Hoành tráng hay tinh tế sẽ thắng thế?
(TTO) - Sau nửa tháng tranh tài, hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 kết thúc bằng buổi lễ tổng kết và trao giải vào tối 1-12 tại rạp Hưng Đạo.

Hoành tráng hay tinh tế sẽ thắng thế?

(TTO) - Sau nửa tháng tranh tài, hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 kết thúc bằng buổi lễ tổng kết và trao giải vào tối 1-12 tại rạp Hưng Đạo.

Ba cha con người lái đò thầm lặng hi sinh để đưa tráng sĩ Lê Liêm ( áo xanh ) vượt bến Ngũ Bồ - Ảnh: T.T.D.

Dẫu còn một số hạn chế nhưng hội diễn ít nhiều đã mang đến không khí ngày hội cho những người làm nghề và khán giả. Đa số buổi biểu diễn đều tấp nập người xem, nhất là những suất buổi tối. Vở nào vắng lắm thì cũng được 2/3 rạp.

Không chỉ có diễn viên các đoàn đi xem để học hỏi kinh nghiệm mà nhiều nghệ sĩ đã thành danh cũng theo sát như NSND Huỳnh Nga, ĐD Ca Lê Hồng, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Phương Quang, Thanh Phú…, ngoài ra còn có các ca sĩ có chút “dính líu” tới cải lương cũng trở thành “khách quen” như Phương Thanh, Long Nhật… NSND Huỳnh Nga nhận xét: “Nhìn chung hội diễn lần này có khá hơn lần trước từ khâu chuẩn bị, tổ chức đến chất lượng các vở diễn”.

Nếu như ở những ngày đầu hội diễn mọi sự chú ý đều đổ dồn vào vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long của Nhà hát cải lương VN thì càng gần về cuối cuộc đua càng quyết liệt hơn với sự xuất hiện của nhiều vở diễn gây bất ngờ cho khán giả.

Có thể kể đến Sau lũy tre làng (Công ty TNHH DVTM Hoàng Anh Tú). Trong lần ra mắt đầu tiên hồi đầu năm, ấn tượng về vở chỉ là một câu chuyện nhẹ nhàng với chút buồn man mác về một làng quê nghèo.

Nhưng đến với hội diễn, vở đã được viết lại, bồi da đắp thịt cho đầy đặn hơn, nhiều mảng miếng đã được đầu tư khiến câu chuyện có nhiều cao trào với những thực trạng làm nhói lòng người xem như chuyện lấy chồng Đài Loan, nhậu nhẹt bê tha, bán đất bán ruộng… Cảnh trí góp phần làm cho không gian vở diễn thấm đẫm vẻ đẹp của sông nước miền Tây.

Nếu như trong liên hoan tài năng trẻ đạo diễn sân khấu năm 2007, ĐD Nguyên Đạt không mấy gây ấn tượng với vở Người cáo , thì tại hội diễn lần này anh đã làm mọi người bất ngờ với Bến nước Ngũ Bồ (Nhà hát Thế giới trẻ).

Một câu chuyện dung dị, không gian hầu như ít biến đổi, chỉ quanh quẩn bên những bờ lau lách của bến Ngũ Bồ. Cốt chuyện cũng hết sức giản dị, đó là chuyến đò đưa người tráng sĩ Lê Liêm sang Chiêm quốc chiêu tập binh sĩ về chống lại quân Minh đầy bất trắc của cha con ông lão lái đò. Chỉ có 5 nhân vật và họ gần như vô danh đối với lịch sử nhưng vì đất nước họ đã quyết bảo vệ người tráng sĩ dù phải hi sinh thân mình, hi sinh một cách tình nguyện và thầm lặng, không cần làm anh hùng, không cần lưu danh sử sách.

Buổi biểu diễn kết thúc nhưng khán giả vẫn đứng vỗ tay đến gần 15 phút (chuyện hiếm thấy trong hội diễn) bởi vở diễn gây xúc động mạnh và trữ tình như một bài thơ, nói như ông Chu Thơm (đạo diễn từng đoạt giải vàng vở Anh hùng và mỹ nhân trong Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc vừa qua) thì “xem mà lạnh hết cả người”.

Ngoài ra còn có một số vở cũng gây được ấn tượng tốt như Cờ nghĩa Giồng Sơn Quy (Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang), Dấu ấn giao thời (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang)…

Theo dõi hội diễn có người nhận định đây là cuộc đọ sức giữa hoành tráng và tinh tế. Hoành tráng thường thuộc về những vở diễn lịch sử như Trọn đời trung hiếu với Thăng Long, Đế đô sóng cả, Trở về miền nhớ … Còn tinh tế là những vở đi vào chiều sâu, phản ánh những góc khuất trái tim như Mẹ của chúng con, Cổ tích thời hiện đại, Bến nước Ngũ Bồ …

Chờ đợi đang làm tăng dần sự hồi hộp, không biết hoành tráng hay tinh tế, trường phái nào sẽ thắng thế?

LINH ĐOAN