“Nhọc nhằn” nghề quan trắc môi trường
(QT) - Quan trắc môi trường là việc theo dõi thường xuyên chất lượng môi trường với các trọng tâm, trọng điểm hợp lý nhằm phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Một ngày theo chân nhóm công tác quan trắc môi trường thuộc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị) mới thấy hết nỗi vất vả và những cống hiến thầm lặng của họ… Những ngày khu vực ven biển miền Trung xuất hiện tình trạng cá biển chết hàng loạt, chúng tôi có cơ hội ...

“Nhọc nhằn” nghề quan trắc môi trường

(QT) - Quan trắc môi trường là việc theo dõi thường xuyên chất lượng môi trường với các trọng tâm, trọng điểm hợp lý nhằm phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Một ngày theo chân nhóm công tác quan trắc môi trường thuộc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị) mới thấy hết nỗi vất vả và những cống hiến thầm lặng của họ… Những ngày khu vực ven biển miền Trung xuất hiện tình trạng cá biển chết hàng loạt, chúng tôi có cơ hội cùng đi để “tác nghiệp” với anh Lê Công Thành (SN 1979) và anh Lê Cao Hùng (SN 1984) là hai cán bộ thuộc thuộc Trung tâm quan trắc Tài Nguyên và Môi trường. Nhìn bề ngoài công việc của họ có vẻ đơn giản nhưng đi sâu vào thực tế không phải dễ dàng như vậy.

Cán bộ Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu nước biển ở bãi biển Mỹ Thủy, Hải Lăng

Anh Thành bảo: “Công việc của chúng tôi là phải lấy mẫu sau đó đưa về phòng thí nghiệm để phân tích số liệu. Số liệu thu được là cơ sở để khẳng định chất lượng môi trường ở khu vực cần xem xét. Từ đó các cơ quan ban ngành liên quan đưa ra kết luận và giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề”. Hôm chúng tôi đến, bãi biển Mỹ Thủy (Hải Lăng) khá vắng vẻ, vất vả lắm hai cán bộ này mới tìm được một ngư dân tốt bụng để dong thuyền đưa các anh đi lấy mẫu từng địa điểm. Người ngư dân chất phác này không cho biết danh tính, vì anh bảo mình là một ngư dân như bao ngư dân khác ở Mỹ Thủy này thôi, nói làm gì. Từng địa điểm được lấy mẫu, chai đựng nước được dán nhãn ghi rõ ràng địa điểm, thời gian và tên người trực tiếp lấy mẫu. Theo phân công công việc, anh Thành và anh Hùng sẽ phải lấy mẫu một ngày hai lần vào đúng thời gian và địa điểm quy định, sau đó chuyển về phòng thí nghiệm để phân tích kết quả. Cái khó của việc lấy mẫu chính là phải lấy đúng thời gian, đúng địa điểm và bảo quản, vận chuyển mẫu về phòng thí nghiệm một cách an toàn nhất. Chỉ cần một sơ hở nhỏ thì mọi công sức đều đổ xuống sông xuống biển và thậm chí nếu mẫu không đảm bảo sẽ cho kết quả sai làm ảnh hưởng trên một quy mô rộng lớn. Nói về nghề nghiệp của mình, anh Hùng tâm sự: “Cái nghề này nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản lắm, thoạt đầu ai cũng bảo là nghề rảnh rỗi. Nhưng thực chất khối lượng công việc phải xử lý là rất lớn. Thời gian không đảm bảo, nghĩa là có lệnh khi nào là đi khi đó, cứ như lính hình sự vậy. Ví dụ có một địa điểm ở miền rừng núi Hướng Hóa cần phải lấy ngay vào sáng sớm mai, thì nhất quyết tối hôm đó chúng tôi phải di chuyển để kịp lấy mẫu. Nhiều lúc có những địa điểm lấy mẫu nằm sâu trong rừng núi, phải băng rừng nửa ngày trời mới đến được. Hay những nơi môi trường có những chất độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người đi lấy tiếp xúc với nó”. Những ngày lễ tết là thời gian để người thân và gia đình vui vẻ bên nhau nhưng những người làm công việc quan trắc môi trường thường phải làm việc. Dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, anh Thành dự định sẽ đưa người vợ trẻ cùng con cái của mình đi đâu đó để nghỉ ngơi. Kế hoạch đã lên sẵn từ trước nhưng phút cuối đành phải hủy vì công việc quan trắc nước biển khi cá biển chết hàng loạt là nhiệm vụ không thể chậm trễ. Anh Thành cười: “Nhiều lúc vợ con cũng thông cảm, công việc mà, không thể không hoàn thành. Nếu không có mẫu, không có số liệu thì làm sao mà đánh giá được. Đây chính là yếu tố tiên quyết của công việc quan trắc môi trường đó”. Điện thoại lại reo khi đang ở biển Mỹ Thủy: -Ngày mai các cậu đi lấy mẫu Cam Lộ nhé, xâm nhập mặn! Công việc của họ gắn với những chuyến đi. Bài, ảnh: BÙI ĐỨC TÚ