Mở lối đưa nông sản sạch vào siêu thị
(QT) - Đưa nông sản vào siêu thị luôn là bài toán khó đối với những người sản xuất các mặt hàng này bởi những yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm một cách nghiêm ngặt của các siêu thị hiện nay. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn có thể đưa vào trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ trong các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại, tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch hỗ trợ, kết nối đưa sản phẩm ...

Mở lối đưa nông sản sạch vào siêu thị

(QT) - Đưa nông sản vào siêu thị luôn là bài toán khó đối với những người sản xuất các mặt hàng này bởi những yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm một cách nghiêm ngặt của các siêu thị hiện nay. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn có thể đưa vào trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ trong các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại, tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch hỗ trợ, kết nối đưa sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào siêu thị, chuỗi bán lẻ.

Các cơ sở sản xuất mặt hàng nông sản sạch mong muốn sản phẩm được đưa vào tiêu thụ tại siêu thị, chuỗi bán lẻ

Cơ sở sản xuất nấm sạch Linh Giang, ở khu phố 3, phường 1, thành phố Đông Hà do chị Nguyễn Thị Thùy Giang làm chủ, bình quân mỗi ngày cung ứng cho thị trường từ 20-30 kg nấm các loại. Ngoài các loại nấm như nấm sò tím, nấm sò trắng, hiện chị Giang đang nghiên cứu để sản xuất nấm rơm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Vấn đề lớn nhất hiện nay mà nhiều cơ sở sản xuất các mặt hàng nông sản đang đối mặt, đó là chủ yếu nguồn hàng được tiêu thụ tại các chợ, giá cả không ổn định. Ví dụ đối với mặt hàng nấm, có ngày giá 1 kg từ 30.000- 50.000 đồng, nhưng vào ngày 14, 15 (âm lịch) hằng tháng có khi lên đến gần 100.000 đồng/kg nhưng cũng có ngày thường giá chỉ còn 15.000 đồng/kg. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn hoàn thiện các thủ tục của sản phẩm như đăng ký kinh doanh, kiểm định chất lượng… để có đầy đủ tiêu chuẩn có thể đưa sản phẩm vào siêu thị hoặc các chuỗi bán lẻ uy tín để bình ổn giá cả mặt hàng, đưa sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng”, chị Giang cho biết.

Theo kế hoạch của tỉnh, để được kết nối đưa vào trưng bày tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi bán lẻ, đòi hỏi sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra cơ sở phải đảm bảo quy mô, năng lực sản xuất theo yêu cầu của các nhà phân phối. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có một số mặt hàng được đưa vào tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart như rau sạch Đông Thanh, trứng gà của cơ sở sản xuất Phúc Thảo, tinh bột nghệ của cơ sở sản xuất Hoàng Dung…Tuy nhiên, so với tiềm năng các mặt hàng nông sản các địa phương giới thiệu khoảng 40 sản phẩm thì con số này còn quá ít. Chính vì vậy, mục tiêu mà kế hoạch đề ra là hỗ trợ hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh, cụ thể là hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, các cửa hàng 8S của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị để đưa tối thiểu 10 sản phẩm vào trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ. Các ngành chức năng liên quan cũng xác định các mặt hàng có tính cạnh tranh cao có thể đưa vào siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện nay là nông sản, các mặt hàng tươi sống…

Để thực hiện kế hoạch này, ngành chức năng sẽ tiến hành các bước khảo sát, lựa chọn sản phẩm, đánh giá quy mô năng lực sản xuất, khả năng cung ứng sản phẩm của cơ sở sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hoàn thiện sản phẩm, thực hiện các kiểm nghiệm để đánh giá về các tiêu chuẩn chất lượng cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm phù hợp với yêu cầu nhà phân phối. Đồng thời hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm vào siêu thị, chuỗi bán lẻ để tiêu thụ.

Có thể thấy một trong những khó khăn lớn nhất chính là băn khoăn của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất khi bỏ ra chi phí không nhỏ thực hiện kiểm nghiệm để biết sản phẩm có đạt chất lượng đưa vào tiêu thụ ở hệ thống siêu thị hay không, và thậm chí nếu đảm bảo các tiêu chí qua kiểm nghiệm thì có được nhà phân phối lựa chọn hay không. Ngoài sự phối hợp của người sản xuất, để một sản phẩm đạt chất lượng được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị cũng cần có sự hỗ trợ của nhà phân phối, như trước mắt miễn phí trưng bày sản phẩm lên kệ hàng, tư vấn hỗ trợ cách thanh toán trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất để họ yên tâm hợp tác. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm của tỉnh cũng cần tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất về thủ tục cấp giấy chứng nhận, tiêu thụ sản phẩm để hàng hóa nông sản của tỉnh tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và lưu thông phát triển theo hướng tích cực. Về phía các cơ sở sản xuất, phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa và phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu nhất của siêu thị; tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, tự thân vận động để đưa hàng vào siêu thị như hiện nay.

Thanh Trúc