Giã biệt “nối dây”
(QT) - Đã từng có một thời hủ tục “nối dây” đã trói buộc cuộc đời của không ít phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Chùa (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị). Và chính họ đã can đảm “chặt đứt” hủ tục này để có một tương lai tươi sáng hơn. Nhân chứng buồn Đường vào bản Chùa đến bây giờ vẫn còn đèo dốc và lổn nhổn đá sỏi. Vừa đặt chân đến bản Chùa đã gặp ông Hồ Nguyên, Trưởng ban Mặt trận bản với nụ cười hiền từ luôn nở trên môi: “Đường vào bản mình chắc vất vả... Vậy là may lắm rồi đó. Ngày xưa, bản Chùa không khác gì một ốc đảo. Đường vào bản hoang vắng, sâu hun hút giữa rừng. Nhiều phụ nữ trong bản ví con đường ấy tựa như cuộc đời mình, lắm gập ghềnh, trắc trở”.
 |
Bà Hồ Thị Nhềng bày tỏ sự vui mừng khi thấy bản làng đổi mới |
Hỏi ra mới biết, nhiều phụ nữ mà ông Hồ Nguyên nhắc đến chính là những phụ nữ góa bụa ở bản Chùa. Vì hủ tục “nối dây”, họ đành chấp nhận về chung sống với anh, em chồng như món nợ đời phải trả. Nhiều chị em phụ nữ xót xa, buồn tủi đành chấp nhận, nhưng vẫn có nhiều người tìm cách “chặt đứt” hủ tục dẫu họ biết rằng để làm được việc đó là điều không đơn giản. Vết chân chim trên khóe mắt của bà Hồ Thị Liên hằn sâu hơn mỗi lần nhắc đến quá khứ. Bà Hồ Thị Liên chia sẻ: “Nhiều lúc muốn khóc mà có rơi nước mắt được đâu. Nước mắt mặn đắng chảy vào trong lòng cả rồi”. Trước kia, bà Liên có một gia đình êm ấm với chồng cùng 4 người con. Cuộc sống tuy khó nghèo, vất vả nhưng không bao giờ thiếu vắng tiếng cười hạnh phúc. Rồi ông Hồ Văn Hun (chồng bà) đột nhiên ngã bệnh. Đến một ngày mưa tầm tã, ông Hun bỏ mẹ con bà mà đi. Nỗi buồn mất chồng chưa vơi, bà Hồ Thị Liên nghe tin phía nhà chồng đang hối hả làm lợn, gà cúng tổ tiên trình báo con trai thứ chết, giờ để lại vợ cho anh trai. Sau nhiều lần xin khất, bà Liên đành phải trở thành vợ thứ hai của ông Hồ Văn Ing. Bấy giờ, vợ chồng người anh trai chồng đã có 4 người con và đang ấm êm, hạnh phúc. Gạt dòng nước mắt, bà Liên tâm sự: “Lòng mình chưa quên hình bóng chồng, lại áy náy vì xen vào cuộc sống của gia đình anh chị. Thế nhưng, nếu quay lưng lại với luật tục, mình sẽ không còn con cái, tiền của gì nữa. Mình đành nhắm mắt đưa chân”. Cứ thế, bà Hồ Thị Liên chấp nhận sống âm thầm, lặng lẽ như cái bóng. Cuộc hôn nhân không tình yêu, hôn thú trở thành gánh nặng với không chỉ riêng bà.
 |
Tục “nối dây” từng xen vào cuộc hôn nhân của vợ chồng ông Hồ Văn Ing |
Đến bây giờ, bà Hồ Thị Nhềng vẫn nhớ như in ngày bà tất tả cùng dân bản đưa chồng về bệnh viện chữa bệnh và đau đớn chứng kiến sự ra đi của chồng. Quá đau đớn, bà Nhềng cùng các con khóc không thành tiếng. Vừa thương chồng, bà vừa lo cho tương lai của cả gia đình. Hôm làm lễ cúng chồng, bà Nhềng loáng thoáng nghe mọi người nhắc đến chuyện “nối dây”. Dân bản nói với nhau: “Anh trai mới mất vợ, giờ em dâu không còn chồng, ghép với nhau thành một cặp là tốt rồi”. Những lời nói vô tâm ấy khiến bà Nhềng gần như chết lặng. Bà Nhềng kể: “Mình đã tính đến chuyện bỏ lại tất cả để chạy vào rừng mà trốn. Nhưng rồi nhiều người cảnh báo mình là không thể chạy thoát con ma nhà chồng đâu. Thế là mình buộc lòng về sống cùng anh chồng. Mình đặt ra điều kiện là chỉ “đầu gối, tay ấp” khi mình quên được chồng”. Ngày xưa, khi chuẩn bị kết hôn, bố mẹ các cô gái Vân Kiều yêu cầu nhà trai phải “bỏ của”. Bà con quan niệm rằng tiền của càng nhiều thì cô gái ấy càng “có giá”. Thế nên, nhiều gia đình phải bán hết trâu, bò, lợn, gà để cưới vợ cho con. Không ít trường hợp cả nhà phải kéo cày trả nợ sau hôn nhân của con cái họ. Và cũng vì lý do đó, khi con dâu về sống với gia đình chồng thường bị gia đình chồng buộc phải làm việc quần quật. Và nếu không may chồng qua đời, người phụ nữ ấy phải “nối dây” để tiếp tục trả món nợ cũ. Bà Hồ Thị Nhềng, Hồ Thị Liên cùng nhiều phụ nữ khác ở bản Chùa chính là nhân chứng buồn xuất phát từ quan niệm cổ hủ ấy. “Chặt đứt” hủ tục Cũng như nhiều phụ nữ góa bụa khác ở bản Chùa, cuộc hôn nhân “nối dây” khiến bà Hồ Thị Nhềng héo mòn dần. Ngày tháng thấm thoắt trôi qua, bà Nhềng vẫn không thể quên hình bóng người chồng. Bà quyết định nói chuyện với gia đình chồng để xin trở lại sống với con cháu và lo hương khói cho người chồng quá cố. Bà Nhềng nói với nhà chồng: “Con người mình sinh ra luật tục thì cũng có thể gỡ bỏ luật tục. Xin đừng ép con quên người chồng đã khuất và sống cùng anh trai nữa. Con buồn đau quá mà chết đi thì tội cho các cháu”. Nói rồi, bà quỳ gối giữa gian nhà chính và lặng yên như một bức tượng. Trong khi các thành viên trong gia đình nhà chồng dần xuôi lòng thì phía ngoài hiên nhà sàn, nhiều người đã tụ tập phản đối. Một số già làng đe nẹt: “Mày dám chống lại luật tục của bản. Nếu giàng về bắt mọi người hay gieo rắc tai họa thì phải gánh chịu trách nhiệm”. Bà vẫn quyết tâm dứt áo về với các con. Từ hôm ấy, mọi người đều nín thở, chờ sự cuồng nộ của giàng. Ngay bố mẹ chồng bà Nhềng cũng khăn gói lên rẫy trốn vì sợ tai ương. Nhưng rồi, mọi chuyện vẫn trôi qua yên bình. Về phần mình, từ ngày về sống cùng con trai, bà Hồ Thị Nhềng vui vẻ, khỏe mạnh hẳn ra. Hôm sớm, bà vẫn đi về nhà chồng để làm tròn bổn phận dâu con.
 |
Niềm vui của bà Nhềng là tự tay chăm sóc con cháu |
Thấy vậy, bà Hồ Thị Liên và lần lượt nhiều phụ nữ bị sợi dây luật tục trói buộc khác cũng quyết định theo bước bà Nhềng. Họ bảo nhau: “Tục “nối dây” đã làm khổ phụ nữ qua bao đời rồi, phải chặt đứt nó thôi. Cứ cam chịu thế nay, chị em không chỉ tự gây ra bi kịch cho đời mình mà còn làm khổ nhau”. Rồi những người phụ nữ góa bụa của bản Chùa bắt đầu cương quyết rời nhà anh chồng, em chồng để về sống cùng con cháu. Trong tháng ngày đấu tranh với luật tục ấy, chị em phụ nữ bản Chùa đã nhận được sự tiếp sức tích cực của nhiều cán bộ từ tỉnh, huyện đến xã. Hàng trăm cuộc trò chuyện, hội thảo, họp thôn… được tổ chức nhằm giúp người dân nhận ra những hạn chế của tục “nối dây”. Người dân bản Chùa dần dần hiểu ra rằng, luật tục này là vi phạm nguyên tắc đạo đức bởi “con dâu cũng như anh chị em ruột thịt trong nhà”. Hơn nữa, tục “nối dây” không được pháp luật cho phép do đi trái với nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình là “tự nguyện quyết định, không được ép buộc, lừa dối hoặc cản trở”. Ông Võ Công Hoan, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết: “Người Vân Kiều vốn thẳng tính, đúng ra đúng, sai ra sai. Khi nghe phân tích thấu tình, đạt lý, bà con chấp nhận quay lưng với luật tục”. Sau khi loại bỏ được hủ tục “nối dây”, nhiều cán bộ tâm huyết còn vận động người dân thay đổi quan niệm “bỏ của”, “thách cưới”. Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền chia sẻ: “Chúng tôi khuyên bà con chỉ nên thách cưới lấy lệ cho đúng với phong tục thôi. Ở bản, nhà ai cũng có con trai, con gái. Nếu mình thách cưới quá cao, người khác cũng làm như thế. Kết quả là gia đình nào cũng khổ. Mà khổ nhất là những đôi bạn trẻ vì nhà nghèo mà không đến được với nhau. Hơn nữa, nếu thách cưới nhiều quá, khi về làm dâu, con gái mình phải lao động nặng nhọc để cùng nhà chồng trả nợ. Cuối cùng, cái khổ lại đeo bám con mình”. Thấy cán bộ xã nói có lý, người dân nhất loạt đồng ý. Đến bây giờ, nhân chứng về tục “nối dây” ở bản Chùa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Cứ mỗi dịp lễ, hội là bà Nhềng, bà Liên lại kể câu chuyện xưa cũ cho con cháu nghe. Và bà Nhềng, bà Liên tin tưởng vào tương lai của phụ nữ quê mình sẽ không còn trắc trở, gập ghềnh như con đường đến bản. Bài, ảnh: TRƯƠNG QUANG HIỆP