(QT) - Thời gian cách ly toàn xã hội 15 ngày chính là thời điểm quan trọng để tất cả các đơn vị hành chính nhà nước phát huy hiệu quả làm việc trực tuyến qua môi trường mạng. Trước đây, thời gian làm việc có thể bị giới hạn 8 giờ trong ngày và thông thường được tính bằng việc có mặt tại đơn vị. Hiện nay, công chức làm việc “24/7”, sẵn sàng xử lý việc 24 giờ trong 7 ngày để đảm bảo bộ máy nhà nước vận hành thông suốt.
![]() |
Công chức Sở TT&TT sử dụng thiết bị công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin làm việc trực tuyến trên môi trường mạng trong thời gian cách ly toàn xã hội. Ảnh: Minh Anh |
Công nghệ số Việt: Thể hiện tính tối ưu trong thời gian cách ly toàn xã hội
Sáng ngày 1/4/2020, bà Giang Thị Lệ Thủy, chuyên viên Sở Thông tin và Truyền thông vẫn tiếp tục công việc của một công chức nhưng thực hiện tại nhà theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19; Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 31/3/2020 của UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19. Bà Thủy cho biết, làm việc tại nhà hay tại cơ quan đều thuận lợi khi đơn vị sử dụng kênh điều hành tác nghiệp. Trước đây, nếu nói việc công chức phải thực hiện nhiệm vụ “24/7” sẽ rất khó hình dung, bây giờ mọi thứ thể hiện rất sống động. Công văn đến sẽ được xử lý trên kênh điều hành, giao việc cho từng bộ phận. Bên cạnh đó, để đảm bảo thời gian xử lý đối với các công văn khẩn, hỏa tốc, tin nhắn được tiếp tục báo đến cá nhân thụ lý hồ sơ. Chuyển đổi số để đảm bảo mọi hoạt động thông suốt trong thời gian cách ly toàn xã hội trở thành một yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc và mang tính sống còn.
Đối với các đơn vị ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong xử lý, điều hành công việc qua kênh điều hành tác nghiệp, chữ ký số như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công thương... thể hiện tính ưu việt trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội. Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Việc sử dụng thiết bị công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, làm việc trực tuyến qua môi trường mạng được chúng tôi triển khai từ rất lâu. Cán bộ, công chức, viên chức đơn vị có thể thực hiện nhiệm vụ 24/7 (24 giờ trong 7 ngày) mà không hề bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Nhận thấy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi đã kiên trì tham mưu UBND tỉnh triển khai trên phạm vi toàn tỉnh”.
Ngày 30/3 vừa qua, lần đầu tiên, UBND tỉnh (mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Quảng Trị) tổ chức họp trực tuyến với cấp huyện và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo về thực hiện đợt cao điểm phòng chống COVID-19. Điều này với những tỉnh có nguồn lực ứng dụng công nghệ thông tin mạnh thì không mới, nhưng với tỉnh Quảng Trị, nhất là với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch là mới. Chất lượng trực tuyến tốt, âm thanh, hình ảnh rõ nét. Đây là kết quả tham mưu kiên trì, bền bỉ lâu nay của Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị.
Ở cấp huyện, huyện Hải Lăng và Cam Lộ đã triển khai tổ chức họp trực tuyến về tận xã. Dù làm việc ở nhà nhưng các nội dung hỏa tốc đều được triển khai kịp thời, đúng tinh thần chỉ đạo.
Một xã hội phát triển là một xã hội khoẻ mạnh. Xã hội cần các nền tảng, ứng dụng dịch vụ phục vụ chăm sóc sức khoẻ người dân từ xa, kết nối bác sĩ, giảm tải cho các cơ sở khám bệnh. Đối với Trung ương, để giúp người dân nắm bắt được đầy đủ thông tin, các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh từ Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 và Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn và các công ty lớn về công nghệ Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm giải quyết các vấn đề nóng hiện nay, tạo công cụ đắc lực giúp nhà quản lý và người dân chủ động phòng tránh dịch hiệu quả. Ứng dụng khai báo y tế tự nguyện toàn dân NCOVI vừa bổ sung tính năng mới Quét mã QR giúp người dùng chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân với người xung quanh và kiểm tra tình trạng sức khỏe của người đối diện. Ứng dụng đào tạo trực tuyến...
Ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, mỗi xã hội phát triển đều cần những “cú hích” đủ lớn và những yếu tố thay đổi mang tính bước ngoặt. Đây có thể được xem là “thời điểm vàng” để các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số.
Chuyển đổi công nghệ số: Câu chuyện mang tính sống còn
Xã hội rất nhanh chóng duy trì lại tính cân bằng động của mình theo cách này hay cách khác. Mặc dù hạn chế trò chuyện trực tiếp, tương tác trực tiếp nhưng chúng ta có thể sử dụng mạng xã hội nhiều hơn để phục vụ yêu cầu công việc và nhu cầu cá nhân. Thay vì đến quán ăn, chúng ta gọi đồ ăn về nhà và làm việc trên mạng thay vì đến văn phòng. Để giúp cuộc sống tiếp diễn bình thường và thúc đẩy phát triển CNTT, chuyển đổi số, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 25/3/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 16/ CT-BTTTT phát động cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số. Đây là chỉ thị thứ 2 mà Bộ trưởng chỉ đạo toàn ngành Thông tin và Truyền thông cùng vào cuộc phòng, chống COVID-19.
Trong tình huống khó khăn, cơ hội xuất hiện để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số. Để vượt qua thách thức, phát triển và ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt đời sống, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra 10 nhiệm vụ cụ thể như: Phát triển môi trường làm việc số phục vụ nhu cầu công việc, phát triển hệ thống y tế số phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe, phát triển hệ thống đào tạo số phục vụ nhu cầu học tập, phát triển hệ thống tiện ích số phục vụ nhu cầu sinh hoạt; phát triển hệ thống nội dung số phục vụ nhu cầu giải trí; phát triển nền tảng số cung cấp dịch vụ vận chuyển; phát triển hệ thống nhà máy thông minh phục vụ sản xuất; phát triển các nền tảng thanh toán số; phát triển các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng; phát triển cộng đồng hỗ trợ chuyển đổi số Việt Nam...
Trên xã hội số, chúng ta cũng cần được bảo vệ như chính chúng ta trong xã hội thật. Do đó, cần phát triển các giải pháp, ứng dụng, dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, các giao dịch điện tử, xử lý thông tin sai sự thật (fake news).
Một xã hội phát triển không thể thiếu đi các các hoạt động thanh toán và giao dịch tiền tệ. Công nghệ phát triển giúp các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra thuận tiện và an toàn hơn. Chuyển đổi số cũng giúp các nhu cầu sinh hoạt được đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Tường cho biết thêm: “Việc “không tiếp xúc” nên được hiểu là chúng ta cần các ứng dụng hỗ trợ như nhà thông minh, mua sắm trực tuyến, các dịch vụ sửa chữa, giúp việc trực tuyến...Và như vậy, chúng ta cần một hạ tầng số, ở đó mỗi người có thể trao đổi, hội họp trực tuyến, sử dụng các công cụ quản trị số, các dịch vụ lưu trữ dữ liệu, văn phòng trực tuyến”.
Điều quan trọng nhất để chuyển đổi số thành công là thay đổi tư duy, toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Minh Anh