“Võ Văn Kiệt-người thắp lửa”
QTO - Sau ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời (năm 2008), đã có nhiều cuốn sách viết về ông, tiêu biểu như: “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam”; “Võ Văn Kiệt - một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước, vì dân” (Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia); “Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt” (NXB Văn hóa - Văn nghệ); “Những câu chuyện về anh Sáu Dân” (NXB Thông tin) và nhiều quyển sách khác. “Võ Văn Kiệt - người thắp lửa” (NXB Trẻ), dày 543 trang của nhiều tác giả là một trong những cuốn sách gây ấn tượng, thu hút nhiều người đọc.

“Võ Văn Kiệt-người thắp lửa”

Sau ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời (năm 2008), đã có nhiều cuốn sách viết về ông, tiêu biểu như: “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam”; “Võ Văn Kiệt - một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước, vì dân” (Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia); “Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt” (NXB Văn hóa - Văn nghệ); “Những câu chuyện về anh Sáu Dân” (NXB Thông tin) và nhiều quyển sách khác. “Võ Văn Kiệt - người thắp lửa” (NXB Trẻ), dày 543 trang của nhiều tác giả là một trong những cuốn sách gây ấn tượng, thu hút nhiều người đọc.

“Võ Văn Kiệt-người thắp lửa”

Cuốn sách này khi in ra có số lượng khá lớn (3.000 bản) nhưng chỉ 10 ngày sau đã phải tái bản thêm 3.000 cuốn. Đến thời điểm hiện nay thì NXB Trẻ đã tái bản lần thứ 5. Nói như thế để thấy rằng Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn sống và cả khi đã mất vẫn có sức hút lớn. Cuốn sách có 4 phần. Phần 1 ghi lại những nét chính trong quá trình hoạt động của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Phần 2, phần 3 là bài viết của những người từng tiếp xúc, gần gũi, nhiều lần được làm việc với ông, trong đó có bài của những vị lãnh đạo như nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và nhiều bài viết của các chuyên gia, nhà văn, nhà báo… Phần 4 là những trang viết của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

“Võ Văn Kiệt-người thắp lửa”

Đọc sách thấy rõ ông là vị thủ tướng có trái tim lớn, luôn gần gũi, lắng nghe mọi người từ nông dân, công nhân, người lao động đến các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ. Ông luôn trải lòng cùng mọi người, rất thông cảm, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, éo le.

Sau ngày giải phóng (1975), một số trí thức miền Nam vì nhiều lý do đã tìm đường ra nước ngoài, ông không oán trách mà luôn tìm hiểu để động viên họ ở lại giúp cho nước nhà. Nếu lỡ có người ra đi bị bắt, lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì ông cũng hết lòng giúp đỡ. Trong bài “Tôn trọng trí thức, phát huy trí thức”, tác giả Võ Quốc Tuấn cho rằng ông hết sức quan tâm đến cuộc sống riêng tư, đến thân phận mỗi con người.

“Ông đã cư xử đầy tình người với GS. Chu Phạm Ngọc Sơn khi biết giáo sư có một người con vượt biên không thành bị bắt. Ông Võ Văn Kiệt giao cho cán bộ giúp việc trực tiếp đi làm lại hộ khẩu và sổ gạo cho họ”.

Những năm đó, không ít người có cái nhìn mặc cảm về “người bên này, bên kia chiến tuyến” nhưng ông Võ Văn Kiệt luôn có cái nhìn rộng rãi, bao dung. Chuyện kể sau năm 1975 có đôi trai gái yêu nhau nhưng vấp phải sự phản đối của nhà trai. Lý do chàng trai là con của một cán bộ cao cấp trong quân đội của cách mạng, còn cô gái là con của một viên trung tá chế độ cũ đang học tập cải tạo. Chàng trai cương quyết lấy cô gái làm vợ nhưng gặp bế tắc.

Chuyện này đến tai ông Sáu Dân, thấu hiểu hoàn cảnh của hai đứa trẻ, ông Sáu đã ra tay giúp đỡ. Ông trực tiếp gặp và thuyết phục người vợ của đồng đội cũ để đôi trẻ được đến với nhau vì yêu nhau thật lòng. Thấy ông phân tích có lý, có tình nên phía nhà trai đồng ý cho hai người lấy nhau. Đến nay, đôi vợ chồng đó đã định cư ở Canada và có cuộc sống hạnh phúc. Một chi tiết nhỏ nhưng cho thấy trái tim yêu thương, tấm lòng nhân hậu, bao la của vị thủ tướng.

Ông từng nói một câu nổi tiếng: “không ai chọn cửa mà sinh ra”. Cái tình, cái nghĩa đó đã cảm hóa bao nhiêu người để họ đứng về phía ông, hỗ trợ, giúp đỡ ông đưa đất nước từng bước thoát ra khó khăn. Do hoàn cảnh chiến tranh, ông không được học hành nhiều nhưng lại là người quyết định một cách đúng đắn các chủ trương, chính sách lớn; chỉ đạo, đặt nền móng cho sự phát triển của nhiều ngành nghề, lĩnh vực sau này…

Đọc sách “Võ Văn Kiệt - người thắp lửa”, có cảm tưởng ông đi đến đâu, chỉ đạo việc gì thì ở đó như bật sáng lên, có sức sống mãnh liệt. Bài “Chú Sáu Dân với Báo Tuổi Trẻ” của tác giả Trương Anh Dũng cho thấy vai trò, đóng góp to lớn của ông đối với sự phát triển của Báo Tuổi Trẻ. Tác giả cho biết những năm cuối thập kỷ 70, của thế kỷ XX, mỗi tuần Báo Tuổi Trẻ chỉ phát hành 1 số; số lượng in cũng hạn chế. Nhiều người muốn đọc cũng không có báo.

Vì sao phát hành ít? Vì lúc đó giá báo, giấy in báo được ấn định từ trên xuống, mỗi tháng chỉ được cung cấp 1,5 tấn giấy in báo. Làm việc với ban lãnh đạo của tờ báo, ông đặt câu hỏi “Vì sao trước năm 1975 ai làm báo cũng thấy khá, bây giờ Tuổi Trẻ năm nào cũng ngửa tay xin tiền, xin giấy, cho đồng nào xài hết đồng ấy. Liệu có cách nào để tự lập được không, Tuổi Trẻ phấn đấu tăng số lượng phát hành, tăng kỳ, phải chủ động khắc phục khó khăn, không trông chờ ỷ lại vào trên”.

Tư tưởng chỉ đạo “xé rào, cởi trói” đó cùng với định hướng bản sắc của tờ báo là “ Đỏ-trẻ-Sài Gòn” đã giúp cho tờ báo bật dậy mạnh mẽ, giải quyết được khó khăn về giấy in để tăng kỳ, tăng số lượng phát hành, tăng ấn phẩm, tự chủ về tài chính. Không chỉ bó gọn trong thành phố mà tờ báo phát hành ra toàn quốc và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội.

Đối với ngành ngân hàng, Thủ tướng cũng đã có những can thiệp đúng lúc để ngành ngân hàng bật dậy, phát triển mạnh mẽ. Trong bài “Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cuộc cải tổ ngân hàng” của tác giả Huỳnh Bửu Sơn (chuyên gia kinh tế) cho thấy giai đoạn những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX vô cùng khó khăn. Với chính sách giá - lương- tiền cùng với những lần đổi tiền và các yếu tố khác làm cho đồng tiền mất giá, lạm phát tăng phi mã. Thủ tướng lắng nghe các chuyên gia, nhà kinh tế để lựa chọn ngân hàng và tài chính làm hai mũi đột phá. Chính điều này khiến cho chuyên gia kinh tế khâm phục.

“Tuy không phải là kinh tế gia nhưng ông Sáu đã thấy rõ vị trí quan trọng đặc biệt của hệ thống ngân hàng và tài chính trong công cuộc cải cách kinh tế, nếu hai lĩnh vực này đột phá thành công để mở đường cho đổi mới, việc đổi mới nền kinh tế sẽ vô cùng thuận lợi”, ông Huỳnh Bửu Sơn nói. Nhờ thắng lợi của cải tổ ngân hàng, nền kinh tế nước ta vượt qua cơn khủng hoảng tiền tệ vào những năm 1989, 1990 để chuyển mình phát triển. Kết quả nổi bật theo ông Bửu Sơn là “trong thời gian ông làm Thủ tướng, nền kinh tế Việt Nam có bước tăng trưởng bình quân cao hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó”.

Đối với ngành ngoại giao cũng được khai mở để chủ động hội nhập. Ông Nguyễn Mạnh Cầm trong bài viết “Người đi tiên phong và di sản để lại” cho rằng thời kỳ ông Kiệt làm Thủ tướng, hoạt động ngoại giao vô cùng sôi nổi. Ông là người “mở nút bên trên, nhất là những vấn đề gay cấn”. Ông cùng với nhiều vị lãnh đạo nhà nước, ngành ngoại giao chủ động thăm viếng các nước, thực hiện đường lối đối ngoại “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế”. Một số cán bộ ngoại giao đánh giá cao những đóng góp to lớn của ông nên đề nghị chọn năm 1995 là “Năm Võ Văn Kiệt”, bởi đây là năm đạt được 3 cột mốc quan trọng: Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, Hiệp định khung về hợp tác Việt Nam-EU được ký kết…

Phước An

Phước An