Lặn lội thân “cò” lên phố
Vất vả làm ra hạt lúa, lại “cõng” thêm hàng chục thứ chi phí tăng cao, chăn nuôi không hiệu quả, ruộng đồng cứ dần bị thu hẹp... không ít người nông dân trong thời buổi kinh tế lạm phát đã không còn tha thiết gì với ruộng đồng; nhiều phụ nữ tảo tần ở nông thôn quyết rời luỹ tre làng ra chốn thị thành mưu cầu một cuộc sống khá hơn.Nghề ép dẻo

Lặn lội thân "cò" lên phố

Vất vả làm ra hạt lúa, lại “cõng” thêm hàng chục thứ chi phí tăng cao, chăn nuôi không hiệu quả, ruộng đồng cứ dần bị thu hẹp... không ít người nông dân trong thời buổi kinh tế lạm phát đã không còn tha thiết gì với ruộng đồng; nhiều phụ nữ tảo tần ở nông thôn quyết rời luỹ tre làng ra chốn thị thành mưu cầu một cuộc sống khá hơn.

Nghề ép dẻo

* Mưu sinh chốn thị thành Giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn Quảng Trị là vấn đề bức xúc và nan giải, nhất là các vùng nông thôn nghèo có tỉ lệ người ở độ tuổi lao động cao trong khi đất đai ít, lại phải thường xuyên hứng chịu thiên tai và đặc biệt là không có nghề lao động phụ. Ra thành phố tìm việc làm đó là lựa chọn của nhiều người, dù họ đi dăm bữa nửa tháng hay biền biệt quê hương mấy năm trời. Do không có tay nghề và trình độ kỹ thuật lao động, nên đa số những người phụ nữ lên thị xã Đông Hà đều làm những công việc phụ như: bán hàng quán, trông coi nhà cửa, bán dạo hay cực nhọc hơn nữa là làm phu khuân vác, phụ hồ... Công việc vất vả nhưng thu nhập của họ cũng không được là bao. Tuy nhiên, khi nói đến vấn đề “bám” luỹ tre làng, các chị đều ái ngại: “Ăn thua gì chú, ruộng đất ngày một ít, phân tro giống má lại cứ tăng vùn vụt. Cả vụ lúa mấy tháng trời cũng chừng được năm trăm đến triệu bạc là cùng”, chị Lê Thị Nhã ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh cho biết. Cùng cảnh ngộ và suy nghĩ như vậy nên người đi trước mách bảo người đi sau. Và không bao lâu sau vụ mùa nhàn rỗi, những người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là chị em phụ nữ đều vắng bóng nơi làng quê. “Tuy hơi vất vả nhưng trung bình mỗi ngày, chúng tôi cũng kiếm được 20 đến 30 ngàn, ăn uống rồi còn dành dụm được chừng mươi, mười lăm ngàn, ở quê làm sao có chừng ấy?”- Vừa dọn dẹp mấy cái ghế bán chè dạo ra, chị Nguyễn Thị Quý ở thôn Phước Mỹ, xã Triệu Giang, Triệu Phong vui vẻ cho biết. Với gánh hoa quả nặng trĩu, chị Trần Thị Hoa, nhà ở cách thị xã Đông Hà đến hơn 10 cây số phải dậy đi từ sáng tinh mơ, ra đến chợ thì trời kịp sáng. Vừa đưa tay lên quệt những giọt mồ hôi, chị cho hay: “Nhà tôi được hai mảnh ruộng, nhưng lại có tới 6 miệng ăn, không bám phố thì mần răng?!”. Còn chị Nguyễn Thị Bình với chiếc xe đạp cà tàng mang từ Thanh Hoá vào, mỗi ngày chị đi khắp cùng ngõ hẻm của thị xã thu mua phế liệu, công việc tuy vất vả nhưng thu nhập lại khá hơn rất nhiều so với ở làng quê. Chị nói: “Tháng nào mà không mưa gió thì kiếm được vài trăm ngàn, nhưng mưa lụt thì xem như công cốc, nhưng tính đi tính lại “bám” phố vẫn hơn ”. Hỏi ra mới biết, chồng chị Bình mắc căn bệnh hiểm nghèo đã 2 năm nay, hai đứa con còn trong tuổi ăn, tuổi học, nên mọi công việc đều đè lên đôi vai gầy của chị. Nhắc đến chồng con, chị ứa nước mắt: “Nhớ lắm nhưng phải cố thôi cậu ạ, về nhà biết làm gì mà sống”.

Nghề bán dạo

* Long đong thân “cò” phố chợ Đồng tiền làm ra nhiều hơn nhưng chị em phụ nữ luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và hiểm nguy rình rập. Trước hết, đó là điều kiện ăn ở thiếu thốn, mất vệ sinh tại các khu trọ rẻ tiền. Đi một vòng qua các con đường Hàm Nghi, Quốc lộ 9, Hùng Vương, Nguyễn Đình Chiểu... của thị xã Đông Hà, người ta dễ nhận thấy, ngoài những khu trọ dành cho học sinh, sinh viên ở các trường lân cận, thì còn có các khu “lều”, dãy trọ dành cho người lao động nhập cư. Cuộc sống tạm bợ trong những phòng trọ có khi lên đến năm, mười người. “Ở chật chội như vậy nhưng mỗi tháng, chúng tôi cũng phải trả 3 đến 4 trăm ngàn đồng đấy, biết là đắt đỏ nhưng ở đâu cũng thế cả”- Chị Hoa quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết. Sáng đi tối về, phòng trọ chỉ là nơi đặt lưng sau ngày làm việc mệt mỏi, nên đa số lao động tự do ở thị xã này chọn cách sống “tập đoàn” cho rẻ. Ngoài những khó khăn về điều kiện sống, các lao động tự do nữ còn luôn bị các tệ nạn xã hội rình rập, lôi kéo. Đặc biệt là những phụ nữ trong độ tuổi 17 đến 30, nguy cơ bị xâm hại nhân phẩm, quấy rối tình dục và buôn bán phụ nữ ở mức cao. Không chỉ khó khăn với người lao động mà tình trạng di cư tự do lên thị xã tìm kiếm việc làm cũng gây không ít khó khăn cho chính quyền sở tại. Lao động tự do không đăng ký tạm trú, thường trú, cuộc sống tạm bợ nay đây mai đó, nên đã gây ra không ít phức tạp cho tình hình quản lý an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và các tệ nạn xã hội khác. Tình trạng di cư ra thành phố, thị xã tìm kiếm việc làm một cách tự phát như hiện nay mặc dù không được khuyến khích nhưng cũng không bị ngăn cản. Vì vậy, trong khi chờ đợi các giải pháp việc làm cho lao động nông thôn ngay tại địa phương như dạy nghề, tuyển dụng vào các nhà máy, xí nghiệp, khôi phục những làng nghề truyền thống hay vay vốn xoá đói giảm nghèo, XKLĐ... thì việc trang bị những hiểu biết về di cư an toàn là rất cần thiết đối với người lao động, là việc cần làm ngay đối với các cấp và các ngành hữu quan ở tỉnh Quảng Trị. Bài & ảnh: Triều Dương