Công bố Chỉ số Cải cách hành chính: Năm 2014 tỉnh Quảng Trị tăng 16 bậc
(QT) - Tại Hà Nội, Bộ Nội vụ vừa công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2014 (tên tiếng Anh là Public Administration Reform Index – PAR Index) của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chỉ số Cải cách hành chính là một công cụ quản lý quan trọng giúp theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực gồm cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách hành chính công và ...

Công bố Chỉ số Cải cách hành chính: Năm 2014 tỉnh Quảng Trị tăng 16 bậc

(QT) - Tại Hà Nội, Bộ Nội vụ vừa công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2014 (tên tiếng Anh là Public Administration Reform Index – PAR Index) của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chỉ số Cải cách hành chính là một công cụ quản lý quan trọng giúp theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực gồm cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách hành chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Thông qua đó giúp các cơ quan, nhà hoạch định chính sách giám sát, đánh giá kết quả thực hiện cũng như các tác động đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời sẽ giúp các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố có cơ sở xem xét, đánh giá điều chỉnh mục tiêu, nội dung cải cách hành chính hàng năm, để đề ra các giải pháp thích hợp đảm bảo ngày càng nâng cao kết quả của công tác cải cách hành chính của bộ, ngành địa phương. Theo quy định tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV, ngày 03/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chỉ số Cải cách hành chính được xây dựng riêng cho cấp bộ và cấp tỉnh. Theo đó ở cấp trung ương có 19 bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện xác định Chỉ số Cải cách hành chính cấp bộ gồm 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần. Ở cấp địa phương là 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh gồm 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần. Việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần được thực hiện theo các phương pháp: Tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, các tỉnh theo thang điểm đã quy định; Bộ Nội vụ thẩm định điểm của các bộ, tỉnh tự đánh giá, chấm điểm với sự tư vấn của Hội đồng thẩm định và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học. Năm 2014, đứng đầu Chỉ số Cải cách hành chính khối bộ, ngành và cơ quan ngang bộ là Bộ Giao thông Vận tải. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước lần lượt xếp vị trí thứ 2 và 3. Ba đơn vị nằm cuối bảng là các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ. Ở khối tỉnh, thành phố, thành phố Đà Nẵng vẫn là địa phương dẫn đầu trong cải cách mạnh mẽ với thứ hạng số một; thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có sự thăng tiến khi được xếp hạng lần lượt thứ 3 (năm 2013 xếp thứ 5) và thứ 6 (tăng 3 bậc so với năm trước đó). Vị trí thứ 2 trong nhóm tỉnh, thành phố thuộc về thành phố Hải Phòng. Các vị trí cuối bảng đều thuộc về các tỉnh miền núi gồm: Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn. Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị năm 2014 đã tăng 16 bậc (từ vị trí thứ 53 năm 2013, lên vị trí thứ 37 năm 2014), thuộc nhóm kết quả khá. Cùng với vị trí đứng đầu trong cả nước về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Trị về công tác cải cách hành chính; thực hiện tốt nhiệm vụ này không chỉ đóng góp cho sự phát triển toàn diện kinh tế- xã hội của tỉnh mà trên hết đó là hướng đến phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. LÊ QUANG VỊNH