Bước đột phá trên lĩnh vực “tam nông” ở Vĩnh Linh
(QT) - Thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, trong 10 năm qua (2008-2018) huyện Vĩnh Linh đã có bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ban hành đã định hướng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đưa sự nghiệp CNH, HĐH đất nước từng bước phát triển vững chắc. Nhờ có nhiều chủ trương ...

Bước đột phá trên lĩnh vực “tam nông” ở Vĩnh Linh

(QT) - Thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, trong 10 năm qua (2008-2018) huyện Vĩnh Linh đã có bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ban hành đã định hướng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đưa sự nghiệp CNH, HĐH đất nước từng bước phát triển vững chắc. Nhờ có nhiều chủ trương và giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy nên các cấp ủy đảng đã vận dụng sáng tạo nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức học tập quán triệt cho trên 200 cán bộ chủ chốt của huyện và các xã, thị trấn; xây dựng chương trình hành động cụ thể các lĩnh vực theo từng giai đoạn. Chỉ đạo 100% tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức quán triệt các nội dung nghị quyết và xây dựng kế hoạch thực hiện. Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ với nhiều hình thức phong phú nhằm chuyển tải các quan điểm, chủ trương, biện pháp giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết. Gắn việc triển khai nghị quyết với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, các cuộc vận động thông qua các tổ chức đoàn thể như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chỉnh trang nông thôn”, mô hình “5 không, 3 sạch”...

Một trong những giai đoạn thực hiện các chương trình công tác trọng tâm có tính hiệu quả và thuyết phục cao, đó là Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành 3 chủ trương lớn: Xây dựng nông thôn mới; thu hút đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng; giảm nghèo bền vững cho 11 bản khó khăn thuộc 3 xã miền núi của huyện. Từ 3 chương trình công tác trọng tâm lớn này đã góp phần hoàn thiện cơ bản về kết cấu hạ tầng nhờ thu hút được nguồn lực đầu tư; đưa tỷ lệ phát triển chung hài hòa giữa các vùng, miền, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới. Sau 7 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Linh đã có 14 xã đạt chuẩn. Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng bình quân trong 10 năm từ 6 - 7%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt trên 34 triệu đồng, tăng 3,8 lần so với năm 2008. Huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống tưới tiêu; đẩy nhanh cơ giới hoá đồng bộ các khâu sản xuất; chú trọng việc nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Cây trồng được bố trí lại mùa vụ để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, phù hợp với điều kiện từng vùng. Ngành nông nghiệp huyện đã xác định được bộ giống lúa chủ lực, ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao, tránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa vào sản xuất diện rộng nhằm gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung chuyên canh, thâm canh, khai thác tiềm năng đất đai và lợi thế vùng. Diện tích gieo trồng lúa hằng năm đều tăng, riêng năm 2017 đạt 7.720 ha, tăng 1.170 ha so với năm 2008, không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo ra nguồn lương thực hàng hóa có giá trị.

Đặc biệt, năm 2017 Vĩnh Linh đã đưa vào sản xuất các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình trồng dưa, rau củ quả sạch trong nhà màng với quy mô trên 5.500m2 tại 2 xã Vĩnh Trung và Vĩnh Tú; xây dựng mô hình sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh với quy mô trên 1.300m2 tại xã Vĩnh Trung; xây dựng vườn sản xuất tiêu sạch tại xã Vĩnh Kim; mô hình trồng chuối đỏ Dacca tại xã Vĩnh Hiền bước đầu phát triển tốt. Việc liên kết giữa Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - HTX/THT trồng dứa bước đầu đã có sự chặt chẽ. Đây là tiền đề để xây dựng vùng nguyên liệu dứa tại các xã Vĩnh Long, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Thái, Vĩnh Tú với diện tích 29 ha. Ngành chăn nuôi, thủy sản đang phát triển tích cực. Các địa phương vùng biển đã cơ cấu lại lực lượng đánh bắt thủy, hải sản, có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là sau sự cố ô nhiễm môi trường biển năm 2016.

Mô hình sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh ở xã Vĩnh Trung, Vĩnh Linh. Ảnh: PM

Công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng được chú trọng. Kinh tế hộ được phát triển theo hướng mở rộng về quy mô, kinh tế gia trại, trang trại phát triển và ngày càng phát huy hiệu quả. Toàn huyện có 46 trang trại sản xuất nông, lâm, thủy sản đã được cấp phép đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tổng thu nhập bình quân một trang trại đạt hơn 1,2 tỷ đồng. Cùng với việc tổ chức phát triển sản xuất, mạng lưới chế biến nông, lâm sản được đầu tư trên địa bàn. Mạng lưới thương mại, dịch vụ ở nông thôn ngày càng phát triển rộng khắp với các hình thức đa dạng, phong phú, từng bước giải quyết các dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản xuất.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nền nông nghiệp của Vĩnh Linh phát triển khá toàn diện; cơ cấu sản xuất chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với định hướng CNH, HĐH. Giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng; các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh (từ 16,7% vào năm 2008 xuống còn 6,76% cuối năm 2017); tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch, nước đảm bảo vệ sinh, hộ có phương tiện nghe nhìn, internet, điện thoại cố định và di động tăng đáng kể. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe được đầu tư, 100% số xã đã có trạm y tế; cơ sở vật chất giáo dục ở nông thôn được đầu tư phát triển mạnh. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm; tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 49,5%, giải quyết việc làm cho khoảng 1.300 lao động mỗi năm. Công tác giao đất, giao rừng cho hộ nông dân được tích cực thực hiện; hỗ trợ nông dân vay vốn phục vụ sản xuất, vai trò tự chủ của nông dân ngày càng được thể hiện rõ hơn.

Hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật triển khai khá đồng bộ, nhất là việc đưa các mô hình cây trồng mới, con nuôi mới vào sản xuất. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các vùng nông thôn được quan tâm đầu tư. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Trần Văn Bến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Linh