Từ đây con biết quê hương…
(QT) - Quê nội Gio An của con ở miền tây huyện Gio Linh. Từ thành phố Đông Hà theo Quốc lộ 1 ra hướng bắc, quá chợ Cầu ở thị trấn Gio Linh rẽ trái lên tỉnh lộ 576 (75 tây) theo hướng lên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đến khoảng km thứ 6, xã Gio An từ từ hiện ra giữa trù phú của xứ sở hồ tiêu, chè và mít, thơm…

Từ đây con biết quê hương…

(QT) - Quê nội Gio An của con ở miền tây huyện Gio Linh. Từ thành phố Đông Hà theo Quốc lộ 1 ra hướng bắc, quá chợ Cầu ở thị trấn Gio Linh rẽ trái lên tỉnh lộ 576 (75 tây) theo hướng lên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đến khoảng km thứ 6, xã Gio An từ từ hiện ra giữa trù phú của xứ sở hồ tiêu, chè và mít, thơm…

T hầy giáo Lâm Công Phước dạy học sinh về lịch sử làng Gia Bình tại Di tích Cây đa giếng Đìa​

Tỉnh lộ 576 lên Gio An được rải nhựa, uốn lượn giữa những rừng cao su bạt ngàn xanh tốt. Đầu mùa hè, thi thoảng bắt gặp những khoảnh ruộng lúa đang chín vàng, những vườn nghệ rập rờn sóng lá xen lẫn gữa vườn khoai từ, khoai tía…xanh mát. Quê nội Gio An của con là vùng đất anh hùng trong chiến tranh, khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài hát bất hủ “Tiếng đàn Ta-lư” với những ca từ dâng trào cảm xúc: “Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới/Núi rừng ta ơi, hãy thắm xanh, vui cùng bản làng, mừng thắng trận Gio An…” mãi mãi đi vào lòng người. Bản anh hùng ca ca ngợi chiến thắng lẫy lừng trong chiến dịch Gio An, đã trở thành động lực vô cùng mạnh mẽ theo bước quân và dân ta liên tiếp giành chiến thắng vang dội trên khắp các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Về quê nội, con được gặp những cựu chiến binh từng tham gia giải phóng miền Nam. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng các chú, các bác như sống lại tuổi đôi mươi của mình khi kể về những tháng ngày chiến đấu anh dũng để giữ gìn từng tấc đất quê hương. Nếu về quê vào những ngày lễ lớn của đất nước như ngày kỉ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 hoặc ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, con được gặp nhiều đoàn cựu chiến binh từ miền Bắc về thăm lại chiến trường xưa và tưởng nhớ đồng đội đang nằm lại ở mảnh đất này. Con gặp các bác, các chú làm lễ dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Gio An, Bia tưởng niệm chiến thắng đồi 82, Di tích Cây đa giếng Đìa…rồi họ cùng về ở lại nhà dân quê mình, cùng sinh hoạt với nhân dân trồng rau, trồng chuối, chăm gà và bày đàn em nhỏ hát các làn điệu dân ca của đồng bằng Bắc Bộ.

Một điều thật đặc biệt ân tình ở quê nội con, nếu thân nhân của những liệt sĩ vì điều kiện không thể vào thắp nhang cho con em của mình đang nằm lại tại đất Gio An, thì các chú, các bác cùng Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… của làng Gia Bình lại tổ chức ra miền Bắc thăm gia đình các anh. Những chuyến đi mang tình cảm của mảnh đất chiến trường về với quê hương các anh mà khi nghe kể đến ai cũng thán phục tình người ở đất Gio An.

Ngày 30/12/1964, xã Gio An được giải phóng. Để mất Gio An, quân đội Mỹ và chính quyền miền Nam cũ vô cùng cay cú, ngày đêm tổ chức tấn công, càn quét vào xã, biến nơi đây trở thành vành đại trắng của hàng rào điện tử Mc Namara. Trong trận đánh giữa đầu tháng 6/1967, sau một tuần quần nhau với giặc, quân dân Gio An được sự yểm trợ của Trung đoàn 38 và các đơn vị phối hợp đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.300 tên địch, bắn cháy 11 xe tăng, bắn rơi 14 máy bay, thu nhiều phương tiện chiến tranh. Xã Gio An được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Con được nghe Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đứng ở Di tích Cây đa giếng Đìa ở làng Gia Bình kể câu chuyện huyền thoại cây đa giữ đất, giữ làng. Ngày đó làng Gia Bình có một cây đa cổ thụ to lớn, cao hàng chục mét, tán xòe rợp một vùng rộng lớn được bộ đội dùng làm đài quan sát. Như hàng vạn cây đa vẫn mọc khắp nơi nhưng cây đa ở làng Gia Bình lại khắc vào tâm khảm những chiến sĩ của Trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh những mảnh kí ức bi tráng với những trận đánh của năm Mậu Thân 1968. Cây đa trở thành đài quan sát về phía Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang, Bãi Chùa, Bãi Dâu…nơi các cứ điểm quân sự quan trọng nằm dọc quốc lộ 1 từ cầu Hiền Lương trở vào của quân đội Mỹ và chính quyền miền Nam cũ. Đứng trên cây đa, bộ đội ta ngắm, điều chỉnh tầm hướng cho pháo binh rót đạn vào mục tiêu nên không ngày nào quân địch không nã pháo, dội bom hòng đánh gục cây đa. Dẫu đạn bom chà đi xát lại nhưng cây đa vẫn hiên ngang góp chút công lao của mình vào những trận đánh trên chiến trường Gio An- Gio Linh ác liệt. Cho đến năm 1972, cây đa mới ngã xuống sau khi trúng trọn một quả đạn pháo. Sau đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Hiệu mang một cây đa từ Ấn Độ về trồng ngay vào vị trí gốc cây đa làng đã ngã xuống. Cây đa lên xanh tốt lạ thường.

Quê nội con có rất nhiều giếng nước không nơi nào có được. Các giếng cổ này là công trình của người Chămpa trên đất Quảng Trị, có niên đại trên 5.000 năm, là một hệ thống công trình dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất hằng ngày, là một di tích có giá trị khảo cổ, văn hóa và nghệ thuật độc đáo do người Chăm xưa sáng tạo nên, được người Việt tiếp thu và giữ gìn cho đến ngày nay. Nhờ có nguồn nước ngầm mát lành từ giếng cổ mà người dân xã Gio An đã trồng được loại rau liệt đặc sản nức tiếng khắp trong huyện, ngoài tỉnh về độ sạch. Rau liệt (còn gọi là rau xà lách xoong) chỉ bám nhẹ trên đá, chất dinh dưỡng chủ yếu lấy từ nguồn nước chảy tự nhiên, không chịu sống chung với bùn đất hay nước bẩn, không cần phân bón, không dùng thuốc trừ sâu. Rau trồng vào mùa đông, rau ngon hơn vào tiết trời xuân có mưa phùn và hơi sương buổi sáng.

Sau 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc sống người dân Gio An hôm nay đã thay da đổi thịt. Bây giờ, Gio An đã trở thành xã nông thôn mới và là điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong và ngoài địa phương đến tham quan, trải nghiệm. Câu chuyện về xã Gio An mà con được nghe như bóng trăm năm của lịch sử vùng quê hào hùng để mãi mãi con ghi lòng tạc dạ quê cha đất tổ, như nguồn cội trong tâm hồn đong đầy yêu thương.

Tuệ Linh