Năm 1972, tròn 16 tuổi, chàng thanh niên Đoàn Xuân Luyến quê ở Triệu Long- Triệu Phong - Quảng Trị xung phong lên đường nhập ngũ vào lực lượng vũ trang địa phương đánh địch ở vùng tạm chiếm. Với khát vọng của tuổi trẻ, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, anh đã cùng với đồng đội quyết tâm chiến đấu với kẻ thù, gìn giữ từng tấc đất quê hương. Hoà bình lập lại, anh trở về đời thường khi trên thân thể không còn lành lặn bởi những vết thương do bom đạn chiến tranh lại phải đối mặt với hoàn cảnh gia đình hết sức éo le. Bà nội và người mẹ thân yêu của anh đã bị bom Mỹ giết hại, để lại người cha luôn đau yếu cùng đứa em bé bỏng. Là người lính cũng đã từng nếm trải qua những giờ khắc hiểm nguy, khó khăn nhất của chiến tranh nhưng về với gia đình, về với quê nhà và chứng kiến hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ, bản thân anh không khỏi hoang mang. Bởi làm gì đây để lo cho cha, lo cho em nhỏ có đủ miếng cơm, tấm áo sống qua ngày? Nhưng cũng chính lúc này, nghị lực của người chiến sĩ đã thôi thúc anh đứng vững. Anh đã lao vào làm đủ nghề để kiếm sống miễn sao đó là những nghề lương thiện. Tuy gánh nặng mưu sinh rất vất vả nhưng anh vẫn nuôi dưỡng ước mơ từ thời trai trẻ của mình là được đi học một ngành nghề nào đó để ổn định cuộc sống lâu dài. Rồi nguyện vọng của anh đã thành hiện thực khi được cấp trên quan tâm cho đi học lớp y sĩ, sau khi tốt nghiệp anh được phân công lên làm việc tại huyện miền núi Hướng Hoá trong 6 năm, sau đó chuyển vào Huế. Đến năm 1989 anh được tổ chức tín nhiệm và ưu tiên cho đi học tập, công tác ở Bungari. Hết hạn lao động ở nước bạn trở về quê hương, đúng lúc đất nước ta đang bước vào thời kỳ đổi mới. Lúc này, cuộc sống gia đình đã dần ổn định, còn lại một số tiền sau nhiều năm dành dụm được, anh trăn trở với quyết tâm làm giàu chính đáng.
![]() |
Thương binh Đoàn Xuân Luyến thăm tặng quà cho các gia đình chính sách nhân ngày 27/ 7. Ảnh: Xuân Trọng |
Những năm 90, mặt hàng trang trí nội thất và thiết bị điện nước trên thị trường Quảng Trị còn khan hiếm. Sau bao ngày trăn trở suy tính, rồi tích cóp, vay mượn thêm anh mạnh dạn kinh doanh mặt hàng này. Gian nan lắm, nhưng ý chí của một người lính Cụ Hồ đã giúp anh có đủ niềm tin để đứng vững. Do xác định đúng nhu cầu của thị trường, đồng thời kinh doanh trung thực, đúng pháp luật quy định nên cơ sở của anh ngày càng được mở rộng. Năm 1999, từ một cửa hàng nhỏ với số vốn ban đầu chỉ 50 triệu đồng, anh đã thành lập được Công ty TNHH thương mại chuyên sản xuất tôn la phông, tôn lợp mái, xà gồ, vật liệu trang trí nội thất...Từ khi thành lập, Công ty anh luôn trăn trở phải làm như thế nào để bảo đảm công ăn, việc làm cho người lao động và để Công ty làm ăn có hiệu quả, từng bước anh đã mở rộng địa bàn hoạt động không những trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường ngoài tỉnh, thu hút thường xuyên trên dưới 100 lao động. Điều đặc biệt là số lao động được anh nhận vào làm việc chủ yếu là bộ đội, con em cựu chiến binh, gia đình chính sách, gia đình có thu nhập thấp...thường xuyên có thu nhập ổn định từ 1,5 - 2 triệu đồng một tháng. Ăn nên làm ra, anh không quên những đồng đội đã về với đời thường mà cuộc sống còn nhiều khó khăn, hay những gia đình chính sách và người có công cần sự giúp đỡ. Những đồng đội đã từng nhường cơm, sẻ áo năm nào, những người bạn chiến đấu, gia đình đồng đội, gia đình chính sách, miễn ở đâu ai gặp khó khăn, hoạn nạn anh đều đến tận nơi thăm hỏi, quan tâm, động viên cả về tinh thần lẫn vật chất. Trong câu chuyện với chúng tôi, bác Nguyễn Văn Hạc- một gia đình chính sách đang sống ở phường Đông Lương- thị xã Đông Hà không khỏi bùi ngùi xúc động: “Ngôi nhà mà tôi đang ở là do Công ty của anh Đoàn Luyến xây tặng từ năm 2002. Năm ngoái, gặp bão nhà bị tốc hết mái, dù đang đi công tác xa nhưng khi nghe tin, anh Luyến đã cử anh em đưa nguyên vật liệu đến, sửa sang kịp thời. Tình cảm của anh thật là trước sau như một...”. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 10 ngôi nhà tình nghĩa do Công ty của anh xây tặng, các em nhỏ nghèo học giỏi thì được anh tặng xe đạp để đi học, các CCB thì được anh hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, con em của họ thì được anh nhận vào công ty làm việc, các gia đình chính sách trên địa bàn phường 2, phường Đông Lễ, phường Đông Lương năm nào cũng được anh thăm hỏi và tặng quà nhân dịp 27/7 và các ngày lễ tết. Tấm lòng và tình cảm của anh đã được cấp uỷ, chính quyền, bà con nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Có trải qua bao thăng trầm, cay đắng của cuộc đời nên khi có chút thành công, anh thương binh Đoàn Xuân Luyến càng hiểu rõ giá trị của cuộc sống. Vì thế đến hôm nay, khi đã có chút dư giả nhưng anh vẫn luôn giữ cho mình một lối sống giản dị, khiêm tốn, những vật dụng thân quen một thời gắn bó vẫn được anh cất giữ, nâng niu và trân trọng. Anh tâm niệm “đó là những kỷ niệm đẹp, là một thời của tuổi trẻ, tôi muốn lưu giữ để cho con cháu sau này hiểu rằng chỉ có lao động chân chính mới có thể sống thanh thản và làm được nhiều việc có ích hơn.” Hành trình thoát nghèo và vươn lên khẳng định vị trí của mình trên thương trường của anh thương binh- giám đốc Đoàn Xuân Luyến là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Sau gần 10 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH Thương Mại số 1 đã có một chỗ đứng vững chắc trên thương trường, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương mại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích trong phát triển kinh doanh cũng như hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Riêng bản thân anh được Ban chấp hành Hội CCB Việt Nam tặng danh hiệu Hội viên xoá đói, giảm nghèo làm kinh tế giỏi, từ năm 1999 đến năm 2004 anh còn là đại biểu HĐND tỉnh, cùng nhiều Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, các ban, ngành dành tặng cho anh bởi tấm lòng nhân ái. Anh đã và đang thắp sáng lên ngọn lửa ân tình ấm áp, giàu tình thương yêu đối với cộng đồng. Kim Quy