Giữ vững danh hiệu thị xã điển hình văn hoá
(QT) - Nằm bên dòng Thạch Hãn êm đềm chảy, thị xã Quảng Trị sau 40 năm giải phóng, cuộc sống đang từng giờ, từng ngày đổi thay mà nền tảng của sự đổi thay đó được dựa trên những giá trị văn hoá, lịch sử đặc trưng. Và để tiếp nối mạch nguồn giá trị văn hóa, lịch sử đó, hôm nay cán bộ và nhân dân thị xã Quảng Trị luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. “Vượt qua mốc thời gian 100 năm ngày Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị ...

Giữ vững danh hiệu thị xã điển hình văn hoá

(QT) - Nằm bên dòng Thạch Hãn êm đềm chảy, thị xã Quảng Trị sau 40 năm giải phóng, cuộc sống đang từng giờ, từng ngày đổi thay mà nền tảng của sự đổi thay đó được dựa trên những giá trị văn hoá, lịch sử đặc trưng. Và để tiếp nối mạch nguồn giá trị văn hóa, lịch sử đó, hôm nay cán bộ và nhân dân thị xã Quảng Trị luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. “Vượt qua mốc thời gian 100 năm ngày Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị ngày 17/2/1906, đến hôm nay có thể thấy rằng, giá trị văn hoá của con người thị xã Quảng Trị chính là truyền thống đoàn kết, luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách để rèn đức, luyện tài, cần cù trong lao động, sản xuất, anh hùng, kiên trung trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược; trọn nghĩa, trọn tình với đồng chí, đồng đội và đạo lý uống nước nhớ nguồn” - đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Trí Tuân, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị khi trao đổi với chúng tôi về nội dung, giải pháp và kết quả của phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương trong những năm qua.

Giải đua thuyền truyền thống được thị xã Quảng Trị tổ chức thường xuyên trên sông Thạch Hãn

Từ năm 2004, thị xã Quảng Trị xây dựng và bắt đầu thực hiện đề án đưa địa phương trở thành đơn vị điển hình văn hoá cấp huyện, thị xã. Để thực hiện mục tiêu trên, thị xã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ và hiệu quả như coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng đời sống văn hoá; nêu cao việc phát huy dân chủ, vai trò tự quản tại cộng đồng nhằm giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hoá mới; phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị các cấp, của các cá nhân ở cộng đồng dân cư trong thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; gắn việc xây dựng nếp sống văn hoá vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị... Bên cạnh đó, thị xã Quảng Trị đã thông qua việc thực hiện các mục tiêu để hướng đến xây dựng thị xã trở thành đơn vị điển hình văn hoá, công tác xây dựng gia đình văn hoá, đơn vị văn hoá, ý thức của từng người dân đã có sự chuyển biến khá rõ nét trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các phong trào, các cuộc vận động lớn như thực hiện nếp sống văn minh trong trong việc tang, cưới, lễ hội; xây dựng làng, khu phố không sinh con thứ 3; phòng chống, bài trừ tệ nạn xã hội trong cộng đồng, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH; các hoạt động xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa được chú trọng... Từ phong trào này, thị xã Quảng Trị đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng không gian văn hoá đô thị, hoàn thành hệ thống các thiết chế văn hoá ở các cấp và từng bước hình thành nếp sống văn minh, văn hoá đô thị trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ thị xã. Đây chính là những kết quả quan trọng để năm 2009, thị xã Quảng Trị được UBND tỉnh công nhận danh hiệu đơn vị điển hình văn hoá. Để giữ vững và phát huy tốt danh hiệu đơn vị điển hình văn hoá, từ năm 2009 đến nay thị xã Quảng Trị đã luôn nỗ lực để đẩy mạnh phong trào, hoạt động với việc nhiều chủ trương, chính sách, tiêu chí, quy định trong việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá phong trào để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra; xây dựng và phát huy nhân tố con người, xây dựng môi trường văn hoá; quản lý và phát triển sự nghiệp văn hoá thông tin, TDTT; phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác dân số, gia đình và trẻ em... tiếp tục được quan tâm đầu tư và đạt được những kết quả quan trọng. Hiện nay, thị xã Quảng Trị có 100% gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, trong đó có 5.245/5.774 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá (đạt tỷ lệ 90,8%); 100 khu phố tổ chức lễ phát động xây dựng khu phố văn hoá, trong đó có 26/27 khu phố được công nhận khu phố văn hoá; 10 khu phố và 2 phường tổ chức phát động xây dựng khu phố/phường điển hình văn hoá. Toàn thị xã có 56/58 đơn vị tổ chức lễ phát động xây dựng đơn vị văn hoá, trong đó có 50/58 đơn vị được công nhận danh hiệu đơn vị văn hoá; có 3 đơn vị và 6 khu phố, làng được công nhận danh hiệu đơn vị văn hoá xuất sắc; 100% khu phố, làng có địa điểm sinh hoạt cho nhân dân, trong đó có 13/27 khu phố, làng đã xây dựng mới nhà văn hoá; gần 100% khu phố, làng có đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền và thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn nhân các sự kiện chính trị - xã hội của quê hương, đất nước. Nhiều cơ sở hạ tầng, thiết chế phục vụ đời sống văn hoá, tâm linh có quy mô lớn được đầu tư xây dựng để phục vụ nhân dân trên địa bàn cũng như đồng bào, chiến sĩ trong cả nước… Các chỉ tiêu về vệ sinh môi trường, dân số, kế hoạch hoá gia đình, giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo, ANTT đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Nhân dân đã có những đóng góp to lớn cả về vật chất và tinh thần trong xây dựng quê hương, tạo cảnh quan môi trường đô thị văn minh, sạch đẹp. Tinh thần đoàn kết, dân chủ cơ sở được phát huy, nếp sống văn minh dần được định hình một cách vững chắc trong xã hội. “Trong thời gian tới, với truyền thống của quê hương và sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành, chúng tôi tin tưởng rằng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương sẽ tiếp tục có những bước chuyển biến tích cực hơn để qua đó đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thị xã Quảng Trị toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hoá phía Nam của tỉnh”, đồng chí Lê Ngọc Vũ, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin thị xã Quảng Trị khẳng định. Bài, ảnh: Huy Nam