Hướng tới làm giàu rừng tự nhiên
(QT) - Sáng kiến “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng tại các quốc gia đang phát triển” (REDD+) là nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu từ việc tìm ra các giải pháp giải quyết vấn đề mất rừng, suy thoái rừng có liên quan đến phát thải khí nhà kính. Đây là chương trình hỗ trợ chi trả trên nguyên tắc dựa vào kết quả hỗ trợ tài chính cho việc bảo vệ và phát triển rừng ở các nước đang phát triển, nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đồng thời quan tâm đến các giá trị về xã hội và môi trường. Trong khuôn khổ chương trình Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam”, Ban chỉ đạo REDD+ tỉnh Quảng Trị vừa tiến hành hội thảo lấy ý kiến tham vấn của các ngành, địa phương liên quan để tìm ra nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng, rào cản trong việc nâng cao diện tích, chất lượng đồng thời xác định các khu vực thường xảy ra mất rừng trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để dự án xây dựng gói giải pháp can thiệp phù hợp trong thời gian tới nhằm hạn chế tối đa tình trạng mất và suy thoái rừng, quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.
 |
Ban chỉ đạo REDD+ tỉnh tiến hành hội thảo lấy ý kiến tham vấn của các ngành, địa phương liên quan về chống mất rừng, suy thoái rừng |
Hiện nay, bên cạnh những nỗ lực trồng rừng mới để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao chất lượng rừng thì hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng mất rừng và suy thoái rừng. Chất lượng rừng ở Quảng Trị trong những năm qua có nhiều biến động. Theo thống kê của Ban Quản lý dự án FCPF tỉnh Quảng Trị, từ năm 2000 - 2016, diện tích rừng tự nhiên ở Quảng Trị mất đi 28.148,2 ha tập trung chủ yếu ở các huyện: Đakrông 16.706,59 ha, Hướng Hóa 9.092,6 ha, Cam Lộ 1.095 ha... Diện tích rừng tự nhiên bị suy thoái toàn tỉnh trên 27.758 ha trong đó tập trung chủ yếu ở Đakrông trên 12.358 ha, Hướng Hóa trên 9.918 ha, Triệu Phong 5.052 ha… Nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất rừng và suy thoái rừng ở Quảng Trị chủ yếu là do tình trạng khai thác trái phép rừng tự nhiên, phát, phá rừng làm nương rẫy, chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang rừng trồng, trồng cao su, trồng sắn… do xuất phát từ việc thiếu đất canh tác nông nghiệp. Việc chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt theo quy hoạch sang trồng rừng kinh tế được thực hiện theo các chương trình, dự án phát triển rừng. Bên cạnh việc chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế bằng hình thức cải tạo rừng, thì tình trạng xâm lấn rừng tự nhiên, dưới áp lực thị trường việc mở rộng rừng trồng kinh tế (chủ yếu là trồng keo) từ chuyển đổi rừng tự nhiên đang diễn ra ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất rừng nữa đó là nạn khai thác rừng trái phép. Theo đánh giá của ngành chức năng Quảng Trị, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, chế biến lâm sản trái phép thời gian qua vẫn diễn ra ở một số thôn bản dọc đường 14, các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên (huyện Đakrông); các xã Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh (huyện Hướng Hóa); Vĩnh Ô, Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh)… Hiện nay rừng tự nhiên ở Quảng Trị chủ yếu được giao cho các chủ rừng lớn. Tuy nhiên ranh giới chủ rừng không ổn định, thường xuyên thay đổi, đặc biệt là các Ban Quản lý rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng trong khi thu nhập của người dân còn thấp, đặc biệt là nhóm những hộ gia đình sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng. Ở các khu vực người dân sống gần rừng, cũng nhu các khu vực córừng tựnhiên, việc tiếp cận của người dân tới tài nguyên rừng khá dễ dàng. Họ có thể tự do vào rừng khai thác gỗ, lấy củi, khai thác lâm sản ngoài gỗ nói chung. Với đặc điểm phân bố dân cư rộng và rải rác, địa hình phức tạp, cộng với việc lực lượng kiểm lâm chuyên trách còn tương đối mỏng, do đó việc kiểm soát mọi hoạt động ra vào rừng gặp rất nhiều khó khăn. Rừng tự nhiên ở Quảng Trị chủ yếu là rừng nghèo, một số diện tích đã phục hồi những tổ thành cây mục đích rất thấp, mật độ tái sinh không đảm bảo. Để phát triển rừng tự nhiên, những năm qua Quảng Trị đã thực hiện các mô hình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi, làm giàu rừng bằng việc trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng. Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác khoanh nuôi, làm giàu rừng mới chỉ đạt khoảng 70%. Hiện nay, công tác khoanh nuôi, làm giàu rừng được thực hiện theo hợp đồng khoán giữa chủ rừng với các hộ gia đình, cá nhân theo hình thức chủ rừng hướng dẫn kỹ thuật, giống; hộ gia đình được hưởng công trồng, chăm sóc rừng. Tuy nhiên, định mức trồng nâng cấp rừng phòng hộ, làm giàu rừng thấp; thiếu quy trình trồng nâng cấp, trồng làm giàu rừng trong khi đó địa bàn thực hiện chủ yếu là vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn nên người dân không mặn mà trong thực hiện hoạt động này… Sau khi bàn bạc, thảo luận các nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất rừng, suy thoái rừng tự nhiên, hội thảo đã thống nhất địa bàn ưu tiên thực hiện REDD+ ở 28 xã thuộc 7 huyện theo 5 nội dung: Giảm mất rừng, giảm suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng cacbon, tăng cường trữ lượng cacbon và quản lý rừng bền vững với các hoạt động trực tiếp và gián tiếp nhằm giảm phát thải ưu tiên tại tỉnh gồm: Thành lập và nâng cao năng lực cho lực lượng tuần tra bảo vệ rừng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ, phát triển rừng; giao đất, giao rừng, hỗ trợ sinh kế cho nhóm hộ gia đình sống gần rừng nhưng không có đất rừng, nhóm hộ nhận khoán rừng…; nâng cao diện tích và chất lượng rừng tự nhiên nhằm bảo tồn và tăng cường trữ lượng cacbon; trồng rừng thâm canh và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững hướng tới trồng rừng có chứng chỉ… Trên cơ sở phân tích tìm ra nguyên nhân, dự án sẽ tiếp tục nghiên cứu thảo luận để đưa ra gói giải pháp can thiệp thích hợp nhất để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng trên. Bài ảnh: LÂM THANH