Nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng
(QT) - Từ giữa tháng 4/2017 đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc xuất hiện trở lại tại nhiều địa phương trong tỉnh. Điều đáng quan ngại là công tác phòng chống dịch đang gặp những khó khăn, vướng mắc.

Nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng

(QT) - Từ giữa tháng 4/2017 đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc xuất hiện trở lại tại nhiều địa phương trong tỉnh. Điều đáng quan ngại là công tác phòng chống dịch đang gặp những khó khăn, vướng mắc.

Cán bộ thú y triển khai tiêu độc khử trùng chuồng trại

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 5/7/2017, dịch LMLM đã phát sinh tại 4 xã, phường của 4 huyện, thị xã gồm: Gio Sơn (Gio Linh), Hải Phú (Hải Lăng), Cam Thanh (Cam Lộ) và An Đôn (thị xã Quảng Trị). Tổng số gia súc mắc bệnh là 182 con, trong đó 115 con lợn, 62 bò và 5 dê. Qua điều tra dịch tễ, tất cả ổ dịch đều xuất phát tại chỗ, do virut LMLM type O gây ra. Dịch nảy sinh trên các đàn gia súc không được tiêm phòng vắc xin LMLM. Hiện có 102 con lợn đã được tiêu hủy.

Theo ghi nhận, các ổ dịch tuy ở diện hẹp, số gia súc mắc bệnh không nhiều nhưng nguy cơ dịch bùng phát, lây lan là khá cao. Trước tiên, do giá thịt lợn giảm mạnh nên người chăn nuôi trên địa bàn không quan tâm đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh phát sinh trên đàn lợn ở xã Gio Sơn (Gio Linh), Hải Phú (Hải Lăng) và Cam Thanh (Cam Lộ). Một thực tế khác là người chăn nuôi trên địa bàn thường mua mới trâu bò không rõ nguồn gốc, không thực hiện cách ly thời gian đầu nhập đàn nên làm phát sinh, lây lan bệnh LMLM. Trong khi đó, nguồn vắc xin của tỉnh chỉ đáp ứng được 65% kế hoạch tiêm phòng và chỉ tiêm đủ cho 41,5% tổng đàn. Tại hai huyện Hướng Hoá và Đakrông, vắc xin LMLM để triển khai tiêm phòng vụ xuân cho đàn trâu bò vẫn chưa có.

Trước thực trạng dịch LMLM phát sinh, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm; phối hợp với các địa phương thống kê, kiểm tra dịch trên đàn gia súc; nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch; thông báo cho người dân trong xã biết tình hình dịch bệnh để tham gia các hoạt động phòng chống; cách ly gia súc bệnh, hướng dẫn điều trị; cấp hoá chất tiêu độc khử trùng; cử cán bộ bám sát địa bàn...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nhân lực, vật lực chủ động phòng chống dịch LMLM; thường xuyên tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch đến tận hộ gia đình; phân công trách nhiệm cụ thể cho các xã, phường, thị trấn về giám sát dịch bệnh, tiêu độc khử trừng, tổ chức lực lượng và huy động sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, ngành liên quan…

Q.H