(QT) - Chúng ta vẫn thường hiểu “thần tượng” là để chỉ một người hay một nhóm người sở hữu những tố chất và năng lực đặc biệt khiến người khác phải ngưỡng mộ, cảm phục. Ở mức độ phù hợp, văn hóa thần tượng sẽ tạo ra những tác động tích cực tới thái độ, niềm tin, nhận thức và cảm hứng để các bạn trẻ phấn đấu rèn luyện, học tập, vươn lên trong cuộc sống.
![]() |
Minh họa: N.D |
Tuy nhiên, nếu tìm cho mình thần tượng không đúng và chạy theo thần tượng đến mê muội, mù quáng thì lại là căn nguyên dẫn tới những lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Đáng tiếc rằng, những biểu hiện “cuồng” thần tượng quá mức và cả những lệch lạc khi hiểu về thần tượng đang trở nên phổ biến và lây lan nhanh chóng trong giới trẻ hiện nay.
Có lẽ không ai phủ nhận, sống có thần tượng cũng là một nét văn hóa, nhất là khi hình mẫu đó hướng tới những cung bậc giá trị tốt đẹp để học hỏi, phát triển bản thân. Tuy nhiên, nếu quá sa đà và coi đó là lẽ sống, thậm chí thay đổi con người và nhân cách thì các bậc cha mẹ phải suy ngẫm và tìm những phương pháp để định hướng cho con trẻ về vấn đề này.
Theo các chuyên gia, trẻ thần tượng một nhân vật nào đó là quy luật tâm lý tự nhiên. Song nếu các em thiếu kiểm soát nhận thức, cảm xúc và ý chí thì có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Bởi trên thực tế, đã có những bạn trẻ mắc nhiều chứng bệnh tâm lý, thần kinh vì thần tượng, hay nghiêm trọng hơn là tìm đến cái chết, tự làm tổn thương mình khi hình mẫu thần tượng trong lòng sụp đổ.
Còn nhớ, cách đây vài năm, vấn đề này đã được đưa vào đề thi khối D của kỳ thi Đại học - Cao đẳng quốc gia, với nội dung khái quát là “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Đề thi này đã đụng chạm đến không ít “Fan cuồng” thần tượng, và trong số đó có một vài thí sinh đang tham gia kỳ thi này. Sốc nhất là chuyện thí sinh không làm bài thi, chỉ ghi một câu ủng hộ thần tượng của mình lên giấy, rồi quay sang dọa đánh bạn ngồi cùng phòng thi chỉ vì cậu bạn này lỡ khen đề thi hay.
Trẻ từ đam mê, yêu thích thần tượng dẫn đến những hiện tượng thái quá như quên ăn, quên ngủ, học hành sa sút. Hay việc tham gia vào các Fanclub, các hội, nhóm mà không chọn lọc, không biết phân biệt đúng sai đến mức đấu đá, tranh giành thần tượng hoặc tự hành hạ bản thân, tự làm đau mình vì thần tượng.
Chị Nguyễn Thị Thắm, phường 5, TP. Đông Hà chia sẻ: “Nhiều lần thấy con nghe nhạc Hàn Quốc, tôi chỉ nghĩ đơn giản là cháu nghe để giải trí, để giảm bớt áp lực học hành căng thẳng. Nhưng hôm trước, tôi phát hiện con mình bỏ học một ngày ở trường, đón xe đi TP. Đà Nẵng để tận mắt được gặp thần tượng thì tôi thực sự sốc và bàng hoàng. Thì ra, lâu nay con tôi vẫn thường xuyên nói dối bố mẹ để tham gia các cuộc “họp Fanclub”, hay tự ý bỏ học để chạy theo thần tượng mà chúng tôi không hề hay biết ”.
Đứng trước làn sóng văn hóa giải trí ngày càng đa dạng, các em chưa được trang bị kiến thức vững chắc về kỹ năng sống, kỹ năng xã hội nên dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các trào lưu, các hình mẫu lệch lạc. Anh Đ.T. ở thị trấn Cam Lộ kể: “Một hôm, con trai tôi trở về nhà với đầu tóc nhuộm đủ màu sắc. Tôi giật mình hỏi chuyện cháu thì mới biết cháu nhuộm tóc để giống một nam ca sĩ nhạc trẻ mà cháu yêu thích.
Ngay cả trong cách ăn mặc, cháu cũng cố gắng để bắt chước thần tượng của mình một cách thái quá. Tôi nhắc nhở, la mắng thì cháu khó chịu, lầm lì, thậm chí bỏ ăn”. Để giúp các em có cái nhìn đúng đắn hơn về điều này, cha mẹ nên dẫn dắt con em mình theo những hình ảnh thần tượng trong thực tế cuộc sống. Việc định hướng và giáo dục cho trẻ phải thật kiên trì và có phương pháp rõ ràng.
Hãy dành thời gian cùng các em tham gia những hoạt động ngoài trời và các trải nghiệm thực tế của cuộc sống để mang đến cho trẻ những bài học và giá trị sống đích thực. Hướng các em đến những thần tượng thực tế trong cuộc sống, gần gũi quanh mình như cha mẹ, ông bà, cô chú …Cùng con trẻ tham gia những hoạt động tình nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời khốn khổ để tích góp cho bản thân những giá trị sống thực.
Trường hợp khi các bậc phụ huynh biết con em mình đang thần tượng một ai đó, thì nên trò chuyện với trẻ như một người bạn. Hỏi trẻ về những điểm trẻ thích ở thần tượng của mình. Nếu đó là những điểm tốt, đáng học hỏi về nghị lực, giá trị sống thì nên khuyến khích con hoàn thiện bản thân một cách đúng đắn.
Ngược lại, khi nhận thấy những điểm vô lý hoặc không tốt trong hình mẫu thần tượng của con thì cha mẹ nên tâm sự và giảng giải nhẹ nhàng để giúp con hiểu ra vấn đề, phân tích đúng sai để con đừng đi quá giới hạn của sự ngưỡng mộ, yêu thích bình thường. Bên cạnh đó, sự giáo dục của nhà trường cũng rất quan trọng, việc đẩy mạnh môn giáo dục đạo đức, các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống giúp cho các học sinh nhận thức rõ hơn về giá trị của thần tượng, từ đó có những hành vi phù hợp với chuẩn mực của xã hội.
Thu Hạ