Như mạch nguồn chảy mãi
ND - 40 năm trước, được tin Bác Hồ từ trần, ngày 5-9-1969, tại dốc Cu Bồi Già, Ðảng ủy miền Tây Trị Thiên (nay là Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị) tổ chức lễ truy điệu Người. Tại đây, với lòng tin yêu, tôn kính và tiếc thương Người vô hạn, đồng bào, chiến sĩ người Pa Cô, Pa Hy, Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều... đã tự nguyện mang họ Hồ. Ðể tỏ lòng thành và tâm nguyện suốt đời đi theo con đường, làm theo những lời dạy của Người. 40 năm qua, niềm tin yêu thiêng liêng đó vẫn vẹn nguyên trong lòng đồng bào các dân tộc nơi đây. Ký ức của một Anh hùng
 |
Anh hùng Hồ A Vai (bên trái) vui vẻ khi nhắc lại kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ. |
Ðón chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm kề con đường nhỏ mới trải bê-tông ở gần thị trấn A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Anh hùng Lực lượng vũ trang thời chống Mỹ, cứu nước Hồ A Vai, người dân tộc Pa Cô nói, cười không ngớt. Trong câu chuyện, mỗi lần nhắc đến Bác Hồ, nhắc đến những lần gặp Bác, ánh mắt ông lại ngời lên niềm hạnh phúc rất đỗi lớn lao. Từ những năm đầu thập kỷ 60 ở thế kỷ trước, anh du kích A Vai vì ngưỡng mộ Bác Hồ, nhớ ơn Bác Hồ nên đã tự nguyện lấy họ Bác làm họ của mình. Nhờ chiến đấu dũng cảm, lập được nhiều thành tích xuất sắc nên năm 1965 anh du kích Hồ A Vai được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và được đi cùng với đoàn đại biểu các Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn miền nam ra Hà Nội thăm miền bắc xã hội chủ nghĩa. Nhắc lại những năm tháng tràn đầy hạnh phúc đó, giọng Anh hùng Vai đầy xúc động: Lúc ở Hà Nội, đoàn được đến Phủ Chủ tịch gặp Bác. Bác hỏi tôi rất nhiều. Câu đầu tiên là: Cháu Vai là dân tộc gì? Tôi trả lời: Cháu là người dân tộc Pa Cô ạ! Rồi Bác hỏi thăm luôn, đồng bào dân tộc cháu có đủ cơm ăn, áo mặc chưa? Bao nhiêu người biết chữ? Bao nhiêu người biết tiếng Kinh? Bác hỏi câu nào, tôi trả lời câu đó. Tôi báo cáo với Bác về đời sống, về tinh thần cách mạng của đồng bào tôi. Nghe xong Bác rất mừng và dặn dò: Cháu Vai ra ngoài này có điều kiện cố gắng ăn uống để có sức khỏe mà về đánh giặc Mỹ. Cố gắng học tập nhiều, nhất là về văn hóa, cháu phải đọc thông, viết thạo, nói cho đúng dấu...Tôi hứa với Bác là: Cháu sẽ cố gắng ạ! Trước khi trở lại miền nam, tôi lại được gặp Bác một lần nữa. Lần đó, Bác dặn: Về trong đó cháu phải làm gương, làm gì cũng phải làm cho thật tốt, phải hoàn thành nhiệm vụ tập thể phân công. Việc gì dù nhỏ nhất mà trái thì cháu cần phải tránh. Việc gì khó khăn đến mấy mà phải thì cháu cố gắng làm cho bằng được. Về lại miền nam tiếp tục cầm súng đánh Mỹ, cuộc chiến ngày càng khốc liệt hơn, nhưng tôi và đồng đội lòng luôn hướng về miền bắc, về Bác Hồ và đã vượt qua tất cả để đi đến thắng lợi cuối cùng. Ðất nước sạch bóng quân thù, nhớ lời Bác Hồ dặn, Anh hùng Hồ A Vai lại dốc lòng, dốc sức vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Suốt 20 năm làm Chủ tịch UBMTTQ huyện A Lưới, Hồ A Vai luôn là biểu tượng cho sự đoàn kết và hòa hợp giữa các dân tộc ở địa phương. Năm 2001, Hồ A Vai về hưu và đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Bảo trợ xã hội huyện. Mặc dù tuổi cao, nhưng mọi người luôn thấy Anh hùng Vai với chiếc xe đạp cà tàng tới các cơ quan, đơn vị, cá nhân vận động ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi, người già neo đơn... Dũng cảm trong chiến đấu, tận tụy trong mọi công việc được giao, được tất cả mọi người từ già đến trẻ yêu mến và kính trọng, vậy mà khi nói đến việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Anh hùng Hồ A Vai lại tự nhận: Ðọc sách báo, xem truyền hình, nghe đài nói về những đức tính, việc làm của Bác, tôi thấy mình vẫn chưa làm được nhiều việc theo gương Bác. Tôi còn phải cố gắng học theo Bác nhiều hơn nữa. Tấm lòng người Tà Ôi Chia tay Anh hùng Hồ A Vai, chúng tôi ngược đường đến thôn Quảng Mai, xã A Ngo. Quảng Mai có tới hơn 80% số dân là đồng bào người Tà Ôi. Bác Hồ Thanh Xoa đã ở nhà đợi đón chúng tôi cùng với một bình rượu đoác. Sau vài câu chào hỏi xã giao với khách, bác Xoa đi vào trong buồng thay chiếc áo sơ-mi đang mặc bằng chiếc áo truyền thống của đồng bào Tà Ôi rồi bước tới bàn thờ có treo ảnh Bác Hồ thắp mấy nén hương kính cẩn vái lạy. Thắp hương xong, bác Xoa mới thủng thẳng nói: Lần nào thắp hương cúng Bác tôi đều mặc áo của người Tà Ôi vì tôi nghĩ là Bác Hồ thích như thế. Bởi lúc còn sống, Bác Hồ vẫn thường nhắc nhở đồng bào các dân tộc cần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ðến lúc này tôi mới để ý là trong nhà bác có hai bàn thờ. Một cái để thờ tổ tiên và một để thờ Bác Hồ. Hỏi chuyện, bác Xoa cho biết, không riêng nhà bác mà tất cả các gia đình người Tà Ôi ở Quảng Mai, ở A Ngo này đều có bàn thờ Bác Hồ. Ngày lễ, Tết hay ngày cúng giỗ tổ tiên, đồng bào đều thắp hương trên bàn thờ Bác Hồ. Tập quán của người Tà Ôi là vậy, người nào đã trở thành biểu tượng được cộng đồng tôn kính thì đồng bào coi người đó là cùng máu mủ, ruột rà đã khai sinh ra mình và sẽ được lưu truyền mãi từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bác Xoa nguyên là Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy A Lưới. Họ tên thật của bác là Cu Xoa. Bốn mươi năm trước, vào ngày 5-9-1969, trong buổi lễ truy điệu Bác Hồ ở dốc Cu Bồi Già, anh du kích Cu Xoa đã tự nguyện đổi sang họ Hồ. Cho đến hôm nay, cả ba thế hệ trong gia đình bác đều mang họ Hồ. Những gia đình người Tà Ôi ở thôn Quảng Mai cũng thế, bố mẹ mang họ Hồ, con cái mang họ Hồ. Ðến đời cháu cũng mang họ Hồ và các thế hệ sau cũng sẽ như vậy. Theo lời kể của bác Xoa thì người Tà Ôi nói riêng và đồng bào các dân tộc ở A Lưới nói chung đã biết nhiều về Bác Hồ từ những năm năm mươi ở thế kỷ trước. Cuộc sống của người Tà Ôi lúc đó rất cơ cực, quân địch liên tục càn quét, ném bom, phá nát buôn, làng, nương, rẫy nên rất "đói cơm, nhạt muối". Ðảng, Bác Hồ biết bà con khó khăn, vất vả nhiều nên đã gửi muối ăn, cuốc, rựa vào cho bà con để tăng gia sản xuất, chống đói. Ðồng bào vô cùng phấn khởi, quyết một lòng, một dạ theo Ðảng, theo Bác Hồ. Khi Bác Hồ mất, người Tà Ôi đồng lòng lấy họ Hồ để bày tỏ cái ơn sinh thành. Hòa bình lập lại, người Tà Ôi nhớ lời Bác dặn đã đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Cả Quảng Mai, cả A Ngo giờ không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Làng Quảng Mai của người Tà Ôi trở thành Làng văn hóa cấp tỉnh đầu tiên ở A Lưới. Người họ Hồ làm theo tấm gương Bác Hồ Theo chỉ dẫn từ các đồng nghiệp báo Quảng Trị, chúng tôi rẽ vào thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, huyện Ða Krông (Quảng Trị) tìm đến nhà chị Hồ Thị Nhung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Tà Rụt 2- một người mang họ Bác Hồ và là một tấm gương tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tiếc thay, chị không có nhà, nhưng những gì lượm lặt được đã giúp chúng tôi phần nào hình dung được về những việc làm của chị. Sau khi được học tập ba chuyên đề về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Hội Phụ nữ huyện tổ chức, chị rất tâm đắc đức tính cần kiệm của Người. Do đó, chị đã về triển khai ngay cho 58 hội viên trong chi hội học tập tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ. Ðể làm gương cho chị em noi theo, chị đã làm một cái ống nứa, hằng ngày đều đặn bỏ vào đó 1.000 đồng. Từ việc làm của chị Nhung, nhiều chị em trong chi hội học theo làm ống tiền tiết kiệm. Dịp 8-3 năm nay, Chi hội Phụ nữ Tà Rụt 2 tổ chức sinh hoạt và bổ ống tiết kiệm, tổng số tiền thu được là 7 triệu 700 nghìn đồng. Những đồng tiền này trở thành nguồn vốn cho chị em mượn quay vòng đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Kết quả này đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức của phụ nữ người Pa Cô, bởi trước đây chưa có ai biết và làm được như vậy. Chị Hồ Thị Nhung đã vinh dự được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị cử tham dự hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do T.Ư Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Ngược đường lên huyện Hướng Hóa, chúng tôi còn được nghe kể về nhiều tấm gương đồng bào Pa Cô, Vân Kiều làm theo lời Bác Hồ dạy ra sức thi đua lao động sản xuất và trở thành những tấm gương sản xuất giỏi như: gia đình anh Hồ Mơ ở xã A Dơi, anh Hồ Pá Núc ở Hướng Lộc với mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), mỗi năm thu về hàng chục triệu đồng. Gia đình chị Hồ Thị Phan ở xã Hướng Lộc chăm chỉ trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm cũng thu được từ 20 đến 30 triệu đồng... Lao động cần cù và sáng tạo của họ trong sản xuất đã góp phần quan trọng thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong tư tưởng đồng bào các dân tộc nơi đây, để rồi tất cả cùng học hỏi nhau, chung tay vượt khó, làm thay đổi bộ mặt của vùng đất miền Tây Quảng Trị còn nhiều gian khó. Như mạch nguồn chảy mãi, trong huyết quản của những người mang họ Bác Hồ hôm nay vẫn vẹn nguyên tình cảm với Ðảng, với Bác Hồ như thuở ban đầu và luôn tâm niệm: Ðược mang họ Bác Hồ thì phải sống, học tập, chiến đấu, lao động sản xuất cho thật tốt để Bác vui lòng. Bài và ảnh: Duy Hương