Cổ phiếu BIDV có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư
* Đồng chí NGUYỄN SỸ HỒNG, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Quảng Trị trả lời phỏng vấn. - Ngày 30/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2124/QĐ-TTg, phê duyệt phương án cổ phần hoá Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đề nghị đồng chí cho biết các nội dung chính của phương án cổ phần hoá ?
 |
-Thực hiện chủ trương bán đấu giá công khai cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2011 theo Quyết định 2124 của Thủ tướng Chính phủ, BIDV cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ, trong đó tỷ lệ sở hữu của nhà nước không thấp hơn 65% (với 2 giai đoạn, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 78% trong giai đoạn 1, trên 65% trong giai đoạn 2). Quy mô vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành: Vốn điều lệ của BIDV là 28.251,4 tỷ đồng, cơ cấu cổ phần phát hành cụ thể như sau: Tổng khối lượng phát hành trong giai đoạn 1 là 22% vốn điều lệ, trong đó: IPO lần đầu ra công chúng: 3% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên: 1% vốn điều lệ; bán cho tổ chức Công đoàn: 3% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài: 15% vốn điều lệ. Trong giai đoạn 2, BIDV sẽ phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tổng mức không vượt quá 20% vốn điều lệ và phát hành thêm cổ phần ra công chúng, giảm dần tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống không thấp hơn 65% vốn điều lệ đến năm 2015. BIDV sẽ thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào cuối tháng 12/2011. Ngày 1/12/2011, Thống đốc NHNN Việt Nam đã có Quyết định số 2589/QĐ-NHNN về việc công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đó, giá trị doanh nghiệp tại ngày 31/12/2010 của BIDV để cổ phần hoá như sau: Giá trị doanh nghiệp theo sổ sách đã được kiểm toán là 363.094.906 triệu đồng. Trong đó, giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 22.036.078 triệu đồng. BIDV căn cứ giá trị phần vốn nhà nước tại DN để xác định qui mô và cơ cấu phát hành cụ thể như sau: Vốn điều lệ làm căn cứ xác định giá trị phát hành: 28.251.382 triệu đồng. Mệnh giá: 10.000 đồng/ cổ phần. Ngày 5/12/2011, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1392/VPCP-ĐMDN về việc xác định giá khởi điểm để bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của BIDV. Theo đó, mức giá khởi điểm để bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của BIDV là 18.500 đồng/cổ phần. - Sau khi BIDV chính thức công bố phương án cổ phần hoá và tiến hành phát hành cổ phiếu ra công chúng, dư luận quan tâm đến chiến lược kinh doanh sau cổ phần hoá, tính minh bạch về tài chính, đặc biệt là việc chọn lựa nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…Đồng chí có thể cho biết BIDV giải quyết vấn đề này ra sao? -Truyền thống hoạt động của BIDV là phục vụ đầu tư phát triển đất nước (đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây lắp) với việc chủ yếu tập trung cung cấp nguồn vốn cho các dự án trung và dài hạn. Từ chiến lược 2006-2010, BIDV cũng đã có định hướng phát triển hoạt động NHBL, tuy nhiên chưa phải là định hướng trọng tâm. Chiến lược 2011-2015 đã xác định định hướng phát triển hoạt động bán lẻ rõ rệt và phấn đấu trở thành ngân hàng chiếm thị phần lớn trong hoạt động bán lẻ trên thị trường Việt Nam. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công của qui trình cổ phần hoá. BIDV sẽ lựa chọn 1 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỷ lệ bán trong giai đoạn 1 là 15%; trong giai đoạn 2 phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với tổng mức không vượt quá 20% vốn điều lệ.
 |
Các nhà đầu tư đang tìm kiếm thông tin về cổ phiếu BIDV tại đợt IPO ngày 12/12/2011 - Ảnh: HNK |
Về cơ bản, BIDV xác định lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là một định chế quốc tế danh tiếng, cam kết dài hạn, hỗ trợ BIDV trong quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro tiên tiến, phát triển sản phẩm dịch vụ và áp dụng công nghệ hiện đại. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được tham gia trong cơ cấu tổ chức quản trị của BIDV theo quy định của pháp luật. Các tiêu chí cụ thể của BIDV do Morgan Stanley tư vấn. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIDV sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của Tư vấn tài chính Morgan Stanley. -Ngày 12/12/2011, BIDV Quảng Trị đã giới thiệu đợt phát hành cổ phần BIDV ra công chúng. Trong điều kiện Quảng Trị là tỉnh có những tiềm năng, lợi thế nhất định, đồng chí cho biết các giải pháp, chiến lược kinh doanh của BIDV Quảng Trị nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Quảng Trị? -Từ năm 2008, BIDV đã xây dựng mô hình tổ chức theo đề xuất, kiến nghị của Dự án hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn II-TA2, theo đó mô hình này tại Chi nhánh gồm 5 khối: Khối quan hệ khách hàng; Khối quản lý rủi ro; Khối tác nghiệp; Khối Quản lý nội bộ và Khối trực thuộc. Sau khi cổ phần hóa, BIDV tập trung hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quy chế chi trả thu nhập để thu hút nhân tài và kích thích động viên cán bộ làm việc; hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động; củng cố năng lực và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các khối; hoàn thiện mô hình bán lẻ, kinh doanh thẻ; phát triển mạng lưới và nhận diện thương hiệu. Công tác huy động vốn được BIDV xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt do đó BIDV sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tiện ích; tăng cường huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế, đồng thời thiết lập quan hệ với các định chế tài chính để huy động những nguồn vốn nhàn rỗi. Phấn đấu giữ tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm trên 22% và đảm bảo tỷ trọng huy động vốn dân cư trên 55%. BIDV xác định mở rộng mạng lưới không phải là chạy theo số lượng, mở rộng mạng lưới chỉ được thực hiện khi hoạt động quản trị hệ thống được đảm bảo, cơ sở vật chất phát huy hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực được đảm bảo. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm mạng lưới hiện có luôn được BIDV coi trọng và các phòng giao dịch sau một thời gian hoạt động nhất định đều mang lại lợi nhuận. Sau cổ phần hoá, BIDV tiếp tục chiến lược mở rộng mạng lưới nhằm gia tăng hiệu quả và giá trị tài sản của ngân hàng. Cụ thể, mạng lưới hoạt động của BIDV phát triển lớn mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng. Ưu tiên mở rộng mạng lưới tại các địa bàn trọng điểm như thị xã Quảng Trị, thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo. Nâng cao chất lượng hoạt động của phòng giao dịch, đây được coi là kênh phân phối nhằm mở rộng phát triển hơn nữa các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Tăng cường phối hợp giữa các kênh phân phối nhằm đảm bảo khả năng phản ứng linh hoạt trước những thay đổi của môi trường kinh doanh, mức độ cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo hiệu quả trong công tác phát triển mạng lưới. Song song với công tác phát triển mạng lưới mục tiêu tăng cường khả năng quản lý, quản trị hoạt động của các điểm mạng lưới nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Về các kênh phân phối hiện tại có chiến lược phân bổ và bao phủ ATM, POS một cách hợp lý, tập trung vào các khu vực thành phố Đông Hà và các địa phương có nền kinh tế phát triển. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm IBMB, giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm ngân hàng mọi lúc, mọi nơi. Tiếp tục khẳng định vai trò Ngân hàng chủ lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế tỉnh nhà, vì vậy BIDV Quảng Trị không ngừng củng cố và nâng cao vị thế của chi nhánh trong hệ thống cũng như khu vực; mở rộng thị phần hoạt động, phát triển vị thế của BIDV trên địa bàn. Xác định huy động vốn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong mọi hoạt động để bảo đảm an toàn và khả năng thanh khoản của hệ thống. Đẩy mạnh và phát triển hệ thống mạng lưới hoạt động; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động kênh phân phối. Tập trung đẩy mạnh các giải pháp và có chiến lược ưu tiên cho việc phát triển thị phần và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Cơ cấu lại toàn diện các mặt hoạt động, cơ cấu nguồn thu, cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu dư nợ, cơ cấu nền khách hàng đảm bảo tăng trưởng ổn định, vững chắc, hiệu quả và theo đúng định hướng chung của ngành. Chuyển dịch cơ cấu thu nhập của Chi nhánh theo hướng giảm tỷ trọng nguồn thu từ lãi cho vay, tăng tỷ trọng các nguồn thu phi lãi. Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, đặc biệt đối với tín dụng trung dài hạn. Xây dựng cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, theo lĩnh vực hợp lý, bảo đảm nguyên tắc phân tán rủi ro. Đẩy mạnh tín dụng bán lẻ để từng bước đưa BIDV trở thành ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo nâng cao đời sống cho cán bộ nhân viên. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp và phát triển thương hiệu BIDV. -Xin hỏi đồng chí câu cuối, trong buổi IPO ngày 12/12/2011 với sự hiện diện của hàng trăm khách hàng quan tâm, đồng chí đã nói với các nhà đầu tư tiềm năng như thế nào? -Từ phương án cổ phần hoá của BIDV theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, BIDV sẽ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong năm 2012; bán 3% thông qua IPO trong nước, bán 1% cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và 3% cho tổ chức công đoàn. Như vậy sẽ giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại BIDV từ 100% xuống còn 78% sau khi hoàn tất các giao dịch trên và sẽ tiếp tục giảm xuống mức 65% đến năm 2015; mức nắm giữ tối đa của các cổ đông chiến lược nước ngoài là 20%. Sau khi BIDV tổ chức các đợt IPO đã nhận được những thông tin phản hồi tích cực. Tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đánh giá đây là điểm tích cực cho BIDV bởi việc cổ phần hóa sẽ góp phần cải thiện nền vốn và an toàn vốn của BIDV, mang lại những thay đổi cơ cấu, cải thiện tính minh bạch về tài chính và quản trị. Đồng thời, việc tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ giúp BIDV có sự giám sát độc lập, cải thiện quản trị doanh nghiệp, cũng như những hỗ trợ trong quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm. Những đánh giá tích cực của một trong ba tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế hàng đầu này càng khẳng định bước đi chiến lược đúng đắn, hướng đến những chuẩn mực và thông lệ quốc tế của BIDV. Cùng với quá trình thực hiện IPO, BIDV cũng sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong năng lực và hoạt động của ngân hàng, tiếp tục phát huy thế mạnh, củng cố uy tín với vai trò là ngân hàng hàng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Vì thế chúng tôi tin tưởng rằng, cổ phiếu của BIDV đã đang và sẽ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. -Xin cảm ơn đồng chí. HỒ NGUYÊN KHA (thực hiện)