Nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân số-KHHGĐ
(QT) - Cùng với các mô hình nâng cao chất lượng dân số triển khai thử nghiệm và phát huy hiệu quả trong giai đoạn 2006-2010, Nghị quyết 06/2010/ NQ-HĐND ngày 20/4/2010 của HĐND tỉnh Quảng Trị về chính sách dân số-KHHGĐ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 06/HĐND) ra đời, trong đó tập trung vào các chính sách khen thưởng; hỗ trợ thù lao và mua BHYT đối với cộng tác viên dân số-KHHGĐ cấp thôn và các chính sách hỗ trợ khác… đã giúp cho người dân, nhất là chị em phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tốt hơn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân số- KKHGĐ đề ra. Đặc biệt, trong hoàn cảnh khó khăn do nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia dân số- KHHGĐ cắt giảm nhiều và Quảng Trị còn là 1 trong 12 tỉnh có mức sinh cao của cả nước thì nhờ nguồn lực đầu tư của địa phương theo Nghị quyết 06/HĐND đã góp phần duy trì có hiệu quả hoạt động công tác dân số ở cơ sở, huy động, thu hút toàn xã hội tham gia thực hiện các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu dân số- KHHGĐ.
 |
Dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con tốt |
Có thể nói, thành công lớn nhất của Nghị quyết 06/HĐND tỉnh là kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số- KHHGĐ ở cơ sở. Với việc ban hành nghị quyết này, Quảng Trị là tỉnh thứ hai trong cả nước, sau thủ đô Hà Nội, kiện toàn bộ máy làm công tác dân số-KHHGĐ cấp xã, phường, thị trấn từ rất sớm, gồm 100% cán bộ được tuyển vào biên chế, giúp cho đội ngũ yên tâm công tác lâu dài. Từ đầu năm 2011, toàn tỉnh đã kiện toàn xong bộ máy làm công tác dân số-KHHGĐ cấp xã, phường, thị trấn; trong đó chuyển 92 cán bộ từng tham gia công tác và tuyển mới 47 cán bộ đạt tiêu chuẩn về trình độ quy định theo Nghị quyết 06/ HĐND vào biên chế làm việc tại trạm y tế của 141 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, giải quyết chế độ đối với cán bộ dân số-KHHGĐ xã, phường, thị trấn phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức theo Quyết định 612/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 06/ HĐND tỉnh, với mức hỗ trợ 730.000 đồng/năm công tác (theo Quyết định 612 của Thủ tướng Chính phủ thì mỗi cán bộ chuyên trách dân số-KHHGĐ cấp xã phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức được nhà nước hỗ trợ 350.000 đồng/năm công tác). Trong năm 2012, tỉnh Quảng Trị đã trích ngân sách 300 triệu đồng phục vụ công tác đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác dân số-KHHGĐ xã, phường, thị trấn và đến hết tháng 11/2012, toàn bộ 141 cán bộ chuyên trách dân số-KHHGĐ này đã hoàn thành việc đào tạo để phiên qua hưởng xếp ngạch lương dân số. Nhìn chung, đến nay đội ngũ cán bộ dân số- KHHGĐ cấp xã cơ bản đã ổn định và bước đầu phát huy vai trò tham mưu cho Ban chỉ đạo công tác dân số- KHHGĐ xã trong việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động trong giai đoạn mới. Đối với cộng tác viên (CTV) dân số thôn, bản, Nghị quyết 06/HĐND ban hành chính sách hỗ trợ 50.000 đồng/người/ tháng và mua 100% bảo hiểm y tế tự nguyện cho CTV dân số không kiêm nhiệm chức danh nhân viên y tế thôn bản (ngành y tế đã mua bảo hiểm y tế cho nhân viên y tế thôn, bản). Số tiền này tuy nhỏ nhưng từ năm 2012 mức hỗ trợ thù lao 50.000 đồng/người/ tháng của Chương trình mục tiêu quốc gia dân số-KHHGĐ đã bị cắt, thì chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh có ý nghĩa góp phần động viên kịp thời đội ngũ CTV dân số, thể hiện tầm quan trọng và sự quan tâm của tỉnh đối với công tác dân số-KHHGĐ. Hiện nay, nước ta đã thoát khỏi nhóm nước nghèo, các tổ chức quốc tế không còn tài trợ các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dân số-KHHGĐ nữa, nên việc kiện toàn bộ máy chuyên trách dân số- KHHGĐ cấp xã và có các chính sách hỗ trợ cho CTV dân số thôn, bản đã khẳng định tầm quan trọng, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác dân số-KHHGĐ, xem đây là bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, từ đó động viên và khuyến khích người dân thực hiện tốt chính sách về dân số-KHHGĐ. Một trong những thuận lợi cơ bản khác là, nếu như trước đây ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ 100 triệu đồng/năm cho công tác dân số-KHHGĐ, chủ yếu hỗ trợ khám điều trị bệnh phụ khoa cho đồng bào dân tộc thiểu số, thì từ khi ban hành Nghị quyết 06/HĐND, năm 2011 ngân sách tỉnh đã đầu tư nguồn lực và hỗ trợ các chính sách 4,9 tỷ đồng cho các hoạt động như: Hỗ trợ thù lao và mua 100% bảo hiểm y tế cho CTV dân số thôn, bản; hỗ trợ khám và điều trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản; hỗ trợ hoạt động nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc y tế tại địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung chênh lệch định mức kỹ thuật dịch vụ cho đối tượng tự nguyện đình sản giữa kế hoạch trung ương và thực tế của địa phương... tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và thụ hưởng tốt hơn các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ. Nguồn lực đầu tư và thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết HĐND tỉnh tăng lên theo từng năm, cụ thể năm 2011 là 4,9 tỷ đồng, đến năm 2012 tăng lên 7 tỷ đồng, năm 2013 là 8,8 tỷ đồng và năm 2014 là 10,3 tỷ đồng. Nhờ nguồn lực đầu tư này đã duy trì có hiệu quả các hoạt động, cơ bản phấn đấu đạt các mục tiêu theo nghị quyết đã đề ra. Đặc biệt, chính sách khuyến khích mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên, nêu gương và khen thưởng kịp thời bằng các công trình phúc lợi cho các làng có thành tích 3 năm, 5 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên theo Nghị quyết 06/HĐND tỉnh, đã tạo được không khí thi đua thực hiện tốt các chính sách về dân số-KHHGĐ. Từ năm 2001 đến nay đã có 45 làng được UBND tỉnh khen thưởng theo quy định của Nghị quyết 06/HĐND tỉnh với tổng kinh phí 1,05 tỷ đồng, trong đó có 15 làng có thành tích 5 năm liền không sinh con thứ 3 và 20 làng có thành tích 3 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Thực tiễn mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên đã huy động đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia, từ trưởng các họ tộc, chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín… tham gia tuyên truyền về công tác dân số, tạo dư luận xã hội rộng lớn ủng hộ chính sách dân số- KHHGĐ. Đây là cơ sở vững chắc để thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác dân số- KHHGĐ, thể hiện sự vào cuộc có hiệu quả của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân sau một thời gian lúng túng trong việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy làm công tác dân số-KHHGĐ. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số, từ năm 2010 đến nay, ngành y tế đã xây dựng, nâng cấp các cơ sở dịch vụ và trang cấp trang thiết bị y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và công tác chăm sóc SKSS/ KHHGĐ nói riêng từ tuyến tỉnh đến tận tuyến xã. Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ các trạm y tế xã, phường, thị trấn không ngừng được nâng lên, giúp họ chủ động trong thực hiện các dịch vụ tại chỗ, bảo đảm cung cấp dịch vụ an toàn, thuận tiện, kịp thời và chất lượng tốt cho người dân. Thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác dân số- KHHGĐ, việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ được chuyển dần từ bao cấp sang tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai (sản phẩm có trợ giá của nhà nước). Năm 2014, tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai miễn phí giảm xuống còn 80% đối với địa bàn miền núi, vùng biển và 60% đối với khu vực đồng bằng, thành thị. Song song với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, Sở Y tế chỉ đạo Chi cục Dân số- KHHGĐ triển khai đồng bộ các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; đề án tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; đề án giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; mô hình tư vấn chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng..., bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống. Dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi quy mô, tốc độ tăng trưởng dân số, sự phân bố dân cư và nguồn nhân lực phù hợp và tác động tích cực đến sự phát triển. Nghị quyết 06/HĐND của HĐND tỉnh với những chính sách và giải pháp triển khai đồng bộ, là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân số- KHHGĐ, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu dân số và phát triển trong giai đoạn hiện nay. Bài, ảnh: KHÁNH NGỌC