của Bác ở Hoàng Trù - Ảnh: Lam Điền | Ông Nguyễn Ngọc Truyện ( trái) và quyển sách của mình bày bán tại khu di tích Kim Liên - Ảnh: H.T.V. |
Nhạc sĩ Thuận Yến rưng rưng, vợ ông - nghệ sĩ Thanh Hương - cũng ngân ngấn nước mắt, tiếng sụt sịt vang lên từ những thành viên đoàn hành hương. Chiếc rương ấy lặng lẽ chứng kiến bao cảnh biến động trong ngôi nhà nhỏ bé mà vĩ đại này, chứng kiến lần Bác về thăm nhà năm 1961, với lời xúc động thốt ra: “Tôi không ngờ bà con giữ chiếc rương này khéo quá, đến nay vẫn còn”. Và hôm nay, chiếc rương này vẫn còn nguyên chỗ cũ, chất chứa trùng trùng ký ức thời gian và bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ của Người.
Tìm về các bậc danh nhân Trước khi tham dự nội dung chính của chương trình họp mặt “Nhớ lời di chúc theo chân Bác” (diễn ra hôm nay 25-8), các học giả cũng có chuyến viếng thăm vùng đất học Nghi Xuân với khu di tích Nguyễn Du còn đậm đầy huyền thoại và ẩn chứa nhiều bài học đáng suy ngẫm. Từ khu di tích dòng họ Nguyễn Tiên Điền đến khu thờ và lăng mộ của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, những kiến thức mang tính sử học về gia tộc hay những di sản văn chương để lại cho hậu thế được đoàn đại biểu mang ra chia sẻ cùng nhau, như một cách tiếp cận lại các bậc danh nhân để hiểu thêm về khí tiết, về cách cư xử ở đời... Thông qua những lời thơ còn trong thư tịch cộng với những câu chuyện của vùng miền được người dân truyền miệng cho nhau, những dấu vết tâm linh, kiến trúc và phong thủy, hồn thiêng quê hương của miền đất Nghệ - Tĩnh được mọi người cảm nhận gần hơn, rõ hơn. L.ĐIỀN |
Những người dân bán hàng lưu niệm ở khu di tích Kim Liên sẽ không ngờ có ngày họ gặp một đoàn khách tham quan “kỳ lạ” như vậy, bởi hầu như các tác giả có tên trên các cuốn sách bán ở khu lưu niệm đều là những thành viên đang có mặt trong đoàn đại biểu về dự cuộc gặp mặt “Nhớ lời di chúc theo chân Bác”.
Lời mời chào mua sách cất lên: “Cuốn này viết về thân mẫu của Bác Hồ hay lắm, của ông Chu Trọng Huyến vừa in”, “Cuốn này của ông Trần Minh Siêu này, ông ấy bao nhiêu năm làm nghiên cứu khoa học ở khu di tích quê Bác, nhiều tư liệu quý hiếm lắm”.
Một chị đưa cuốn sách bìa cứng màu đỏ với tựa sách nổi bật Hồ Chí Minh - cứu tinh của dân tộc Việt mời ông Nguyễn Ngọc Truyện mua, ông lão đã 86 tuổi cười rạng rỡ rồi hồn nhiên lấy thẻ... chứng minh nhân dân trong túi áo ra đưa cho chị bán sách: “Tên tui đó, Nguyễn Ngọc Truyện - An Giang nè, đúng chưa?”. Chị hàng sách ở khu lưu niệm hân hoan: “Ôi, thế bác viết cuốn này à, cháu vẫn giới thiệu với khách là cuốn này đầy đủ nhất đấy!”.
Có một điều chị bán sách ở khu lưu niệm chắc chưa biết rằng một ông lão 86 tuổi đã hơn phần tư thế kỷ này chỉ chuyên tâm nghiên cứu về Bác Hồ nhưng đây là lần đầu tiên ông được mời về tham quan quê Bác theo chương trình của báo Tuổi Trẻ . Cũng là lần đầu tiên ông quay lại miền Bắc kể từ năm 1975, khi rời miền đất tập kết để về Nam.
Từng là giáo viên dạy chuyên ngành thương mại, đam mê nghiên cứu về Bác Hồ nhưng phải đến năm 1982, khi về hưu ở quê nhà ông Truyện chú tâm tích cóp tư liệu, gặp gỡ nhiều nhân chứng để cho ra đời hai tập sách có giá trị về Bác: Ra đi Bác dặn còn non nước và Hồ Chí Minh - cứu tinh của dân tộc Việt.
Nâng niu từng phút giữa quê Người
Không chỉ ông Truyện lần đầu về với làng Sen quê Bác mà tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Tiến Hữu, Việt kiều Đức, sống hơn 40 năm ở Đức, vừa về định cư ở VN song tên tuổi ông được nhiều học giả chuyên nghiên cứu về thân thế sự nghiệp của Hồ Chủ tịch biết tới. Đây cũng là lần đầu tiên tiến sĩ Hữu có một cuộc hành hương ý nghĩa như thế này.
Năm 1990, khi đang giảng dạy ở đại học Munich và Đại học Passau (Cộng hòa liên bang Đức), nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, ông Hữu đã tổ chức một hội thảo về “Hồ Chí Minh và phong trào cộng sản Việt Nam” tại đại học Passau với sự tham dự của nhiều giáo sư tên tuổi. Giờ ông Hữu về quê cha đất tổ, định cư tại thị trấn nhỏ Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhưng người trí thức Việt kiều ở tuổi “cổ lai hi” này vẫn tiếp tục nghiên cứu về cuộc đời Hồ Chí Minh.
Cô Kim Chi ( bìa trái ) xúc động kể lại những câu chuyện về Bác Hồ cho cả đoàn - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Với vẻ hồn nhiên như trẻ nhỏ, ăn một củ khoai bùi, chụp một tấm hình hoàng hôn trước mộ Nguyễn Du, ông cũng sung sướng ứa nước mắt. Tiến sĩ Hữu cũng như nhiều thành viên của cuộc gặp gỡ “Nhớ lời di chúc theo chân Bác” đã nâng niu gìn giữ từng phút giây về giữa quê Người!
Có người về lần đầu, có người về nhiều lần, có những tên tuổi mà tác phẩm của họ viết về Hồ Chủ tịch đã trở thành “kinh điển”, nhưng chuyến hành hương về lại quê Bác trong những ngày tháng tám này đã để lại những dấu ấn rất riêng, trĩu nặng niềm biết ơn và xúc động. Như khi lên dâng hương, viếng mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Hồ Chủ tịch, câu chuyện về người mẹ làng Sen từ cuối thế kỷ 19 với đôi chân trần đi bộ vượt chặng đường gần 400 cây số gồng gánh các con vào Huế nuôi chồng ăn học, dẫu đã từng nghe, từng đọc, nhưng chỉ khi về đây, trên núi Động Tranh này, dâng nén nhang thơm trước mộ mới hiểu thêm vì sao nhà thơ Hải Như đã viết câu thơ về Bác: “Ta đến muộn. Đừng lo. Người vẫn đợi/Với Bác Hồ - Người thương nhất kẻ đi sau”...
LÊ ĐỨC DỤC - LAM ĐIỀN
Chuyến xe ký ức “Hiếm có khi nào tôi được tham dự hành trình chung với người đang giữ kỷ lục có nhiều ca khúc về Bác Hồ nhất và một trong những người nghiên cứu sâu nhất về văn chương Hồ Chủ tịch”- nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói khi bước lên chuyến xe khởi hành từ Hà Nội để đi dự buổi họp mặt “Nhớ lời di chúc theo chân Bác”. Ý của anh Phạm Xuân Nguyên muốn nhắc đến nhạc sĩ Thuận Yến và giáo sư Phong Lê (nguyên viện trưởng Viện Văn học thuộc Viện Khoa học xã hội VN). Những câu chuyện, những kỷ niệm về Bác trở thành đề tài sôi nổi mà xúc động trên hành trình từ Hà Nội vào Vinh. Nhà báo Thái Duy (tức nhà văn Trần Đình Vân) bồi hồi nhắc lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ: “Sau khi viết Sống như anh, từ chiến trường miền Nam trở về, tôi được đến gặp Bác Hồ. Cứ ngỡ rằng gặp lãnh tụ thì chúng tôi sẽ được nghe Người chỉ bảo thật nhiều, nhưng Bác đã dành phần lớn thời gian để nghe chúng tôi báo cáo tình hình chiến trường miền Nam. Bác còn ân cần nhắc người cần vụ pha cà phê để tiếp các nhà văn, nhà báo ở chiến trường ra”. Kỷ niệm nối tiếp kỷ niệm. TS Nguyễn Thị Tình (nguyên giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) cũng nhắc lại ký ức khó quên 39 năm trước, khi đó bà Nguyễn Thị Tình là một trong những người được tham dự lần giỗ đầu của Bác Hồ trên quê hương Bác (ngày 3-9-1970). “Chỉ ít ngày nữa thôi là đúng 40 năm Bác đi xa, lúc này đây đọc lại những dòng di chúc của Bác để chuẩn bị cho buổi họp mặt tôi càng xúc động hơn bao giờ hết”- bà Nguyễn Thị Tình chia sẻ cảm nghĩ của mình. Những câu chuyện về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh dường như giúp hành trình Hà Nội - Nghệ An ngắn lại... HÀ THÀNH |
Hội ngộ “Theo gương Bác”
TT - LTS: Những cá nhân, tập thể trong các bài viết trên mục “Theo gương Bác” của báo Tuổi Trẻ suốt hai năm qua sẽ hội ngộ tại Liên hoan các điển hình “Theo gương Bác” trong hai ngày 26 và 27-8 tại TP.HCM (do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành đoàn và Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức).
Anh Nguyễn Ang Quốc Dũng (Đoàn khối Bưu chính viễn thông TP.HCM) hướng dẫn vi tính cho học sinh Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: N.NAM |
Để cuộc sống ý nghĩa hơn
“Qua bài báo, nhiều người đã hiểu công việc của tôi hơn và tạo điều kiện để tôi làm tốt thêm công việc của mình” - thầy giáo dạy văn trẻ Trần Nguyễn Khánh Phong (Trường THPT A Lưới, Thừa Thiên - Huế), nhân vật trong bài “Cắt rừng, lượm truyện cổ” (Tuổi Trẻ ngày 19-7-2008) tâm sự.
Anh đang lưu giữ trong tay những kỷ vật đồng bào Tà Ôi đã khắc họa về chân dung vị lãnh tụ mà họ chưa một lần gặp mặt, nhưng đã tự nguyện mang họ Hồ để tỏ lòng kính phục. Và mỗi kỷ vật Phong đang lưu giữ là những câu chuyện cảm động. Vẫn với chiếc xe đạp, máy ghi âm, máy ảnh và mì gói, cứ rảnh là Phong rong ruổi vào những vùng đồng bào dân tộc sưu tầm truyện cổ, những câu chuyện cùng kỷ vật về Bác Hồ để viết sách với mong muốn: lưu giữ tư liệu để các bạn trẻ và các thế hệ sau hiểu hơn về cội nguồn.
Với Phong, việc dùng thời gian cùng khoản tiền lương giáo viên ít ỏi tiết kiệm được cho công việc sưu tầm này không phải để đánh đổi lấy một thứ gì, mà đơn giản chỉ là nuôi dưỡng đam mê của mình. Nhiều giáo viên trẻ được phân công lên miền núi chỉ mong hết hạn để trở về đồng bằng, trong khi Phong quyết “ở lại vùng rừng núi A Lưới để vừa đi dạy vừa đi sưu tầm”. “Công việc này giúp tôi đi nhiều, gặp gỡ mọi người nhiều hơn để có thể động viên người khác hãy làm những công việc có ích, để cuộc sống có ý nghĩa hơn...”.
Còn chiến sĩ công an trẻ Võ Minh Hải (phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM- PA18, nhân vật trong bài viết “Quy trình... làm hài lòng dân” - Tuổi Trẻ ngày 4-3-2009) góp phần cải tiến quy trình làm việc đơn giản hóa bằng tin học hóa và sử dụng hệ thống tự động.
Thay vì trước đây quy trình làm hộ chiếu cá nhân mất gần hai tháng nay chỉ còn tám ngày. Hải cùng anh em trong tổ công nghệ thông tin đã làm lợi cho đơn vị hơn 300 triệu đồng từ bao thầu hết việc viết phần mềm, áp dụng vào hệ thống tự động cho đơn vị. Mới đây PA18 đã đưa vào sử dụng dịch vụ tin nhắn (SMS), chỉ với một tin nhắn người dân biết được thông tin về thời gian giải quyết cũng như số lượng người đang chờ đợi...
“Cách làm này giúp người dân đến đây chủ động hơn về thời gian” - Hải chia sẻ. Anh cũng cho biết thêm từ ý tưởng của mình và đồng nghiệp, hiện PA18 đang triển khai nối mạng cáp quang về chương trình quản lý tạm trú người nước ngoài và Việt kiều trên địa bàn các quận, huyện góp phần giảm thủ tục khai báo tạm trú cho người nước ngoài và Việt kiều.
“Giảm phiền hà, đơn giản hóa thủ tục để phục vụ tốt hơn cho cộng đồng” dường như trở thành mục tiêu trong những sáng tạo của Hải, như một cách thể hiện lời dạy của Bác: “Tận trung với nước, tận hiếu với dân” - Hải và đồng nghiệp cho biết.
Góp tay và chia sẻ
Sau bài viết “ Không chỉ nghĩ cho riêng mình ” ( Tuổi Trẻ ngày 12-11-2008), nhiều cá nhân, tổ chức đã gọi điện đến anh Nguyễn Ang Quốc Dũng (Đoàn khối Bưu chính viễn thông TP.HCM) để tặng máy tính cũ và tìm hiểu những chuyến đi tặng máy tính để có thể tham gia, góp sức.
Phía sau công việc mang máy tính đến vùng sâu vùng xa để tặng, dạy vi tính cho nhiều bạn trẻ ở tỉnh Bến Tre, Tây Ninh, Bình Phước, Gia Lai... là tâm huyết được cống hiến cho cộng đồng của những kỹ sư trẻ. Niềm vui của họ là ánh mắt và niềm vui được tiếp cận tin học trên những chiếc máy vi tính được tặng của nhiều bạn trẻ vùng xa.
Mới đây, ngày 23-8 dù là ngày nghỉ, những kỹ sư trẻ ấy đã mang những chiếc máy tính được tu sửa về tặng một số bạn trẻ Củ Chi (TP.HCM). Quốc Dũng cho biết thêm: “Chúng tôi cảm thấy vui hơn khi có thêm nhiều người chia sẻ công việc của mình và tìm đến ủng hộ máy tính làm từ thiện. Sau chuyến đi Củ Chi, tiếp đến là Khu chế xuất Linh Trung...”.
Riêng mô hình “Ống tre bác Hồ” của bà con xã Bình Phú, huyện Châu Phú (An Giang - Tuổi Trẻ ngày 3-6-2009); một cách làm theo tính cần kiệm của Bác rất đơn giản đã giúp nhiều hộ nghèo vượt khó đang trở thành thói quen của nhiều phụ nữ nơi đây. Với những đồng tiền tiết kiệm được, chị em còn góp vào để xây nhà tình thương cho các hộ khó khăn hơn. Tình làng nghĩa xóm cũng khắng khít hơn từ phong trào tiết kiệm ấy...
Chị Nguyễn Thị Liền, nguyên chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Phú, cho biết thêm: “Sau khi báo Tuổi Trẻ đưa thông tin về ống tre Bác Hồ, Hội Phụ nữ xã Bình Chánh đã sang tìm hiểu để có thể thực hiện cho chị em xã mình. Huyện cũng đã ghi nhận, đánh giá tốt mô hình này để hi vọng nhân rộng hết 13 xã, thị trấn trong huyện tạo điều kiện cho không ít bà con nghèo nơi đây vươn lên, vượt qua khó khăn”.
KIM ANH - NGUYỄN NAM